Đẩy mạnh nghiên cứu giải pháp phát triển cây ăn quả đặc sản
Lượt xem: 254

Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho tỉnh tuyển chọn, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để khai thác và phát huy tiềm năng phát triển cây ăn quả đặc sản, tạo sản phẩm hàng hoá, góp phần phát triển KT - XH địa phương.

Vườn quýt tại xã Quang Hán (Trà Lĩnh) mùa thu hoạch.

 Toàn tỉnh hiện có khoảng 140.940 ha đất phát triển nông nghiệp, chiếm 21% diện tích tự nhiên, trong đó, trên 70.000 ha đất trồng ngô, lúa và nhiều vùng cây ăn quả đặc sản, như: cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, lê Đông Khê, hạt dẻ Trùng Khánh... Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1.000 ha cây ăn quả các loại trồng phân tán, với mô hình sản xuất cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm còn ít, chưa được nhân rộng. Trước thực trạng đó, từ năm 2010 đến nay, tỉnh triển khai 3 đề tài nghiên cứu ứng dụng do Viện Bảo vệ thực vật chủ trì, gồm: "Ứng dụng công nghệ ghép vi đỉnh sinh trưởng để bảo tồn và phát triển giống cam, quýt Hoà An" từ năm 2009 - 2013; "Phục tráng, bảo tồn và phát triển giống quýt đặc sản Trà Lĩnh" từ năm 2012 - 2015; "Ứng dụng công nghệ để phục tráng và phát triển sản xuất cam quýt theo hướng sản xuất hàng hoá" từ năm 2015 - 2018. Sau 4 năm triển khai, đề tài “Ứng dụng công nghệ ghép vi đỉnh sinh trưởng để bảo tồn và phát triển giống cam, quýt Hoà An" được nghiệm thu với kết quả tốt, ứng dụng kỹ thuật ghép vi đỉnh sinh trường để phục tráng giống, mô hình cam Trưng Vương, quýt Hà Trì sử dụng cây giống sạch bệnh tỷ lệ quả bói đạt trên 30%, kỹ thuật trồng xen ổi trong vườn cam, quýt 4 ha giúp xua đuổi rầy chổng cánh (rầy chích hút nhựa cây, truyền bệnh greening) và người dân lấy ngắn nuôi dài. Từ thực hiện Đề tài trên, gia đình anh Nông Văn Chính, xã Hà Trì cho lãi 65 triệu đồng/125 cây ổi.

Đề tài "Phục tráng, bảo tồn và phát triển giống quýt đặc sản Trà Lĩnh" đang được triển khai tại 2 xã: Quang Hán, Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh). Đề tài phục tráng giống quýt đặc sản Trà Lĩnh bằng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng, trồng mới 1,5 ha vườn quýt sạch bệnh (1.200 cây quýt xen 270 cây ổi), cải tạo 0,5 ha vườn quýt kém hiệu quả và sản xuất 7.500 cây giống quýt Trà Lĩnh, 1.800 cây ổi trồng xen đáp ứng yêu cầu trồng 10 ha quýt tập trung. Hai đề tài trên đã chuyển giao các quy trình liên quan thuộc công nghệ sản xuất cây giống cam, quýt sạch bệnh do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ tập huấn cho 420 lượt nông dân vùng triển khai Đề tài.

Năm 2014, Đề tài "Ứng dụng công nghệ để phục tráng và phát triển sản xuất cam, quýt theo hướng sản xuất hàng hoá" của Viện Bảo vệ thực vật được tuyển chọn với mục tiêu: Phát triển vùng sản xuất cam, quýt đặc hữu (cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, quýt Trà Lĩnh, quýt Hoa Thám (Nguyên Bình), quýt Trọng Con (Thạch An) theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm cam, quýt có năng suất, chất lượng tốt, nâng cao thu nhập cho người dân. Đề tài sẽ điều tra quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất cam, quýt, phục tráng bảo tồn nguồn gen quýt Hoa Thám, quýt Trọng Con; xây dựng mô hình thâm canh quýt Hoa Thám, Trọng Con 4 ha; nhân giống và phát triển sản xuất 30 ha cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, quýt Trà Lĩnh; cải tạo 10 ha vườn cam, quýt cũ; chuyển giao công nghệ và kỹ thuật thâm canh cây có múi cho cán bộ địa phương và tập huấn cho 300 lượt người dân vùng triển khai đề tài. Đề tài giúp cho tỉnh tiếp tục phục tráng và phát triển giống cam, quýt đặc sản, mở ra việc phát triển cây có múi, có chất lượng của tỉnh lên hàng nghìn ha.

Để phát huy giá trị gia tăng của sản phẩm quýt Trà Lĩnh, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể quýt Trà Lĩnh" cho sản phẩm quýt Trà Lĩnh. Việc thực hiện Đề tài sẽ tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nông dân Trà Lĩnh khẳng định sản phẩm thương hiệu quýt địa phương, cùng với việc quảng bá danh tiếng và thiết lập thị trường tiêu thụ ổn định sẽ góp phần khuyến khích mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân vùng trồng quýt.

Đối với cây lê, đặc sản của các huyện: Thạch An, Nguyên Bình, Bảo Lạc, có giá trị dinh dưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao sẽ được phát triển ở quy mô sản xuất hàng hoá nếu được đầu tư một cách hợp lý. Hiện, toàn tỉnh chỉ còn 131,8 ha lê, trong đó có 82 ha cho thu hoạch, tuy nhiên, diện tích, năng suất, sản lượng lê còn rất thấp, cây trồng thoái hoá, diện tích trồng lê bị thu hẹp và rất manh mún. Tháng 4/2014, Đề tài "Khai thác và phát triển nguồn gen lê Đông Khê, Nguyên Bình và Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng" được tuyển chọn và triển khai với các nội dung: Điều tra đánh giá tình hình thực trạng sản xuất, kỹ thuật thâm canh các giống lê, tuyển chọn cây đầu dòng, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, ghép cải tạo, bảo quản lê..., cho 210 hộ nông dân, xây dựng mô hình thâm canh 4 ha lê và trồng mới 5 ha tại vùng nguyên sản với năng suất 15 - 20 tấn/ha. Đây là đề tài mới nghiên cứu, phục tráng các giống lê đặc sản Cao Bằng, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến thâm canh, cải tạo lê vùng nguyên sản, góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng lê đặc sản Cao Bằng, chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Là một tỉnh miền núi có nhiều ưu thế về khí hậu, địa lý và đất đai phát triển cây mận, song toàn tỉnh chỉ có khoảng 280 ha trồng mận, chủ yếu là mận tam hoa, khoảng 240 ha cho thu hoạch với sản lượng gần 750 tấn. Với giá bán 20 nghìn đồng/kg, một cây mận có thể cho thu hoạch 100 - 150 kg, giá trị 2 - 3 triệu đồng; một số hộ thu nhập hằng trăm triệu đồng/năm từ cây mận. Tuy nhiên, gần đây các vườn mận đã xuống cấp, giống thoái hoá, chất lượng suy giảm, do ít ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, nhất là cây mận máu (mận đỏ) loại quả đặc sản được người tiêu dùng ưa thích, chất lượng ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Năm 2014, đề tài "Nghiên cứu, phục tráng và phát triển giống mận đặc sản Cao Bằng" từ năm 2015 - 2017, được tuyển chọn do Viện Nghiên cứu rau quả chủ trì thực hiện với mục tiêu: ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm bảo tồn và phát triển giống mận đặc sản tỉnh Cao Bằng, xây dựng vùng sản xuất mận hàng hoá, năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và làm giàu cho người dân khu vực. Các nội dung thực hiện đề tài gồm: Tuyển chọn cây đầu dòng của giống mận đặc sản tại các huyện: Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An, Trà Lĩnh; xây dựng mô hình nhân giống mận đặc sản bằng phương pháp ghép 3.000 cây - xây dựng mô hình trồng mới 4 ha - xây dựng mô hình ghép cải tạo vườn mận - xây dựng mô hình thâm canh 2 ha tại 4 huyện và tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh cho 400 lượt nông dân.

Cao Bằng còn có bưởi Phục Hoà là cây đặc sản có chất lượng tốt, thời kỳ sai quả ổn định có thể kéo dài 40 - 50 năm, sản lượng 1 cây có thế đạt 150 - 180 quả, trị giá vài triệu đồng/cây. Nhưng diện tích bưởi chỉ có khoảng 100 ha, lại trồng phân tán, manh mún, năm 1992, bưởi Phục Hoà có diện tích 15 ha, nay chỉ còn khoảng 5 ha nhưng ít được chăm sóc, thâm canh nên diện tích ngày một giảm và nhiễm bệnh. Đề tài "Điều tra, tuyển chọn, nhân giống và phát triển bưởi Phục Hoà, Cao Bằng" do Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực hiện từ năm 2008 - 2011, bước đầu tuyển chọn 30 cây bưởi tốt ở vùng Phục Hoà, ghép vi đỉnh sinh trưởng để sản xuất cây giống sạch bệnh và trồng ra vườn sản xuất 1.000 cây (800 cây bưởi Quảng Đông và 200 cây bưởi Sa Điền), tỷ lệ sống đạt 97,1%. Hiện nay, cây bưởi sạch bệnh S0, S1 được chăm sóc tại nhà lưới của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ là nguồn vật liệu để nhân giống và phát triển bưởi Phục Hoà. Với gần 900 cây bưởi được trồng 6 điểm tại các gia đình và các huyện: Phục Hoà, Hoà An và Thành phố đã bói quả.

Ngoài 5 loại cây ăn quả đặc sản: cam, quýt, lê, bưởi, mận hiện được đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo tồn, phục tráng phát triển sản xuất hàng hoá, tỉnh cũng quan tâm tới việc tuyển chọn, phục tráng vườn giữ quỹ gen một số cây ăn quả đặc sản khác, như: mác mật, hạt dẻ Trùng Khánh, hồng không hạt... Để khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và mục tiêu phát triển cây ăn quả đặc sản tỉnh Cao Bằng nói riêng, những năm tới, tỉnh cần chú trọng phát huy những kết quả nghiên cứu đạt được, phát huy tiềm năng về khí hậu, địa lý, đất đai, ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến trong phát triển sản xuất hàng hoá các cây ăn quả đặc sản để các loại cây ăn quả đặc sản của tỉnh chiếm lĩnh thị trường nội địa và phục vụ mục tiêu xuất khẩu trong tương lai.

Theo baocaobang.vn                   

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1