Cơ giới hóa - “bệ phóng” để nông nghiệp Hòa An phát triển
Lượt xem: 113

Có dịp đi qua những cánh đồng huyện Hòa An, hình ảnh những chiếc máy cày, gặt đập liên hợp (GĐLH) hối hả ngoài ruộng vào giai đoạn làm đất, thu hoạch đã không còn xa lạ với người dân nơi đây.

 

Có dịp đi qua những cánh đồng huyện Hòa An, hình ảnh những chiếc máy cày, gặt đập liên hợp (GĐLH) hối hả ngoài ruộng vào giai đoạn làm đất, thu hoạch đã không còn xa lạ với người dân nơi đây.


 
        
Huyện Hòa An áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

BỨT PHÁ TRÊN ĐỒNG RUỘNG
Đã từ lâu, đến thời vụ gieo trồng, thu hoạch, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Hòa An không còn phải chạy đôn chạy đáo tìm người, huy động lực lượng xuống đồng để thực hiện mọi công việc cho kịp thời vụ. Giờ đây, các khâu từ làm đất đến thu hoạch, vận chuyển đều có máy móc hỗ trợ sức người. Anh Lương Văn Tân, xóm Vò Đáo, xã Bế Triều (Hòa An) cho biết, nếu như trước đây, để thu hoạch 1 sào lúa phải mất một buổi sáng với 3 nhân lực vừa gặt, vận chuyển rồi tuốt hạt; thì nay, với diện tích này gia đình tôi chỉ mất khoảng 10 - 15 phút do sử dụng máy GĐLH để thu hoạch. Chuyện làm nông, thu hoạch mùa màng của gia đình anh Tân cũng giống như hầu hết các gia đình khác trên địa bàn huyện. Thay vì “con trâu đi trước, cái cày theo sau” như trước đây, nay trên đồng ruộng, nông dân nhiều địa phương đã mạnh dạn đưa máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ khâu chọn giống đến khâu thu hoạch. Nhiều gia đình đầu tư mua máy cơ giới nông nghiệp ngoài phục vụ cho công việc của gia đình còn làm dịch vụ có hiệu quả. Anh Lương Văn Tân chia sẻ thêm: “Trước đây gia đình cũng chỉ dùng trâu, bò để cày kéo, nhưng mấy năm gần đây gia đình tôi đầu tư gần 200 triệu đồng mua 1 chiếc máy cày, 1 chiếc máy GĐLH ngoài phục vụ hơn 2.000 m2 đất trồng lúa của gia đình”. Cứ đến mùa vụ anh Tân lại đi cày, gặt thuê, mỗi mùa đi làm thuê, trừ chi phí xăng dầu, anh cũng có thu nhập trên 30 triệu đồng, sau mấy năm gia đình anh Tân đã thu lại được tiền mua máy và có thêm thu nhập để trang trải cho gia đình, sắm sửa tiện nghi trong nhà và nuôi con ăn học.

Ông Bế Xuân Khu, Phó Chủ tịch UBND xã Bế Triều (Hòa An) cho biết: Nhờ thực hiện cơ giới hóa (CGH), tiến độ làm đất, gieo trồng, thu hoạch trong các mùa vụ của bà con được đẩy nhanh từ 5 - 7 ngày. Đến nay, xã đã có 5 chiếc máy GĐLH, 4 máy cày loại to do người dân tự đầu tư vừa phục vụ gia đình vừa làm dịch vụ cho thuê vào dịp mùa vụ. Việc thực hiện CGH nông nghiệp đã góp phần giải phóng sức lao động, đảm bảo an ninh lương thực của xã những năm qua (Năm 2013 sản lượng lúa của xã đạt hơn 1.000 tấn).

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, huyện Hòa An tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật và đưa CGH vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, trên địa bàn huyện đã có gần 500 máy cày, máy kéo, máy GĐLH phục vụ sản xuất nông nghiệp, đáp ứng CGH làm đất trong nông nghiệp từ 47% năm 2009 tăng lên khoảng 80% năm 2013, 50,8% tưới lúa chủ động và vận chuyển nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 85%. Các loại máy cơ giới đang được nông dân Hòa An sử dụng phổ biến đó là máy làm đất, máy gặt khoác miệng, máy xát lúa, máy bơm tưới, tiêu nước, phun thuốc trừ sâu... Ông Lưu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa An khẳng định: “CGH là một trong những giải pháp quan trọng cho mục tiêu hạ giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác lúa cho nhà nông hiện nay”.

BÀI TOÁN LÂU DÀI

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Hòa An, nhìn chung diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các hộ nông dân khá cao, có thể thực hiện việc CGH sản xuất. Song, mức độ chênh lệch các số bình quân giữa các xã địa giới hành chính cũng khá nhiều. Trong khi đó, CGH nông nghiệp của huyện chủ yếu ở khâu làm đất trồng, cấy lúa, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa, gạo. Các khâu canh tác như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa và các loại cây trồng khác mức độ CGH còn thấp, lao động thủ công là chủ yếu. Tỷ lệ sử dụng máy cày bừa trong khâu làm đất đối với sản xuất cây lúa là chính, còn các cây trồng khác việc CGH trong sản xuất còn hạn chế. Các loại máy thái thức ăn chăn nuôi chủ yếu là máy nhỏ, chỉ phù hợp với chăn nuôi hộ gia đình. Thu nhập của nhân dân từ sản xuất nông nghiệp thấp, khả năng đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất gặp nhiều khó khăn. Cơ sở sản xuất công nghiệp phục vụ nông nghiệp còn rất yếu, trong khi giá máy móc quá đắt tiền so với khả năng của người nông dân. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp…, những yếu tố trên đang là trở ngại của Hòa An để thực hiện mục tiêu đến hết năm 2015, toàn huyện sẽ đưa thêm hơn 500 máy móc, thiết bị vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo trên 100% diện tích đất nông nghiệp ở các xã vùng đồng được CGH.

Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài huyện Hòa An đang tiến hành thực hiện hỗ trợ cho người nông dân, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, tổ hợp tác vay vốn mua máy móc nông nghiệp. Đồng thời, để ứng dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp một cách có hiệu quả; tiếp tục đầu tư hệ thống thuỷ nông đảm bảo nguồn nước tưới, khuyến khích nông dân trang bị các loại máy tốn ít nhiên liệu trong quá trình sử dụng, tổ chức các lớp tập huấn về bảo trì, sử dụng máy GĐLH cho nông dân. Tăng cường nội sinh từng hộ gia đình, từng địa phương, cơ sở, từng vùng để tạo chuyển biến trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Quan tâm công tác nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện cán bộ kỹ thuật ngành cơ khí nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp.             

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1