Nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn trong phát triển du lịch Cao Bằng
Lượt xem: 1618

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm giảm sút nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó du lịch Cao Bằng chịu những tác động nặng nề. Để tháo gỡ khó khăn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) chủ động đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, tiếp tục duy trì thúc đẩy du lịch Cao Bằng phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) - điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

Ngay từ đầu năm, khi dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL tích cực cùng các sở, ban, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: phối hợp triển khai tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; báo cáo nhanh số liệu khách, số liệu đoàn hủy, hoãn đến Cao Bằng; thống kê số lượng khách nước ngoài hằng ngày lưu trú trên địa bàn tỉnh; tình hình kinh doanh cơ sở lưu trú; công tác phòng, chống dịch bệnh, tình hình hoạt động du lịch và giải pháp ứng phó với dịch Covid-19...

Sở VH,TT&DL xây dựng các điểm đến an toàn theo 5 tiêu chí của Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề ra trong bộ “Tiêu chí du lịch an toàn với dịch Covid-19”. Phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị du lịch và các cấp chính quyền tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tạo ra một hệ thống sản phẩm du lịch và dịch vụ chất lượng, an toàn. Tập trung đẩy mạnh truyền thông, quảng bá và xây dựng “Cao Bằng điểm đến an toàn và hấp dẫn” để chào đón, thu hút khách du lịch.

Đầu tháng 5/2020, toàn tỉnh mở cửa trở lại các điểm hấp dẫn gắn với tăng cường làm tốt công tác vệ sinh phòng, chống dịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt (QGĐB) Pác Bó (Hà Quảng), Khu di tích QGĐB rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Khu di tích QGĐB Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An; thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, núi Mắt Thần (Trùng Khánh)…

Mở lại hoạt động phố đi bộ Kim Đồng (Thành phố)… Khuyến khích người dân tại các điểm du lịch cộng đồng đón khách đến trải nghiệm gắn với vệ sinh phòng, chống dịch và bảo vệ thiên nhiên môi trường tạo ấn tượng với du khách… Các huyện, Thành phố trên địa bàn trọng điểm du lịch đồng loạt hưởng ứng kế hoạch kích cầu, tổ chức kết nối với doanh nghiệp, hợp tác giữa du lịch, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi giải trí, xây dựng các sản phẩm kích cầu với nhiều ưu đãi.

Các chuyên gia Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tư vấn cách làm dịch vụ cho du lịch cộng đồng LAN’S HOMESTAY tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh).

Giám đốc Ban Quản lý các di tích QGĐB tỉnh Đào Văn Mùi cho biết: Do chủ động các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên các khu di tích QGĐB luôn là điểm đến an toàn đón khách. Đặc biệt tại Khu di tích QGĐB Pác Bó còn xây dựng thêm trò chơi dân gian ngay tại khuôn viên Khu di tích để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Đồng thời xây dựng quy mô lễ hội Pác Bó với chương trình hoạt động mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc trở thành điểm đến hấp dẫn.

Sở VH,TT&DL tham mưu cho tỉnh tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp kích cầu du lịch Cao Bằng. Xây dựng và phát triển Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ VH,TT&DL để thực hiện kích cầu du lịch nội địa; đẩy mạnh truyền thông quảng bá điểm đến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Đồng thời tham mưu ký kết liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc (Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc). Thu hút khách du lịch nội địa, thu hút đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất dịch vụ du lịch; mở rộng quan hệ hợp tác, khôi phục phát triển thị trường du lịch…, nhằm thu hút sự vào cuộc của các địa phương và sự đồng hành của các doanh nghiệp, triển khai các gói kích cầu du lịch sẵn sàng đón tiếp khách du lịch.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hải Vân Xanh (Hà Nội), tháo gỡ khó khăn để phát triển du lịch trong thời điểm dịch bệnh kéo dài, các tỉnh đều hướng tới kích cầu du lịch trong nước. Công ty chúng tôi xây dựng kết nối các tour tuyến trong nước, các tỉnh miền Bắc - Trung - Nam.

Đặc biệt xây dựng các tour, kết nối miền Nam, miền Trung với các tỉnh Đông Bắc bởi có đường hàng không thuận tiện từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… ra sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh với giá vé giảm. Từ Vân Đồn, Quảng Ninh xây dựng tour từ Quảng Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội - Quảng Ninh.

Trong đó Cao Bằng làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, là điểm đến quan trọng tour các tỉnh vùng Đông Bắc; đồng thời Cao Bằng có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, có đồng bào dân tộc thiểu số lưu giữ văn hóa bản địa đặc sắc, là cơ hội rất tốt cho tỉnh phát triển du lịch cộng đồng để lưu giữ khách đến khám phá, trải nghiệm…

Giám đốc Sở VH,TT&DL Sầm Việt An khẳng định: Triển khai đồng bộ các biện pháp tháo gỡ khó khăn phòng, chống dịch Covid-19 nên Cao Bằng trở thành điểm đến du lịch an toàn. Các cấp, ngành, đơn vị, hộ cá nhân làm dịch vụ du lịch hưởng ứng thực hiện tốt nhiệm vụ vừa bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, du khách, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống của nhân dân.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An tiếp đón nhiều du khách đến tham quan.

Tổng lượt khách ước năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên với các giải pháp đồng bộ, hoạt động du lịch trên địa bàn có sự khởi sắc, khôi phục trở lại từ tháng 6 - 7/2020. Năm 2020, tổng lượt khách du lịch ước đạt 600.000 lượt, giảm 62% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 20.000 lượt, giảm 89,2% so với năm 2019; khách nội địa ước đạt 580.000 lượt, giảm 57,7% so với năm 2019.

Doanh thu ước đạt 70 tỷ đồng, giảm 85,4% so với năm 2019. Chủ yếu tập trung cho các hoạt động của khách du lịch nội địa, từng bước thu hút lại thị trường du lịch, giải quyết việc làm cho nhân lực du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian tới, Sở VH,TT&DL tham mưu cho tỉnh xúc tiến, mời gọi đầu tư hạ tầng cơ sở, kết nối giao thông các điểm du lịch thuận tiện hơn; xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại các huyện đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, khách sạn 5 sao tại trung tâm Thành phố; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho người dân về du lịch cộng đồng, giữ gìn bản sắc dân tộc với bảo vệ thiên nhiên môi trường; kết nối tuyến du lịch thứ 4 Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Triển khai hiệu quả sản phẩm du lịch biên giới trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) hướng tới xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh, là hình mẫu trong quan hệ hợp tác với nước bạn Trung Quốc… để tạo sản phẩm du lịch mới. 

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1