Kết nối du lịch Việt Bắc - thúc đẩy du lịch Cao Bằng
Lượt xem: 1391

Khu vực Việt Bắc, trong đó có Cao Bằng đã khai thác các sản phẩm du lịch thế mạnh, liên kết với các địa phương hình thành nhiều tour, tuyến du lịch nối liền các điểm đến, hướng tới du lịch sinh thái, du lịch xanh, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch với đa dạng loại hình khám phá thiên nhiên kỳ thú.

Thác Bản Giốc - điểm đến hấp dẫn du khách.

Đến với vùng Việt Bắc, du khách được đắm mình trong không gian thiên nhiên hùng vĩ, được chào đón bởi những tấm lòng nồng hậu, thân thiện, được chiêm ngưỡng, tìm hiểu những di tích lịch sử, văn hóa, thưởng thức ẩm thực và được trải nghiệm trong không gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc…

Hành trình từ Đông sang Tây, du khách sẽ thấy Lạng Sơn với núi Mẫu Sơn hùng vĩ, nàng Tô Thị, chùa Tam Thanh, Ải Chi Lăng, căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn… Đến Cao Bằng, du khách được đến các khu di tích quốc gia đặc biệt: Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An; những danh thắng cảnh kỳ vĩ như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen…

Dừng chân ở Bắc Kạn, du khách chiêm ngưỡng hồ trên núi Ba Bể, tận hưởng dịch vụ homestay và thưởng thức hương vị đặc sản ẩm thực vùng hồ; Di tích lịch sử Nà Tu, Chiến thắng Đèo Giàng, Đồn Phủ Thông, ATK Chợ Đồn… Tỉnh Thái Nguyên với điểm đến đầu tiên là Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, danh thắng hồ Núi Cốc, núi Phượng Hoàng, hang Phượng Hoàng, hang Suối Mỏ Gà…

Đến với Tuyên Quang là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu du lịch sinh thái Na Hang, suối khoáng nóng Mỹ Lâm và văn hóa ẩm thực phong phú với các đặc sản…

Hà Giang với địa hình mang vẻ đẹp hấp dẫn, độc đáo, nổi bật, trong đó là cột cờ Lũng Cú khẳng định chủ quyền lãnh thổ; cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên địa chất Toàn cầu…, những phiên chợ vùng cao đầy sắc màu văn hóa như: chợ tình Khau Vai, chợ vùng cao Đồng Văn…

Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể như: thưởng thức nghệ thuật hát Then - đàn tính của dân tộc Tày; lời ca giao duyên lượn Cọi và lượn Slương của dân tộc Tày, Nùng; múa khèn Mông, khèn lá; Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo, Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô, chữ viết và Lễ cấp sắc của người Dao; Lễ cầu mùa...

Cao Bằng nổi tiếng với bề dày lịch sử, văn hóa, địa hình phong phú, đa dạng, tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, mang đậm nét hoang sơ, có giá trị du lịch cao. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng và các danh lam thắng cảnh được giữ gìn, tôn tạo; các giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ, dân gian truyền thống được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị.

Là địa bàn của hơn 95% dân số là người dân tộc thiểu số cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét sinh hoạt văn hóa riêng, tạo nên vùng đất văn hóa đa sắc tộc, thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Với đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc nên thuận lợi cho việc hợp tác phát triển các loại hình du lịch xuyên biên giới như: du lịch đỏ, tour du lịch bằng xe tự lái, du xuồng mạo hiểm, hợp tác xây dựng sân khấu biểu diễn thực cảnh xuyên biên giới...

Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là điểm đến hấp dẫn du khách.

Với những nét tương đồng về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, Cao Bằng đã tích cực hợp tác, liên kết, phát triển du lịch nhằm khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên và các giá trị di sản văn hóa của các tỉnh trong vùng nhằm giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế, những nỗ lực đó đã đem lại thành quả đáng khích lệ.

Đặc biệt, thông qua Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và các hoạt động hội chợ, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đã có những bước phát triển như: Xây dựng ấn phẩm quảng bá du lịch; thường xuyên tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin của tỉnh, trên mạng, các trang web… Hình thành một số khu, điểm, tuyến du lịch với các sản phẩm du lịch như du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh…

Việc hình thành các khu, điểm du lịch tạo sự phát triển của hạ tầng. Giao thông nối liền các tuyến du lịch liên vùng được nâng cấp, sửa chữa, làm mới như: Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Bắc Kạn; Quốc lộ 4 Cao Bằng - Lạng Sơn; Quốc lộ 279 Lạng Sơn - Cao Bằng - Bắc Kạn - Tuyên Quang - Hà Giang… Các cơ sở lưu trú không ngừng tăng về số lượng, quy mô, dịch vụ phục vụ du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách; phương tiện vận chuyển khách hiện đại, lịch sự; các khu, điểm du lịch hấp dẫn, bảo đảm vệ sinh môi trường, hệ thống thông tin liên lạc thuận lợi, thông suốt.

Cùng với sự phát triển hạ tầng du lịch, các tỉnh trong vùng Việt Bắc đã và đang có kế hoạch hợp tác, liên kết xây dựng các tour, tuyến du lịch mới; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, đặc thù của từng địa phương, tránh trùng lặp. Trong những năm qua, các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong vùng đã đạt được những kết quả nhất định, lượng khách du lịch đến với các tỉnh vùng Việt Bắc nói chung đã tăng (năm 2019, tổng số khách du lịch đến với Việt Bắc đạt trên 10 triệu lượt người).

Bên cạnh việc liên kết trong tỉnh, liên kết giữa các vùng, các địa phương trong và ngoài nước thì xu thế liên kết song phương, đa phương giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch càng cần được đẩy mạnh. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ: Liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và kinh doanh cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí; liên kết trong xây dựng điểm đến, xây dựng sản phẩm và quảng bá, xúc tiến.

Các doanh nghiệp du lịch cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và kết nối các tour, tuyến, khu, điểm du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến các loại hình du lịch có thế mạnh của địa phương; xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp... Sự gắn bó chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong quá trình liên kết làm tăng sức hấp dẫn và giá trị của thương hiệu, sản phẩm, hiệu quả kinh doanh, bảo đảm sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch.

Xu hướng chung trong phát triển du lịch giai đoạn hiện nay là liên kết vùng, liên kết điểm đến; liên kết chỉ thực sự hiệu quả khi mỗi mắt xích trong đó có một thế mạnh, nét đặc sắc riêng. Xác định du lịch là ngành kinh tế trọng tâm để khai thác và phát triển, hiện nay, ngành du lịch đang phối hợp với các viện nghiên cứu, các tổ chức nước ngoài nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển du lịch.

Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch của tỉnh, kết nối với điểm du lịch của tỉnh bạn, chuẩn bị khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn); đầu tư, tôn tạo các điểm du lịch; liên kết phát triển du lịch với nước bạn Trung Quốc và một số tỉnh, thành trong nước, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Việt Bắc, khảo sát liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc...

Đến với Cao Bằng, du khách còn được trải nghiệm không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Thế Vinh cho biết: Tăng cường liên kết có thể khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và lợi thế trong phát triển du lịch khu vực Việt Bắc, qua đó thúc đẩy du lịch Cao Bằng và các tỉnh trong khu vực cùng phát triển. Sự liên kết này đòi hỏi các tỉnh và doanh nghiệp phải cùng nhau nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu của du khách, từ đó thiết kế những tour, tuyến độc đáo, trọn gói với mức giá ưu đãi tạo điều kiện cho du khách chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc nhất của cộng đồng các dân tộc vùng Việt Bắc.

Việt Bắc không chỉ có thế mạnh về thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ mà còn ẩn chứa nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa, tộc người. Mỗi địa phương, mỗi tỉnh đều có thế mạnh, nét đẹp riêng, do vậy mỗi tỉnh cần nghiên cứu, định hướng chiến lược và xây dựng những sản phẩm du lịch nổi bật, có dấu ấn đặc trưng nhằm tạo điểm nhấn trong chuỗi liên kết để thu hút du khách.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1