Tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thích ứng an toàn, hiệu quả
Lượt xem: 4348

Năm 2021, trước những tác động tiêu cực "chưa từng có" do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đến các hoạt động KT - XH, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt, sáng tạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc kịp thời của các cấp, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện "mục tiêu kép", Cao Bằng đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh lực KT - XH, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, tỉnh chủ động xây dựng kịch bản và tổ chức thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từng bước đưa tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường mới, bảo vệ sức khỏe người dân, khôi phục và phát triển sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án khu tái định cư Đoỏng Luông, thị trấn Trùng Khánh (Trùng Khánh).

 

THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19

Là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong bối cảnh có nhiều khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động KT - XH, bảo đảm đời sống nhân dân. Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, năm 2021 ước 10/17 chỉ tiêu KT - XH đạt, vượt kế hoạch (KH); kinh tế cơ bản ổn định, tăng trưởng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, các hoạt động văn hóa, xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,33%, cao hơn so với dự kiến mức tăng chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 37,14 triệu đồng, tăng xấp xỉ 1,8% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11%, đạt 100% KH. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có những bước tiến tích cực, trong đó đa số các trụ cột của nền kinh tế đều có sự tăng trưởng so với năm 2020. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn. Giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên 1 đơn vị diện tích (ha) ước đạt 42 triệu đồng, bằng 100% KH, tăng 5% so với năm 2020. Sản lượng cây lương thực có hạt ước đạt gần 283.000 tấn, vượt 1,9% so với KH. Chăn nuôi phát triển ổn định, nhiều loại vật nuôi tăng về số lượng (đàn lợn tăng trên 16.800 con, đàn gia cầm tăng gần 91.000 con). Một số bệnh dịch nghiêm trọng như bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò được kiểm soát. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện. Công tác di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở phấn đấu thực hiện 2.600 hộ, đạt 100% KH. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,54%, bằng 100% KH.
Hoạt động công thương có nhiều điểm sáng. Tỉnh kịp thời tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ, có kế hoạch bố trí sản xuất hợp lý, quan tâm giải quyết khó khăn trong lưu thông hàng hóa... bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo giá hiện hành ước đạt 5.300 tỷ đồng, tăng 12,8%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn (bao gồm cả giá trị hàng hóa giám sát) đạt 681 triệu USD, bằng 144,9% KH.

Xác định đầu tư công là một trong những giải pháp chủ yếu để kích cầu và tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, ước giải ngân đến ngày 31/12/2021 được 2.535 tỷ 221 triệu đồng, đạt 87% KH. Trong năm, để tạo động lực cho sự phát triển KT - XH địa phương, tỉnh khẩn trương lập điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và huy động mọi nguồn lực để triển khai và hoàn thành dự án trước năm 2025 nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất về kết cấu hạ tầng giao thông theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, khởi công một số dự án lớn về phát triển giao thông quan trọng kết nối vùng, liên vùng.

Công tác quản lý, điều hành ngân sách và các tổ chức tín dụng được thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.845 tỷ đồng, bằng 92,3% KH, trong đó, thu nội địa 1.585 tỷ đồng, bằng 88,1% KH; thu xuất nhập khẩu 260 tỷ đồng, bằng 130% KH. Môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh được cải thiện, trong đó, chỉ số chi phí gia nhập thị trường của tỉnh được xếp số 1 trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong năm, có 127 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký 784,317 tỷ đồng. Cấp mới chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 16 dự án với tổng vốn đăng ký 703,379 tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được chú trọng. Trong đó, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được xác định là một trong những nội dung quan trọng, được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp,  ngành và nhân dân, tỉnh quyết tâm xóa 6.602 nhà tạm, nhà dột nát trong giai đoạn 2021-2025. Quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, tạo tiền đề cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.

Công tác phòng, chống dịch được thực hiện với tinh thần chủ động, linh hoạt, quyết liệt với các biện pháp thực hiện phù hợp với tình hình, đặc điểm của tỉnh. Đến nay, tỉnh tiếp nhận trên 28.000 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về qua biên giới của tỉnh, trên 7.000 công dân của tỉnh trở về từ vùng dịch thực hiện cách ly y tế theo quy định. Tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhân dân đảm bảo an toàn, kịp thời. Với phương châm “phòng từ xa, từ sớm, từ cơ sở”, Cao Bằng là tỉnh cuối cùng của cả nước ghi nhận ca đầu tiên mắc COVID-19. Ngay sau khi ghi nhận ca đầu tiên mắc COVID-19, tỉnh kịp thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương thực hiện giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ, vừa phòng chống dịch, vừa tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT - XH. Đến nay, các ổ dịch cơ bản được kiểm soát.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh và đoàn công tác tặng quà chốt kiểm soát Quốc lộ 4C, xã Lý Bôn (Bảo Lâm) tiếp giáp với xã Du Tiên, huyện Yên Minh (Hà Giang).

TẠO THẾ VÀ LỰC CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

 Trước những thời cơ và thách thức, năm 2022, tỉnh xác định tập trung thực thực hiện thắng lợi 17/17 chỉ tiêu phát triển KT - XH, trong đó, phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8%, GRDP bình quân đầu người 41,11 triệu đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 11%, giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% trở lên, phấn đấu tăng thu ngân sách trên 10%.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trong đó, quyết tâm, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp nhằm đề cao ý thức của người dân và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tiếp tục thực hiện nghiêm quy định “5K” và các yêu cầu khác về phòng, chống dịch COVID-19; duy trì hoạt động thường xuyên của các tổ COVID cộng đồng; tiếp tục tăng cường truyền thông và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, khoa học, hiệu quả; tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống y tế; đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong quản lý xã hội, phòng, chống dịch; hạn chế thấp nhất số ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển KT - XH, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2022.

Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về các mục tiêu KT - XH 5 năm 2021-2025; tích cực thực hiện 3 chương trình trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh đã được xác định nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế. Trong đó, tập trung ổn định trong sản xuất nông, lâm nghiệp, tiếp tục triển khai hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; ưu tiên nguồn lực đầu tư, ưu đãi về chính sách, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; đổi mới công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch, phát huy giá trị du lịch của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch, giao thông, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và khắc phục những điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, sự thiếu đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương...

Trong đó, tích cực thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tập trung nguồn lực để triển khai Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cấp sở, ngành, huyện, Thành phố (DDCI). Quan tâm phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp và tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm, tuyển dụng, sử dụng hiệu quả biên chế được giao và tiếp tục sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập theo quy định. Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của người dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng. Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển KT - XH.

Với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong nhân dân, bước sang năm mới 2022 với niềm tin mới, quyết tâm mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng nỗ lực, đoàn kết thi đua đẩy lùi dịch COVID-19; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành 17/17 chỉ tiêu KT - XH, đưa tỉnh trở thành tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh.            

 

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1