Hội nghị trực tuyến về quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Cửu Long
Chiều 24/3/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tuyến về quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Cửu Long với 38 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng, đồng chí Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và chuyên viên theo dõi lĩnh vực.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng
Theo báo cáo tại Hội nghị, Quy hoạch thuỷ lợi lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng và phát triển bền vững nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, có xét đến tác động của biến đổi khí hậu, phát triển thượng nguồn, phục vụ đa mục tiêu; chủ động tiêu thoát nước cho nông nghiệp kết hợp tiêu cho đô thị, công nghiệp… qua hệ thống thủy lợi; phòng chống lũ cho lưu vực sông; cải tạo môi trường nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước của lưu vực đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi hàng năm, 5 năm và dài hạn trên lưu vực.
Đối với lưu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc quy hoạch lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ngọt, lợ, mặn gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước. Từ đó, đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Đồng thời, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và các tác hại do nước gây ra, có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường, các ngành có khai thác, sử dụng nước.
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung phát biểu ý kiến làm rõ các vấn đề liên quan đến lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng đang gặp phải; đề xuất phương hướng giải quyết để có thể đưa vào trong Quy hoạch nhằm đảm bảo các yêu cầu về quản lý, khai thác, sử dụng và phân bổ hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, giữa vùng thượng lưu và hạ lưu trong thời kỳ quy hoạch.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, xây dựng của các đại biểu, đồng thời khẳng định: đây là cơ sở quan trọng để hoàn thiện các dự thảo quy hoạch bảo đảm chất lượng, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hòa, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên các lưu vực sông.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng và sông Cửu Long là nhiệm vụ lớn, cần được thực hiện đồng bộ, thống nhất về dòng chảy, chính sách, công nghệ và nguồn lực đầu tư. Việc xây dựng quy hoạch phải có tư duy chiến lược, mang tính lâu dài, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn và tiêu thoát nước hiệu quả.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp, sớm chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo quy hoạch, trình phê duyệt đúng thời hạn. Đồng thời, phối hợp với các Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cùng các đơn vị liên quan đánh giá kỹ lưỡng phương án công trình trên dòng chính; so sánh chi tiết về hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường để lựa chọn phương án tối ưu, hiệu quả nhất. Đề nghị các tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Hồng và sông Cửu Long, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tăng cường quản lý nhà nước về hạ tầng thủy lợi theo quy hoạch; quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch; xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm về thủy lợi phù hợp với quy hoạch và bố trí ngân sách đầu tư hạ tầng thủy lợi trên địa bàn.
Dương Liễu