Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11
Sáng ngày
16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển
khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XIII. Tổng Bí thư Tô Lâm dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung
ương.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các Ủy viên Bộ
Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ
tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch
Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường
trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú và một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước
Nguyễn Minh Triết dự tại điểm cầu tỉnh Bình Dương; các nguyên Ủy viên Bộ Chính
trị: nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Tấn Dũng dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Các Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng,
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng dự tại các điểm cầu của địa phương, đơn vị.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm
cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội; kết hợp trực tuyến đến
21.000 điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các
ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã
trong toàn quốc, với hơn 1,5 triệu người tham dự. Đây là hội nghị hết sức quan
trọng nhằm quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm của văn kiện
Hội nghị Trung ương 11.
Đại biểu dự
Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng
Điểm cầu Đảng bộ Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng được
tiếp sóng từ điểm cầu Tỉnh ủy Cao Bằng. Đồng chí Trịnh Sỹ Tài, Bí thư Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh, Chánh
Văn phòng UBND tỉnh chủ trì Hội nghị; tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó
Chánh văn phòng UBND tỉnh cùng toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ Văn phòng UBND
tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính truyền đạt nội dung chuyên đề 1 tại Hội nghị (Ảnh chụp qua màn
hình trực tuyến)
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính sẽ truyền đạt chuyên đề 1 về "Các dự thảo Văn kiện
trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong tổng kết một số vấn đề lý luận
và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm
qua ở Việt Nam; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng
Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; những điểm mới trong
dự thảo Báo cáo chính trị; những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện
chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm
vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề
2 về “Sửa đổi hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội
khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”.
Tiếp đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng
truyền đạt chuyên đề 3 về “Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng,
hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị
sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày
18/01/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 -
2030” và Kế hoạch triển khai thực hiện.
Theo đó, sau sắp xếp cả nước còn 34 đơn vị, 28 tỉnh và
6 thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó, có 11
tỉnh, thành sẽ giữ nguyên trạng gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La,
Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng.
Có 52 địa phương sáp nhập còn 23 tỉnh, thành gồm:
1. Hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, lấy tên
là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang
hiện nay.
2. Hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, lấy tên là
tỉnh Lào Cai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.
3. Hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, lấy tên
là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên
hiện nay.
4. Hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hoà
Bình; lấy tên là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh
Phú Thọ hiện nay.
5. Hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, lấy tên
là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện
nay.
6. Hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên
là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện
nay.
7. Hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy
tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố
Hải Phòng hiện nay.
8. Hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam
Định; lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh
Ninh Bình hiện nay.
9. Hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, lấy tên
là tỉnh Quảng Trị, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình
hiện nay.
10. Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, lấy
tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà
Nẵng hiện nay.
11. Hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, lấy tên
là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi
hiện nay.
12. Hợp nhất tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, lấy tên
là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định.
13. Hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hoà, lấy
tên là tỉnh Khánh Hoà, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hoà
hiện nay.
14. Hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình
Thuận; lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh
Lâm Đồng hiện nay.
15. Hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, lấy tên là
tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.
16. Hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương
và thành phố Hồ Chí Minh; lấy tên là thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị
- hành chính đặt tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
17. Hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, lấy tên
là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện
nay.
18. Hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, lấy tên là
tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Long An.
19. Hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh
Hậu Giang; lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt
tại thành phố Cần Thơ hiện nay.
20. Hợp nhất tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà
Vinh; lấy tên là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh
Vĩnh Long hiện nay.
21. Hợp nhất tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, lấy
tên là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền
Giang.
22. Hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, lấy tên là
tỉnh Cà Mau, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.
23. Hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy tên
là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang hiện
nay.
Tại
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao các chủ trương: về tổ chức
chính quyền địa phương 02 cấp:
cấp Tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu
trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện
sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi); sáp nhập đơn vị hành
chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp
xã hiện nay. Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp Tỉnh vừa là cấp thực hiện
chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa
bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên
địa bàn. Cấp xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp
Tỉnh ban hành; được tăng cường phân cấp phân quyền và có thẩm quyền ban hành
văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên
địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội
nghị (ảnh chụp qua màn hình trực tuyến)
Phát
biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: ngay sau Hội nghị,
các cấp ủy Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ của mình trong thời gian tới. Cơ quan,
đơn vị, địa phương và từng đảng viên tham dự Hội nghị đều đã hình dung được rõ
trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện các chủ trương của Trung ương. Các cấp
ủy, tổ chức Đảng có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng
các nội dung của Nghị quyết và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể
để tổ chức triển khai thực hiện. Nhiệm vụ thời gian tới có khối lượng công việc
rất lớn và yêu cầu tiến độ chặt chẽ. Do đó, các cấp ủy Đảng cần xác định kế
hoạch triển khai cụ thể, đáp ứng 3 yêu cầu quan trọng: Trước hết là xác định
quyết tâm chính trị cao nhất, đây là một cuộc cách mạng trong việc sắp xếp tổ
chức bộ máy, đơn vị hành chính, cải cách đổi mới để phát triển đất nước. Các
cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải chỉ đạo quyết liệt, quán triệt sâu
sắc để đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng đặc biệt
của chủ trương này, từ đó tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng, hành động trong
toàn Đảng. Việc triển khai phải được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, trên tinh
thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, nhưng cần thận trọng, chắc chắn, bài bản, không
nóng vội. Mỗi việc làm phải được tính toán kỹ lưỡng, gắn với các nội dung liên
quan khác; đồng thời đảm bảo đúng quy định, quy trình, thủ tục và thời gian
theo kế hoạch. Phải đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đặc biệt là các mốc thời gian
quan trọng: Trước ngày 30/6/2025 hoàn thành việc sửa đổi Hiến pháp, kết thúc
hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để từ ngày 01/7/2025, bộ
máy mới chính thức đi vào hoạt động. Bộ Chính trị khuyến khích các địa phương,
cơ quan, đơn vị chủ động hoàn thành các nhiệm vụ trước thời hạn quy định, với
tinh thần “làm sớm để phát triển sớm”.
Tổng
Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền
để tạo sự đồng thuận trong xã hội; phát huy đầy đủ quyền làm chủ, ý kiến của
người dân. Các quy trình, thủ tục lấy ý kiến nhân dân, nhất là những nội dung
liên quan đến sửa đổi Hiến pháp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã,
phải được thực hiện đúng quy định, thận trọng, dân chủ, khách quan.
Tổng
Bí thư đề nghị các cấp ủy, địa phương cần lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm: việc
sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương là chủ
trương có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị,
Ban Bí thư đã thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng và cân nhắc nhiều mặt để đi đến
quyết định thực hiện chủ trương này với những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể. Việc
xác định tên gọi, vị trí trung tâm chính trị - hành chính sau sắp xếp cần rõ
ràng, thống nhất. Cấp xã cũng phải được định hướng lại trên cơ sở tiêu chí hợp
lý, phù hợp với thực tiễn. Việc triển khai chủ trương có thể tác động đến tâm
tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, người dân điều đó là dễ hiểu, bởi hình ảnh
quê hương đã in sâu trong tiềm thức mỗi người. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát
triển, chúng ta cần thay đổi tư duy, tầm nhìn, thống nhất nhận thức, vượt lên
chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung, vượt qua tâm lý cục bộ
địa phương để hướng đến tương lai. Cần xác định rõ định hướng hệ thống chính
trị sau sáp nhập. Đây không chỉ là điều chỉnh hành chính, mà còn là điều chỉnh
không gian phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Bộ máy mới
phải gọn hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn. Chính quyền địa phương phải tinh gọn, gần
dân, sát dân, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và tạo động lực phát triển. Việc sắp
xếp xã, phường không nên quá lớn hay quá nhỏ, cần nghiên cứu kỹ để có phương án
hợp lý. Việc sắp xếp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều cán bộ, đảng viên. Sau
khi bộ máy mới đi vào hoạt động, việc bố trí vị trí việc làm cần được thực hiện
công tâm, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy
quyền. Người đứng đầu phải được lựa chọn kỹ lưỡng, đồng bộ, liên thông trong hệ
thống nhân sự các cấp, đảm bảo đúng người, đúng việc.
Tổng
Bí thư Tô Lâm đề nghị trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp,
cần tập trung nhiều hơn nữa vào định hướng phát triển mô hình tăng trưởng mới;
xây dựng tầm nhìn cho tỉnh mới, xã/phường mới sau sáp nhập, trên tinh thần đoàn
kết, chung sức đồng lòng để phát triển.
Việc
triển khai Nghị quyết Trung ương 11 diễn ra trong thời điểm đất nước đang đối
mặt với nhiều thách thức, nhiều nhiệm vụ lớn đặt ra cùng lúc. Do đó, Tổng Bí
thư đề nghị các thành ủy, tỉnh ủy cần quan tâm tổ chức tốt các hoạt động kỷ
niệm những ngày lễ lớn của đất nước, coi đây là nguồn động viên tinh thần, tạo
động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ
được giao.
Kim Cúc