Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 675

Ngày 18/12/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh ký ban hành Quyết định số 28/2023/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, ban hành kèm theo Quyết định số 34/2021/QĐ-UBND ngày 29/10/2021 của UBND tỉnh.

Theo đó, Điều 1 - sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 34/2021/QĐ-UBND ngày 29/10/2021 của UBND tỉnh được sửa đổi, bổ sung Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này hướng dẫn, quy định thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường bộ địa phương gồm đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng trên địa bàn tỉnh; sử dụng, khai thác đất trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đấu nối đường nhánh vào đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị; công tác thẩm định và thẩm tra an toàn giao thông đường bộ; quy định trách nhiệm quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương của UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các sở, ban, ngành có liên quan.

Sửa đổi, bổ sung Điều 14: Chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu và cấp phép thi công biển quảng cáo tạm thời, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu xây dựng trong pham vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị.

Công trình thiết yếu và biển quảng cáo tạm thời xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị trước khi phê duyệt thiết kế phải được cơ quan quản lý đường bộ, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh được giao quản lý chấp thuận xây dựng công trình, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm cấp giấy phép thi công xây dựng công trình.

Chủ đầu tư xây dựng công trình thiết yếu và biển quảng cáo tạm thời không được làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, bền vững kết cấu công trình đường bộ, phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra mất an toàn giao thông; trước khi thi công phải được cơ quan quản lý đường bộ, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh được giao quản lý bàn giao mặt bằng và nghiệm thu công trình sau khi hoàn thành việc xây dựng.

Trường hợp đường bộ được xây mới, nâng cấp, cải tạo, trước khi xây dựng phải thông báo đến các tổ chức, cá nhân có công trình thiết yếu và biển quảng cáo tạm thời biết để có giải pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình đó.

Khoảng cách lắp đặt biển quảng cáo tạm thời trong hành lang an toàn đường bộ phải đảm bảo theo quy định tại khoản 2, Điều 16 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Hồ sơ đề nghị chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu, biển quảng cáo tạm thời và gia hạn văn bản chấp thuận; trình tự, cách thức thực hiện; thời hạn giải quyết: Áp dụng theo quy định tại khoản 4, 5, 6, 7 Điều 13 của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT.

Sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4, 7, 9 Điều 18: Vị trí các điểm đấu nối vào đường tỉnh, đường huyện và đường đô thị phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan; trường hợp vị trí đấu nối chưa có trong quy hoạch của địa phương, nếu cần thiết phải đấu nối để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì chủ đầu tư phải lập hồ sơ đề nghị thỏa thuận điểm đấu nối và phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý tuyến đường. Các dự án có đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh, đường huyện và đường đô thị trước khi lập dự án phải được cơ quan quản lý tuyến đường chấp thuận hoặc thống nhất thỏa thuận điếm đấu nối.

Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh được giao quản lý các tuyến đường tỉnh, rà soát nhu cầu đấu nối đường nhánh vào đường tỉnh, lập danh mục và hồ sơ các điểm đấu nối trình UBND tỉnh phê duyệt.

Đấu nối đường nhánh vào dự án đường tỉnh được xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo nắn chỉnh tuyến hoặc xây dựng tuyến tránh: Ngay từ bước lập dự án, chủ đầu tư đường tỉnh phải căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của cấp huyện có dự án đi qua để xác định các nút giao (nút giao khác mức liên thông hoặc trực thông, nút giao cùng mức) giữa các tuyến đường bộ hiện có với dự án đường tỉnh được xây dựng, xác định vị trí vào các trạm dịch vụ theo tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô; đồng thời gửi phương án thiết kế tuyến đến UBND cấp huyện lấy ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu đô thị, khu thương mại - dịch vụ hoặc các dự án khác khi lập quy hoạch phải xây dựng hệ thống đường gom, đường nhánh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được phê duyệt. Trường hợp đặc biệt do điều kiện địa hình, địa vật khó khăn hoặc không đủ quỹ đất để xây dựng đường gom theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có thể xem xét cho phép một phần hoặc toàn bộ đường gom nằm trong hành lang an toàn đường tỉnh.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21: Trước khi nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới nút giao, chủ sử dụng hoặc cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án, căn cứ tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế đường ô tô hiện hành, lập hồ sơ và gửi đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền 1 bộ hồ sơ để được xem xét chấp thuận hồ sơ thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông đấu nối vào đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị.

Sửa đổi điểm b, bổ sung điểm c, khoản 2 Điều 21: UBND cấp huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông, lưu giữ hồ sơ thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông đấu nối vào đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường tỉnh được ủy quyền quản lý. Đối với các dự án đường bộ xây dựng mới có đấu nối vào đường tỉnh đã được cấp thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật, không phải thực hiện bước đề nghị chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông.

Bổ sung khoản 6 Điều 21: Trình tự, cách thức thực hiện; thời hạn giải quyết áp dụng theo quy định tại các khoản 4, 5 Điều 26 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT.

Bổ sung khoản 10 Điều 36: Tổ chức giao thông (thực hiện cắm biển cấm dừng, đỗ, biển hạn chế tốc độ, hạn chế tải trọng) để phù hợp với tình trạng kỹ thuật của cầu, đường bộ trên hệ thống đường địa phương được giao quản lý theo quy định pháp luật hiện hành.

Điều 2 - thay thế cụm từ và bãi bỏ các điều của “Quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng” ban hành kèm theo Quyết định số 34/2021/QĐ-UBND ngày 29/10/2021 của UBND tỉnh, thay thế cụm từ “Cục Quản lý đường bộ I” thành “Khu quản lý đường bộ I” tại khoản 7, Điều 36.

Bãi bỏ Điều 19 và Điều 20.

K.C

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1