Kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2016-2020
Lượt xem: 2904

Bước vào thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Bằng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến thời tiết bất thường, dịch bệnh xảy ra trên cả cây trồng, vật nuôi, giá cả thị trường nông sản không ổn định… Song nhờ vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh, ngành nông nghiệp đã tạo bước đột phá với sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất, đưa tốc độ tăng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 1,87%/năm.

 

Mô hình nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cụ thể, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 281 ngàn tấn, vượt 6% so với kế hoạch; giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên 01 đơn vị diện tích (ha) đạt 40 triệu đồng/ha, đạt kế hoạch. Một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung: thuốc lá, vùng cây miến dong, cây chanh leo, quýt, cây hồi... tiếp tục được mở rộng quy mô, diện tích, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Chăn nuôi phát triển khá, giá trị sản lượng tăng từ 6%/năm; kinh tế trang trại, gia trại đã được hình thành và phát triển, một số sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ như thịt bò, lợn đen. Việc nuôi trồng thủy sản đã chuyển dần từ nuôi thả, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Ngoài phương thức đào ao nuôi cá truyền thống, người dân khai thác mặt nước có lưu vực lớn như sông, hồ để tận dụng nuôi cá lồng. Sản lượng hằng năm đạt trên 500 tấn.

Công tác giao đất, giao rừng được triển khai thực hiện tốt. Đến nay, tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp là: 492.543 ha, đạt 92,3% diện tích đất lâm nghiệp. Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch bảo vệ phát triển rừng, thực hiện trồng rừng thay thế, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; hướng dẫn các chủ đầu tư dự án Bảo vệ phát triển rừng thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng. T lệ che phủ rừng tăng theo từng năm: Năm 2015, đạt 51%; hết năm 2020, đạt 55,68%, vượt 2,68 điểm phần trăm so với kế hoạch.

Diện tích rừng ở xã Lương Can (Hà Quảng) được quản lý, bảo vệ và phát triển tốt

Công tác quy hoạch, phát triển cả về quy mô, diện tích và chú trọng xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với các cây trồng, sản phẩm đặc trưng, đặc hữu của địa phương được quan tâm; triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đã có một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đã được hình thành như: vùng mía nguyên liệu ở các huyện Phục Hòa, Trùng Khánh, Thạch An, mía xuất khẩu tại Hạ Lang; vùng thuốc lá tại các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Thông Nông, Trùng Khánh; vùng trúc sào tại các huyện: Nguyên Bình, Hà Quảng, Hòa An, Bảo Lạc; vùng hồi ở các huyện: Trà Lĩnh, Thạch An, Bảo Lạc, Bảo Lâm. Xây dựng và từng bước nhân rộng một số mô hình sản xuất: cây lê, rau an toàn, gừng, lạc, cây dược liệu. Diện tích, sản lượng các cây trồng chính hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch, đến năm 2020: thuốc lá lá đạt 3.476 ha, sản lượng 8.000 tấn; mía nguyên liệu đạt 3.100 ha, sản lượng đạt 195.500 tấn; lạc vỏ đạt 2.023 ha, sản lượng đạt 3.100 tấn; đỗ tương đạt 3.548 ha, sản lượng đạt 3.241 tấn…

 

Nông dân xóm 5, xã Chu Trinh (Thành phố) thu hoạch sắn

Cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp chuyển dịch tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, trong đó: trồng trọt chiếm 56% (giảm 2,3%); chăn nuôi 32,3% (tăng 2%); dịch vụ nông nghiệp 2,8% (tăng 1%); lâm nghiệp 8,6% (tăng 0,8%); thủy sản 0,3% (tăng 0,1%).

Các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tái cơ cấu Nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 được triển khai đồng bộ, đời sống người dân khu vực nông thôn được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã và đi lại được 04 mùa; 100% xã có điện lưới đến trung tâm; các xóm vùng sâu, vùng xa có điểm trường cho học sinh tiểu học; 100% trạm y tế có bác sĩ; 80,7% số xóm có nhà văn hóa. Huy động được nhiều nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới với tổng nguồn vốn huy động được 7.755 tỷ đồng, có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 15% mục tiêu kế hoạch, bình quân 12 tiêu chí/xã, tăng 5,5 tiêu chí/xã so với năm 2015; tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 90%, bằng 100% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 17 triệu đồng/người/năm, tăng 8,7 triệu đồng/người so với năm 2015. Công tác di dời gia súc ra khỏi gầm sàn được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, có 15.507 hộ chăn nuôi đưa gia súc ra khỏi gầm sàn, vượt 20,15 điểm phần trăm so với kế hoạch.

Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, đến nay, đã thu hút được khoảng 40 dự án của các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn đăng ký đầu tư 6.600 tỷ đồng, trong đó Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hòa có tổng vốn đầu tư trên 2.500 tỷ đồng.

 

Vườn cam, quýt của gia đình anh Nguyễn Văn Tập, xóm Kéo Quý, xã Đức Thông (Thạch An) cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm (ảnh theo baocaobang.vn)

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản gắn với chế biến. Hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung hướng tới xuất khẩu hàng hóa với các loại sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao như: các vùng trồng cây ăn quả, vùng rau sạch, vùng cây dược liệu,... trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng; duy trì hợp lý diện tích và nâng cao giá trị sản xuất của vùng mía nguyên liệu, vùng thuốc lá. Xây dựng một số nhà máy sơ chế, chế biến, xử lý, đóng gói và kho bảo quản lạnh và các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, cơ giới hoá và tin học hóa vào quá trình sản xuất; chú trọng thâm canh, chuyên canh, nâng cao chất lượng và giá trị các loại cây đặc sản có lợi thế. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thực hiện có hiệu quả Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh Cao Bằng tại huyện Quảng Hòa để cung cấp sữa cho thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu, nhất là sang thị trường Trung Quốc; mở rộng, liên kết, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò sữa vệ tinh tại các hộ, gia trại thuộc các huyện Thạch An, Hạ Lang,... Tăng cường đầu tư phát triển kinh tế rừng; triển khai có hiệu quả các dự án trồng rừng, trồng cây lâm sản… Phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 đạt 16,4%/năm; đến hết năm 2025, giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên 01 đơn vị diện tích (ha) đạt 50 triệu đồng.

 

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1