Kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2024
Lượt xem: 106

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2024, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch cây trồng vụ Đông Xuân và triển khai thực hiện Kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu. Diện tích trồng trọt được duy trì và đảm bảo mùa vụ, ước sản lượng một số cây lương thực chính vụ xuân tăng so với cùng kỳ năm trước (Lúa tăng 4,26%, Ngô tăng 1,16%, khoai tây tăng 11,2%;...), một số cây trồng có lợi thế và có thị trường tiêu thụ ổn định đã tăng cả về diện tích và ước sản lượng so với cùng kỳ năm trước như cây thuốc lá, cây dong giềng, cây thạch đen, cây sắn, diện tích các loại cây ăn quả và cây dược liệu tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:  Lúa xuân gieo cấy được 3.704,81/3.810 ha, bằng 97,24% KH, bằng 100,9% so với cùng kỳ; Ngô xuân trồng được 24.940.36/25.526 ha, đạt 97,71% KH, bằng 97,35% so với cùng kỳ; Đỗ tương xuân trồng được 350,51/522 ha, đạt 67,15% KH, bằng 77,22% so với cùng kỳ; Lạc xuân trồng được 281,93/354 ha, đạt 79,64% KH, bằng 92,53% so với cùng kỳ; Khoai tây trồng được 98,46/100 ha, đạt 98,46% KH, bằng 112,4 % so với cùng kỳ; Cây sắn trồng được 3.771,5/2.787 ha, đạt 133,17% KH, bằng 140,89% so với cùng kỳ…

anh tin bai

Diện tích lúa Xuân gieo cấy đạt 100,9% so với cùng kỳ năm 2023

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của thời tiết đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và quá trình sinh trưởng, phát triển của một số cây trồng (lạc xuân, đỗ tương xuân,..) dẫn đến diện tích trồng trọt, năng suất, sản lượng của các loại cây này giảm so với cùng kỳ năm 2023; dịch châu chấu tre gây hại cây rừng và cây trồng nông nghiệp. Theo Quyết định số 696/QĐ-UBND ngày 6/6/2024 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc công bố dịch châu chấu tre gây hại cây rừng và cây trồng nông nghiệp trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Hòa An và Thạch An. Từ ngày 22/5/2024 đến ngày 15/6/2024, tổng diện tích nhiễm châu chấu toàn tỉnh khoảng 643,3ha, trong đó: gây thiệt hại trên một số cây trồng như cây ngô (57,3ha), rừng vầu (458,8ha), cây chuối (2,5ha), lá Dong (6,2ha), cỏ dại (118,5ha).

Trong chăn nuôi, một số dịch bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm long móng ở trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi vẫn xảy ra rải rác làm hơn 540 con bị mắc bệnh, chết gần 200 con. Phát sinh 05 ổ dịch tả lợn Châu Phi mới trong tháng 6 (làm mắc bệnh 98 con lợn các loại với tổng khối lượng tiêu huỷ 4.672 kg). Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng số mắc bệnh và tiêu hủy 350 con lợn các loại của 52 hộ chăn nuôi/23 thôn, xóm/13 xã/07 huyện, với trọng lượng tiêu hủy 14.528 kg.

Tổng số đàn vật nuôi của tỉnh hiện có 106.395 con trâu, bằng 100,25% so với cùng kỳ năm trước; có 102.313 con bò, bằng 98,89% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn lợn có 339.005 con, bằng 103,77% so với cùng kỳ năm trước; tổng số gia cầm có 3.068,27 nghìn con, bằng 100,36% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng giảm so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ các đợt mưa lớn cục bộ trong tháng 6, tổng sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm ước đạt 269,25 tấn giảm 2,25% so với cùng kỳ năm trước. Công tác đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở được quan tâm chỉ đạo thường xuyên nhưng tiến độ thực hiện chậm, đến ngày 15/6/2024 đã di dời 263 hộ, đạt 13,8% KH năm 2024 (1.905 hộ), bằng 128,3% so với cùng kỳ năm 2023; đạt 7,9 % KH năm 2024 -2025 (3.324 hộ).

Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được tổ chức thực hiện thường xuyêc. Tính đến 15/6/2024, trồng rừng được 1.255,93 ha, tăng 1.040,41 ha so với cùng kỳ năm 2023 (tăng gấp 5,82 lần); Tổng khối lượng gỗ khai thác 9.216,147m3, tăng 3.603,834m3 so với cùng kỳ năm 2023 (64,21%). Ngăn chặn 143 vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp, giảm 02 vụ so với cùng kỳ năm 2023 (giảm 1,38%). Diện tích rừng giảm 17,903ha do cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm rừng; giảm 27,828ha so với cùng kỳ năm 2023 (giảm 39,15%).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai, trong đó tập trung thực hiện các tiêu chí ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. Đến ngày 31/5/2024, toàn tỉnh có 17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên qua rà soát theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chỉ còn 01 xã duy trì đạt 19/19 tiêu chí (xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng); trong 6 tháng đầu năm 2024 chưa có thêm xã đạt chuẩn nông thôn mới; trên địa bàn tỉnh chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; nông thôn mới kiểu mẫu; có 25 xóm đạt chuẩn xóm nông thôn mới và có 03 xóm đạt chuẩn xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí/xã toàn tỉnh đạt 10,19 tiêu chí/xã; có thêm 02/05 xã đạt 17-18 tiêu chí (đạt 40% kế hoạch năm 2024). Triển khai tổ chức 03 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP năm 2024 với 136 lượt người tham dự; ban hành Kế hoạch tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng năm 2024. Tính đến ngày 31/5/2024, toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP (gồm 13 sản phẩm OCOP 4 sao và 131 sản phẩm OCOP 3 sao).

Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc các Chương trình MTQG năm 2024, tính đến tháng hết tháng 06/2024, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh và cấp huyện thẩm định được 85 kế hoạch liên kết (10 kế hoạch cấp tỉnh, 75 kế hoạch cấp huyện). Đến nay, đã phê duyệt và triển khai thực hiện tổng số 62 kế hoạch liên kết (08 kế hoạch cấp tỉnh và 53 kế hoạch cấp huyện).

D.L





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1