Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên
Lượt xem: 208

Trải suốt cuộc đời hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, để lại di sản tư tưởng về thanh niên có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với Đảng và cách mạng.

Những năm tháng xa Tổ quốc, tìm con đường cứu dân tộc ta thoát khỏi cảnh đọa đầy đau khổ, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về thanh niên Việt Nam. Trong cuốn sách Hồ Chí Minh toàn tập do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản từ năm 1995, Hồ Chí Minh đã 80 lần nói về vị trí, vai trò của thanh niên, 67 lần nói về công tác giáo dục, đào tạo thanh niên. Điều này cho thấy ngay từ đầu và trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, lực lượng thanh niên luôn được Người đặt ở vị trí những vấn đề hệ trọng đến vận mệnh quốc gia, dân tộc.

BH
Bác Hồ với các đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III, năm 1963.

Trong thời kỳ nước ta bị thực dân Pháp  thống trị, lực lượng thanh niên bị chúng đầu độc rượu và thuốc phiện, biến một bộ phận thanh niên trở nên mù quáng, làm tay sai cho chúng. Trước thực trạng đau xót đó, Người đã viết nhiều bài tố cáo tội ác dã man, đê tiện của bộ máy chính quyền thuộc địa, rung hồi chuông cảnh báo: "Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh". Thanh niên trong tư tưởng của Người là lực lượng trẻ, khỏe, đông đảo trong xã hội; họ là "người chủ tương lai của nước nhà". Vận mệnh nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn là "do các thanh niên".

Tư tưởng về thanh niên của Hồ Chí Minh bao hàm những trăn trở, lo âu, mong muốn xây dựng, phát huy cao độ nguồn sức mạnh con người - thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng; trở thành lý luận chiến lược "trồng người" của Đảng và cách mạng. Trên nền tảng tư tưởng đó, Đảng ta và chính bản thân Hồ Chí Minh đã hiện thực hóa vào đường lối, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo; biến thành các kế hoạch hoạt động cụ thể trong tiến trình thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng. Khi nước nhà còn trong đêm trường nô lệ, lực lượng thanh niên sớm được Đảng tuyên truyền lý luận cách mạng, lãnh đạo thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên (1931); thống nhất các tổ chức thanh niên, cổ động thanh niên tham gia các hoạt động đánh giặc cứu quốc. Khi thời cơ cách mạng xuất hiện, Đảng lãnh đạo thanh niên và các tầng lớp nhân dân vùng lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Đảng và  Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp kiện toàn, thống nhất các tổ chức thanh niên; ban hành nhiều văn bản pháp lý, cơ chế, chính sách bảo đảm cho thanh niên được học tập nâng cao trình độ, hăng hái tham gia kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ chế độ mới. Bằng con đường chấn hưng nền giáo dục mới, cùng với các giải pháp xây dựng, bồi dưỡng thanh niên rất phong phú, sáng tạo, hệ thống tổ chức thanh niên được mở rộng, phát triển; chủ nghĩa yêu nước, tinh thần xung kích, sáng tạo trong thanh niên được khơi dậy, quy tụ, phát huy mạnh mẽ, thành sức mạnh to lớn trong thực thi các nhiệm vụ cách mạng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Trong suốt 30 năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc (1945-1975), thanh niên Việt Nam không sợ gian khó, hy sinh, tình nguyện hiến dâng sức trẻ cho thắng lợi cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích rất vẻ vang.

Trong đội hình tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, thanh niên xung phong Việt Nam đã đóng góp "200.000 người"; đã "mở hơn 100 con đường với tổng chiều dài 4.000km. Đảm bảo giao thông ngày đêm trên 3.000km đường… Cùng quân đội tham gia xây dựng 6 sân bay dã chiến. Rà phá trên một vạn quả bom, mìn"... Với cống hiến to lớn về trí tuệ, sức lực, thấm nhuộm mồ hôi, xương máu của lực lượng thanh niên nói chung, thanh niên xung phong nói riêng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Mỹ xâm lược, được cả dân tộc ta ghi công, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1997).

Sức mạnh của đội ngũ thanh niên là vô cùng lớn. Để phát huy trí tuệ, sức mạnh thanh niên phục vụ sự nghiệp cách mạng, điều cốt yếu mà Người chỉ ra từ rất sớm là phải làm tốt công tác giáo dục, giác ngộ, tổ chức. Trong giáo dục thanh niên, Hồ Chí Minh huấn thị phải rèn luyện cho họ "một chí khí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai của Tổ quốc, vào lực lượng của nhân dân, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung của dân tộc, ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn nước Việt Nam", rằng "Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội... phải liên hệ vào dư luận của xã hội, lực lượng của Chính phủ để ngăn ngừa những cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên, để nâng cao tính cảnh giác của thanh niên".
Giáo dục thanh niên trong tư duy của Hồ Chí Minh không phải là nhiệm vụ có tính nhất thời, mà là một "sự nghiệp trồng người". Muốn cho sự nghiệp ấy thu nhiều "quả chín" thì không chỉ trang bị cho họ thế giới quan niềm tin, lòng tự hào dân tộc, mà cái quan trọng - cơ sở "gốc" là xây dựng cho họ đức cách mạng "không sợ hy sinh, gian khó, sẵn sàng xả thân vì nước, vì dân". Mục đích giáo dục thanh niên phải hướng vào bồi dưỡng phát triển trí tuệ, năng lực thực tiễn, giúp họ có đủ tri thức, bản lĩnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ cách mạng. Hoạt động giáo dục được Hồ Chí Minh coi là "rường cột" để dẫn dắt thanh niên thành người cách mạng. Chủ thể để thực hiện giáo dục thanh niên là tất cả các lực lượng xã hội, trong đó, Người đề cao vai trò kết hợp 3 nhân tố: Nhà trường, gia đình, xã hội. Quá trình giáo dục thanh niên, Hồ Chí Minh yêu cầu phải được tổ chức chặt chẽ theo một chiến lược khoa học, bảo đảm tính thiết thực, nhằm hướng hoạt động của họ ngày càng ích nước lợi dân. Trong quan hệ với thanh niên, Người yêu cầu Đảng Cộng sản phải luôn xứng đáng vai trò người "tổ chức, dẫn đường, chỉ đường" cho thanh niên trưởng thành, phát triển.

Suốt mấy chục năm kể từ khi đất nước tiến hành đổi mới (1986), Đảng ta tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên; khẳng định thanh niên có vai trò to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chiến lược phát triển con người - thế hệ trẻ; chỉ đạo các cấp, ngành cụ thể hóa chiến lược thành các kế hoạch cụ thể trong bồi dưỡng, phát triển thanh niên trong tình hình mới. Chìa khóa và cũng là khâu đột phá để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được Đảng xác định bằng con đường đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, Đảng, Nhà nước cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp bảo đảm phát triển lực lượng thanh niên; kêu gọi các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, gia đình, cá nhân phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp kiến tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với quan điểm phát triển con người đúng đắn của Đảng, của Nhà nước, lực lượng thanh niên, nhất là đội ngũ trí thức hăng hái tham gia các lĩnh vực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, họ đã và đang phát huy truyền thống thanh niên Việt Nam anh hùng. Những đóng góp công sức, trí tuệ của thanh niên góp phần làm nên những thành tựu cho đất nước suốt nhiều năm qua. Họ xứng đáng là lực lượng "chủ lực, xung kích, sáng tạo" trong kiến lập một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".

Theo bienphong.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1