Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo
Lượt xem: 186

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Ham muốn đó, ước mong đó, thể hiện bằng sự quan tâm đối với công tác giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ trong suốt cuộc đời của Người. Qua các bài viết, tư liệu của Người để lại, chúng ta càng thấy tư tưởng sáng ngời đó luôn hướng tới của một xã hội văn minh, giàu đẹp, mà người thực hiện là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.


 
         Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960).    

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên, Hội đồng Chính phủ đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện, trong đó có nhiệm vụ diệt giặc dốt. Đặc biệt, trong bức thư gửi cho học sinh ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác viết: “... từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Người nhắc nhở các em học sinh phải cố gắng tu dưỡng đạo đức, chăm chỉ học hành để sau này giúp ích cho đất nước và đưa nước ta theo kịp các nước khác trên thế giới. Người khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Tiếp đó, ngày 8/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành Sư phạm Việt Nam để chăm lo đào tạo đội ngũ thầy, cô giáo các cấp. Người đánh giá cao với ý nghĩa tôn vinh nghề dạy học: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Người nhấn mạnh: “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất vẻ vang”. Người đặt yêu cầu đối với thầy, cô giáo, là “phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội… tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”. Đồng thời đặt ra những yêu cầu cụ thể trong giảng dạy đối với thầy, cô giáo: “Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy như thế nào để thầy trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của nhà nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn đào tạo thế hệ trẻ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Đạo đức và tài năng là cả hai nội dung không thể thiếu được đối với nhiệm vụ bồi dưỡng, giáo dục, trong đó đạo đức là gốc. Người chỉ ra phương châm giáo dục rất khoa học: "Giáo dục phải phục vụ đường lối của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống nhân đân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”. Trong việc giáo dục, học tập phải chú trọng các mặt, đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động sản xuất. Theo Người “thực hiện giáo dục không thể tùy tiện... Giáo dục cũng phải theo hoàn cảnh, điều kiện. Phải ra sức làm nhưng không được vội vàng. Làm phải có kế hoạch, có từng bước. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”.

Về phương pháp giáo dục, Người chỉ giáo: cách học phải nhẹ nhàng; không gò ép học sinh vào khuôn khổ người lớn, phải đặc biệt chú trọng đến sức khỏe của các cháu, chú trọng bồi dưỡng phương pháp tự phát huy nội lực, tư duy biện chứng Mác - Lênin, óc tư duy lý luận, tư duy kỹ thuật, tư duy kinh tế, óc phê phán và sáng tạo cho người học.

Sự quan tâm sâu sắc của Người dành cho công tác giáo dục và đào tạo thể hiện ngay cả trong Di chúc, Người nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: "Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".

Thấm nhuần những tư tưởng của Người về công tác giáo dục, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục và đào tạo nước ta đạt được những thành tựu có quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, nhất là về chất lượng giáo dục và công tác quản lý. Bước vào năm học mới 2014 - 2015, ngành giáo dục và đào tạo cả nước tập trung triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học; kết hợp đánh giá trong quá trình với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học. Tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước và ở những địa phương có điều kiện để đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2016. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương…

Để đạt được những mục tiêu đề ra trong năm học mới, việc vận dụng những bài học, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được ngành giáo dục và đào tạo quan tâm, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn. Đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước những khó khăn. Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, từ đó đào tạo nhiều thế hệ có năng lực, chuyên môn giỏi, đạo đức tốt, đưa đất nước Việt Nam phát triển và sánh vai với các cường quốc năm châu.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1