Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân tộc
Lượt xem: 252

Sinh thời, vấn đề dân tộc và công tác dân tộc luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chỉ đạo trong suốt quá trình hoạt động cách mạng.

Sinh thời, vấn đề dân tộc và công tác dân tộc luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chỉ đạo trong suốt quá trình hoạt động cách mạng.

Tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc của Người được hình thành trên cơ sở kế thừa và phát triển chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đoàn kết của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại. Người luôn kêu gọi và chủ trương các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam phải bình đẳng, đoàn kết giúp đỡ nhau. Đây chính là cơ sở lý luận để Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra những nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong chính sách dân tộc của mình là “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc được hình thành và phát triển gắn liền với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam nhằm xoá bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (9/1960), Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt tất cả mọi khó khăn và thực hiện kỳ được thống nhất đất nước, Nam, Bắc một nhà”. Hồ Chí Minh khẳng định, tất cả các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Người viết: “Đồng bào các dân tộc không phân biệt lớn nhỏ, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà, để cùng nhau xây dựng Tổ quốc chung, xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc, ấm no”. Người luôn kêu gọi các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam phải đoàn kết chặt chẽ với nhau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

bho1

Bác Hồ về thăm lại đồng bào Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng),  năm 1961

Đặc biệt, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được Người dành một sự quan tâm đặc biệt và một sự cảm thông sâu sắc. Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện các dân tộc còn có sự chênh lệch về trình độ phát triển thì Nhà nước cần có sự ưu tiên, giúp đỡ các dân tộc có trình độ thấp hơn. Việc Nhà nước áp dụng một chính sách trợ cấp, ưu đãi đặc biệt và đầu tư các chương trình phát triển đặc biệt  đối với các dân tộc thiểu số là rất cần thiết để các dân tộc thiểu số có những điều kiện thuận lợi cùng với nỗ lực vươn lên của chính họ nhằm nhanh chóng thoát khỏi sự lạc hậu, nghèo nàn, tiến kịp với trình độ phát triển chung của đất nước. Người nói: "Dưới chế độ thực dân và phong kiến, đồng bào rẻo cao sống rất cực khổ. Ngày nay, đồng bảo rẻo cao được tự do bình đẳng, không bị áp bức bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất và văn hóa chưa được nâng cao mấy. Đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ đến đồng bào rẻo cao. Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa cho đồng bảo rẻo cao về mọi mặt".  Theo Người, phải làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, làm cho đồng bảo các dân tộc thiểu số được hưởng ngày càng đầy đủ hơn những quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa.

Bên cạnh đó, Người rất coi trọng nhiệm vụ đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số. Trong nhiều bài nói và viết của Hồ Chí Minh đều toát lên tư tưởng nhất quán của Người là "Phải chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi". Người đã đặt vấn đề phải đào tạo cán bộ cho miền núi một cách cơ bản và coi đó là một khâu quan trọng không thể tách rời của hệ thống giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cho miền núi. Trong thư gửi học sinh Trường Sư phạm miền núi Trung ương, nhân dịp khai trường (19/3/1955), Người căn dặn: "Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta". Trong bài nói với đồng bào tỉnh Thái Nguyên và công nhân khu gang thép (1/1/1964), sau khi nhắc đến các công trường thanh niên lao động Xã hội chủ nghĩa, Người nói: "Nên củng cố tốt và phát triển tốt những trường như thế để đào tạo cán bộ cho nông thôn". Khi nói về các quan hệ giữa cán bộ các nơi khác đến cán bộ địa phương  (8/10/1961), Người căn dặn: "... người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện hay làm thay".

dan%20toc

Các dân tộc ở Cao Bằng luôn bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

 

Trong giai đoạn hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề các dân tộc bình đẳng, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vẫn đang là nền tảng lý luận cho chính sách dân tộc của Đảng ta và định hướng, dẫn dắt cho hoạt động thực tiễn nhằm giải quyết tốt vấn đề dân tộc để thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải quan tâm đầu tư phát triển kinh tế vùng dân tộc, tôn trọng và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, thực hiện dân chủ hóa và tăng cường cán bộ dân tộc thiểu số trong vùng dân tộc để tạo ra sự bình đẳng giữa các dân tộc, xây dựng khối đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc vững chắc. Từng bước  thu hẹp khoảng cách, ranh giới giữa nông thôn và thành thị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc ít người, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, các tập quán tốt đẹp của dân tộc; kiên quyết loại bỏ những âm mưu lợi dụng tôn giáo, tà giáo để gây rối. Đổi mới, hoàn thiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo…, tập hợp mọi nhân tài, vật lực vào sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Khơi nguồn và phát triển đến đỉnh cao sức mạnh dân tộc và trí tuệ của con người Việt Nam, thực thi chiến lược đại đoàn kết dân tộc của  Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

 

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1