Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về di sản văn hoá
Lượt xem: 211

Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã từng xây dựng và phát triển nền văn hóa mới trong thời đại mới.

Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã từng xây dựng và phát triển nền văn hóa mới trong thời đại mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, Người xem bản ghi danh các tiến sỹ đầu tiên ở Việt Nam (29/1/1960).

Trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn luôn coi trọng vấn đề văn hóa, định nghĩa về văn hoá, Bác Hồ viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Cho nên xây dựng nền văn hóa mới cần coi trọng lối sống trong sạch, lành mạnh, làm cho tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh thấm nhuần trong toàn xã hội.
Di sản văn hóa quý giá nhất của dân tộc, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là truyền thống dân tộc và những đức tính của con người Việt Nam được hình thành, xây dựng và hun đúc qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, được tổng kết thành các chuẩn mực: yêu nước, thương người, đoàn kết thủy chung, anh hùng bất khuất, bền bỉ cần cù, thông minh linh hoạt, lạc quan.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhà nước Việt Nam dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Trong những ngày đầu tiên của nhà nước non trẻ, đứng trước vô vàn khó khăn “thù trong giặc ngoài”, có thể nói Chính quyền cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch lâm thời đã vững tay chèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi hiểm nguy. Ngày 23 tháng 11 năm 1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành độc lập, trong bộn bề những khó khăn, thách thức đối với một nhà nước non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh Bảo tồn cổ tích, sắc lệnh thể hiện tư tưởng, quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước ta về di sản văn hóa là “Việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Đó là tư tưởng định hướng cho việc bảo tồn di tích. Sắc lệnh trong những ngày đầu cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị như những tuyên ngôn và pháp luật của chính quyền nhân dân, là sự khởi đầu đặt nền móng cho phát triển kinh tế - văn hóa -xã hội và sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta. Di sản văn hóa là tài sản của toàn dân, phục vụ lợi ích của toàn xã hội, mọi cá nhân và mọi tổ chức, mọi ngành, mọi cấp phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa, Sắc lệnh 65CP  năm 1945 đã chỉ rõ: “Nghiêm cấm việc phá hủy những đình chùa, đền miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, có ích cho lịch sử, nhưng chưa được bảo tồn”.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về di sản văn hóa, Đảng và Nhà nước ta ngày càng có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp có hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (tháng 7 năm 1977) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nêu rõ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng, bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992) đã nêu rõ: “Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa dân tộc; chăm lo công tác bảo tồn, bảo tàng, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy tác dụng của các di tích lịch sử, cách mạng, các di sản văn hóa, các công trình nghệ thuật và danh lam thắng cảnh”.

Luật Di sản văn hóa năm 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã khẳng định: “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng tăng của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và góp phần vào kho tàng di sản văn hóa thế giới”.

Sự nghiệp nghiên cứu bảo vệ phát huy giá trị của di sản văn hóa ở tỉnh Cao Bằng trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt. Lĩnh vực, số lượng các di tích lịch sử văn hoá danh lam thắng cảnh được xếp hạng các cấp không  ngừng tăng. Đến nay tổng số di tích toàn tỉnh được xếp hạng là 92, trong đó, cấp tỉnh là 63, cấp quốc gia là 29, Khu Di tích Pác Bó được Chính phủ công nhận di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012. Hiện tỉnh đang trình Chính phủ công nhận Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình là di tích Quốc gia đặc biệt. Trình Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận Hang dơi huyện Hạ Lang và cặp chuông cổ chùa Đà Quận là di tích cấp Quốc gia, bảo vật Quốc gia. Nhiều khu di tích quốc gia của tỉnh Cao Bằng đã được tu bổ tôn tạo, phục hồi nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu lịch sử tham quan du lịch của nhân dân trong nước và bạn bè trên thế giới như khu Pác Bó - rừng Trần Hưng Đạo – Khu danh lam thắng cảnh thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao.

Cao Bằng là tỉnh có bề dầy lịch sử văn hoá, có nhiều dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá riêng, điều đó đã làm phong phú thêm kho tàng bản sắc di sản văn hoá của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Để tạo điều kiện bảo tồn, phát huy những di sản văn hoá các dân tộc, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngành Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh đã có các chương trình sưu tầm, kiểm kê các loại hình dân ca, dân vũ của tỉnh, bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Trường Năng khiếu nghệ thuật - thể thao của tỉnh tuy mới thành lập được 5 năm nhưng đã thu được những thành quả bước đầu đáng tự hào. Hằng năm đã mở nhiều lớp năng khiếu mà chủ yếu là các làn điệu dân ca các dân tộc của tỉnh, đặc biệt là nghệ thuật Hát then đàn tính - một di sản văn hoá độc đáo cần được lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy.
 

Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế về di sản văn hoá cũng được lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện thông qua các chương trình, các đoàn nghiên cứu khảo sát giữa Cao Bằng (Việt Nam) và  Quảng Tây (Trung Quốc) trên các mặt mà Việt Nam và Trung Quốc cùng có thế mạnh cùng quan tâm gìn giữ và phát huy, đó là di sản văn hoá về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1995 đến nay, Cao Bằng đã cử nhiều đoàn cán bộ khoa học, các nhà quản lý sang Quảng Tây, Trung Quốc để tìm hiểu, toạ đàm trao đổi các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vùng biên giới Việt - Trung trước khi Người về Pác Bó để lãnh đạo cách mạng Việt Nam năm 1941. Gần đây nhất từ ngày 28/8 đến ngày 1/9/2013 phía Trung Quốc đã mời đoàn lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh Việt Nam và lãnh đạo ngành văn hoá, ngoại vụ Cao Bằng sang Tịnh Tây – Bách Sắc, Trung Quốc dự lễ khánh thành bia tưởng niệm liệt sỹ Dương Đào, người thanh niên dân tộc Choang đã hy sinh vì cách mạng Việt Nam; đồng thời toạ đàm về phát huy những di sản văn hoá Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, thông qua tuyến du lịch Đỏ theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh trên biên giới Việt - Trung  nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của hai nước.

Nhìn lại chặng đường 68 năm, Ngày di sản văn hoá Việt Nam, tỉnh Cao Bằng đã đạt được những thành tựu quan trọng, các loại hình di sản văn hoá được gìn giữ phát huy. Quần chúng nhân dân cộng đồng các dân tộc trong tỉnh là người chủ sở hữu những di sản đó rất tự hào về những di sản văn hoá do thế hệ tiền nhân để lại. Hiện chúng ta đang dầy công vun đắp để những bông hoa tươi đẹp về di sản văn hoá mãi toả sáng và ngát hương thơm trên vùng quê Cao Bằng, nơi cội nguồn của cách mạng Việt Nam.

Theo baocaobang.vn

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1