Học Bác về tinh thần trách nhiệm
Lượt xem: 251

Năm 2014, chủ đề  “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” được triển khai nhằm giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức đúng đắn hơn về trách nhiệm của bản thân, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ...

Năm 2014, chủ đề  “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” được triển khai nhằm giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức đúng đắn hơn về trách nhiệm của bản thân, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ...

Tuyên dương ĐVTN tiên tiến làm theo lời Bác.

Về nêu cao tinh thần trách nhiệm, Hồ Chí Minh khẳng định, đó là tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao. Với công việc của Đảng, Nhà nước và cấp trên giao, bất kỳ việc to hay nhỏ, khó hay dễ, cán bộ, đảng viên phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi, đến chốn để đạt kết quả cao nhất. Tại một số địa phương trong tỉnh, điều này được thể hiện ở việc gắn liền với cải cách hành chính, tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước, duy trì có nền nếp và nâng cao chất lượng các chế độ sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập, sinh hoạt tự phê bình, phê bình của các chi bộ Đảng, chăm lo giáo dục chính trị, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân góp sức, góp tài xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều tổ chức đảng đã triển khai các biện pháp thiết thực, có hiệu quả để quản lý cán bộ, đảng viên và bảo đảm để nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, bất kết họ là ai, giữ cương vị gì.
 

Theo Bác, nêu cao tinh thần trách nhiệm cũng có nghĩa là phải ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác. Các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước phải có chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện với các biện pháp cụ thể, sát hợp, mạnh mẽ. Để có ý thức đúng đắn thực hiện trách nhiệm của chính mình, cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết về những vấn đề mới, ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng, tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân, “kính dân”, “trọng dân”, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội; phấn đấu để mỗi tổ chức đảng, mỗi cơ quan nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên là một tấm gương văn hóa của xã hội.

Để làm được điều đó, thiết nghĩ trước hết phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, tập trung vào những khâu quan trọng như đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và luân chuyển cán bộ. Thực hiện nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong tổ chức đảng, trong cơ quan nhà nước, không né tránh, nể nang, đồng thời lắng nghe ý kiến của nhân dân để có thể đánh giá và lựa chọn đúng những cán bộ có tinh thần tiên phong, gương mẫu, kiên định mục tiêu, lý tưởng, có đạo đức trong sáng, có kiến thức mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tác phong và lối sống lành mạnh, gắn bó với nhân dân, bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, được nhân dân tin yêu.

Năm 2014 là “Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn thanh niên đẩy mạnh hơn nữa giáo dục về đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đoàn viên, thanh niên, công chức, viên chức trẻ. Tăng cường công tác giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ để xây dựng một thế hệ con người Việt Nam có lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có ý chí độc lập, tự cường, tinh thần phấn đấu vươn lên vì Tổ quốc; ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết cộng đồng; lao động cần cù, sáng tạo; ham học tập, cầu tiến bộ, lòng nhân ái, khoan dung, trung thực, giản dị, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư... góp phần đấu tranh khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống; chặn đứng, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, hình thành và phát triển các giá trị đạo đức của chủ nghĩa xã hội, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nhân cách cao đẹp, xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh, văn minh, tiến bộ.

Theo tuyengiao.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1