Công tác dân vận trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Lượt xem: 208

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của nhân dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra, đoàn thể từ xã đến Trung ương do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

 

images772750_Trang_4

Bác Hồ trò chuyện với đại biểu phụ nữ dân tộc thiểu số tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III (1961). Ảnh: Tư liệu

Từ trước đến nay, hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong tư tưởng của Người, vấn đề dân vận được đặc biệt quan tâm. Người chỉ rõ, quần chúng nhân dân là chủ thể của cuộc cách mạng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng để nhân dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, Đảng phải tiến hành công tác tuyên truyền, vận động để người dân giác ngộ, tự nguyện làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình, đó chính là công tác dân vận.

Vấn đề dân vận, vận động quần chúng tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấn hưng đất nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra từ rất sớm. Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Người đặt ra cho mình nhiệm vụ trọng tâm là vận động quần chúng. Năm 1923, trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Người nêu lên những vấn đề cơ bản của công tác dân vận “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Tiếp đó, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người chỉ rõ: Cách mạng trước hết cần có Đảng, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đảng là “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Năm 1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, Người trở về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 tại Pác Bó, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Minh tập hợp mọi tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất. Người đã viết thư Kính cáo đồng bào kêu gọi toàn dân đoàn kết dưới lá cờ Việt Minh đấu tranh đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, công tác dân vận được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra một cách thường xuyên, cấp bách hơn. Tác phẩm Dân vận với 600 chữ do Người viết ngày 15/10/1949 hàm chứa nhiều nghĩa, nội dung, chuyển tải và biểu chứa đầy đủ, sâu sắc tư tưởng và triết lý của Người về dân vận; trở thành tác phẩm kinh điển trong công tác vận động quần chúng.

  Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để xót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. Quan niệm của Người nêu bật, dân vận nhằm huy động tất cả lực lượng của mỗi người dân vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng của mỗi người dân được tạo nên bởi nhiều nhân tố: đức và tài, hồng và chuyên, phẩm chất và năng lực, sức lực và trí tuệ, tinh thần và vật chất. Người đòi hỏi công tác dân vận không chỉ dừng ở việc vận động, tuyên truyền giáo dục chung chung mà phải đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng người dân, như vậy mới động viên, phát huy tính tích cực, sáng tạo của mỗi người, biến khả năng của họ trở thành hiện thực. Đồng thời, công tác dân vận phải huy động lực lượng của tất cả mọi người “không để xót một người dân nào”, như vậy mới xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dân vận là vận động quần chúng nhân dân làm cách mạng “đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân”. Người cho rằng, dân vận là vận động toàn dân và mỗi người đem đức và tài, sức lực, của cải, khả năng và thực lực để thực hành những việc nên làm từ xây dựng, giữ gìn và bảo vệ thôn bản, phum sóc đến kiên định mục tiêu độc dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

  Thực tiễn cho thấy, quá trình lãnh đạo cách mạng, kể từ khi ra đời năm 1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lấy lợi ích của nhân dân, của dân tộc làm mục đích phấn đấu. Với tư cách là tổ chức chính trị, Ðảng đã vươn lên, xây dựng và rèn luyện đội ngũ, tổ chức và hoạt động thật sự tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, tổ chức và lãnh đạo nhân dân, được nhân dân tin cậy, nuôi dưỡng, chở che, cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng đất nước ngày một phồn vinh, tất cả đều vì hạnh phúc của nhân dân. Ðúng như Người tổng kết trong tác phẩm Dân vận, những thành công của cách mạng là do dân vận khéo mà đạt được. Ðảng đã vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người dân nào, gộp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, tạo nên sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, nhằm phục vụ công tác quản lý, Đảng, Nhà nước chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từng bước hình thành Quy chế dân chủ ở cơ sở "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Các chủ trương này dần đi vào cuộc sống, phát huy được ý nghĩa và hiệu quả. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.

tuyen%20truyen

Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh tuyên truyền về chính sách Dân số - KHHGĐ cho bà con xóm Tả Bốc, xã Lương Thông (Thông Nông)

  Thực tế đã chứng minh, công tác dân vận là nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Đảng, tập hợp lực lượng đoàn kết dân tộc, mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quán triệt sâu sắc quan điểm công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở của tỉnh ta luôn tích cực tham mưu giúp cấp uỷ Đảng, phối hợp với chính quyền triển khai hiệu quả các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết công tác dân vận của Đảng, đẩy mạnh công tác dân vận thông qua hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở, sát dân, sát việc; củng cố và phát triển về tổ chức, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Ban Dân vận phối hợp với các ngành tuyên truyền, triển khai Nghị quyết số 25 ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua, các hoạt động về cơ sở; đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Những phong trào: đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa..., đã đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Đã cấp phát 446 tấn gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán cho 7.793 hộ với 29.709 nhân khẩu; thăm hỏi, tặng quà các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh, các hộ gia đình đồng bào nghèo, các gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa. Giải quyết tốt các vấn đề an ninh nông thôn, các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tệ nạn xã hội... Công tác dân vận đã phát huy dân chủ cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự tin tưởng, gắn bó giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT - XH, quốc phòng - an ninh của tỉnh.

  Kỷ niệm 84 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2014), 65 năm bài báo "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh (15/10/1949 - 15/10/2014) và 15 năm "Ngày Dân vận cả nước", phát huy những kết quả đạt được, hệ thống dân vận các cấp tiếp tục đổi mới công tác hoạt động, đa dạng hóa hình thức vận động, tập hợp, động viên quần chúng nhân dân hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước; đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của tỉnh tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.

Theo baocaobng.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1