“Cần, kiệm, liêm, chính" - Lời Bác dạy mãi là lời thiêng sông núi
Lượt xem: 23767
"Cần, kiệm, liêm, chính" là một trong những đặc trưng cơ bản của đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Người từng nói "Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông/Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính/Thiếu một mùa thì không thành trời/Thiếu một phương thì không thành đất/Thiếu một đức thì không thành người".  

"Cần, kiệm, liêm, chính" là một trong những đặc trưng cơ bản của đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Người từng nói "Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông/Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính/Thiếu một mùa thì không thành trời/Thiếu một phương thì không thành đất/Thiếu một đức thì không thành người".

Phong cách sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Ảnh: T.L

Để giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, Bác đã viết nhiều sách về vấn đề này. Trong tác phẩm: "Đường cách mệnh", chương đầu tiên Bác giới thiệu tư cách và tiêu chuẩn một người cách mạng là: Cần, kiệm. Bác cho rằng: "Cần với kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của một con người". Cần mà không kiệm thì "Làm chừng nào xào chừng ấy", cũng như một cái thùng không đáy, nước đổ vào bao nhiêu lại chảy ra ngoài bấy nhiêu. Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được.

Trong bài "Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu'' viết năm 1952 Bác chỉ ra rằng: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là sự nghiệp của toàn dân, cán bộ, công nhân, nông dân, bộ đội.., không trừ một ai, càng nghèo lại càng phải tiết kiệm, càng phải chống lãng phí; tham ô là tội ác nhưng lãng phí không phải là nhẹ hơn.

Sinh thời, Bác sống rất giản dị, từ lời nói đến việc làm, tác phong sinh hoạt hằng ngày. Những bữa ăn thanh đạm, những lần đi thăm các địa phương, Bác thường không báo trước và mang theo cơm nắm để tránh sự đón tiếp linh đình, gây phiền hà và tốn kém tiền của nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên chiến khu Việt Bắc, Bác ở trong ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị. Sau này về thủ đô, Bác cũng không ở ngôi nhà sang trọng của Toàn quyền Đông Dương, Bác dành ngôi nhà đó làm nơi tiếp khách của Đảng và Nhà nước ta.

Ai cũng biết rằng, ngay từ khi còn trẻ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã cần cù lao động trên đất Pháp để có thu nhập dù là ít ỏi, số tiền đó một phần để trang trải cuộc sống hằng ngày, phần quan trọng hơn là để mua sách, báo nhằm mở rộng kiến thức, nâng cao hiểu biết để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Theo Bác, “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn; tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”.

Nói đến tiết kiệm không chỉ là tiết kiệm tiền bạc, của cải vật chất, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên mà còn phải tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian. Nhiều lần đi công tác xa, không cần nhiều cán bộ cùng đi, Bác cho những anh em còn lại về thăm gia đình. Bác dặn: "Các chú tranh thủ về thăm nhà nhưng nhớ đúng hẹn lên đón Bác". Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ đối với mọi người xung quanh và cũng là một hình thức tiết kiệm về thời gian.

Bác Hồ coi thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của đất nước. Người chỉ rõ: "Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ". Bác còn cho rằng: tham ô, lãng phí là "Tứ chứng nan y" của mọi nhà nước. "Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô''; “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”.

Chính vì thế mà Bác Hồ đã bác đơn xin ân xá của Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu thời kháng chiến chống Pháp khi Trần Dụ Châu bị Tòa án quân sự tuyên phạt mức án tử hình về tội tham ô, lãng phí, trong đó có việc “bật đèn xanh” cho cấp dưới tổ chức tiệc cưới cực kỳ xa xỉ, tràn ngập sơn hào hải vị, trong khi đời sống nhân dân còn đang rất khó khăn, dồn hết mọi tài nguyên, vật lực cho kháng chiến.

Ngày nay, khi tham ô, tham nhũng đã trở thành quốc nạn, làm xói mòn uy tín của Đảng, giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước thì việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là một giải pháp quan trọng, là việc làm bức thiết của toàn Đảng, toàn dân.

Với tất cả tấm lòng kính trọng Bác, nhớ ơn Bác, chúng ta tin rằng những lời dạy của Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ mãi mãi là bài học quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc rèn luyện và nêu cao đạo đức cách mạng: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư".

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1