Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương
Lượt xem: 82

Trong hai ngày 28-29/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Trong hai ngày 28-29/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo.

TT

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có các đồng chí: Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đàm Văn Eng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Giá tiêu dùng bình quân tăng 3,53%, lạm phát cơ bản tăng 1,41%, tín dụng tăng khoảng 19%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên, an toàn hệ thống được đảm bảo. Mặt bằng lãi suất giảm 0,5 -1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD. Kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN) được tăng cường, quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế, triệt để tiết kiệm chi, tổng thu NSNN tăng trên 2,3% so với dự toán và tăng trên 13% so với năm 2016, bội chi 3,42% GDP; Xuất khẩu ước đạt gần 214 tỷ USD, tăng 21,1%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 420 tỷ USD; xuất siêu 2,7 tỷ USD. Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Bên cạnh những kết quả đạt được báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, năng suất lao động chưa cao, năng lực cạnh tranh còn thấp...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giới thiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018. Theo đó, Chính phủ xác định phương châm hành động năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành là: tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Dự thảo Nghị quyết đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Tại Hội nghị, các địa phương và các bộ, ngành  đã tập trung thảo luận, góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, từ đó thống nhất, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Tổng BT

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành, địa phương đối với sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư đề nghị Hội nghị cần dành nhiều thời gian thảo luận về những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để đề ra nhiệm vụ, giải pháp một cách sát thực, hiệu quả. Năm 2018, cần tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa,  phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Nhận thức quán triệt đầy đủ sâu sắc hơn nữa quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng và triển khai quyết liệt tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản  và toàn diện giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Quan tâm hơn nữa đến phát triển có hiệu quả văn hoá, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu đã nghe các báo cáo tóm tắt về: tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; kết quả thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017…

Theo Chương trình, sáng ngày 29/12, Hội nghị tiếp tục làm việc. 

Dương Liễu - Ngọc Ái





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1