Đối thoại chính quyền với doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng: Nhiều vấn đề "nóng" được giải quyết
Lượt xem: 534

Nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được các Sở, ban ngành giải trình tiếp thu tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, diễn ra sáng 24/1.

 

Nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được các Sở, ban ngành giải trình tiếp thu tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, diễn ra sáng 24/1.

Ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng

Đồng chí Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng (Ảnh: caobang.gov.vn)

Tiếp nhận 85 ý kiến, kiến nghị

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết trước thời điểm diễn ra hội nghị, phía doanh nghiệp đã mang đến buổi đối thoại 85 ý kiến, kiến nghị, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, nhưng tập trung vào 4 chủ đề.

Cụ thể, về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đa số các kiến nghị đều tập trung về việc nhiều thủ tục hồ sơ, giấy tờ, nhiều cơ quan, cá nhân tham gia giải quyết khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian đi lại, cán bộ thực hiện việc nhận hồ sơ và trả kết quả tại mô hình hành chính một cửa không nhiệt tình hướng dẫn tận tình chu đáo, việc tiếp nhận còn nhiều bất cập, việc trả hồ sơ nhiều khi còn chậm; việc giải quyết hồ sơ giấy tờ ở một số phòng, ban chưa kịp thời, còn hiện tượng một số cán bộ lấy lý do chậm giải quyết để làm khó dễ doanh nghiệp; việc thanh, kiểm tra còn trùng lặp, chồng chéo, thiếu cơ chế phối hợp giữa các đơn vị có cùng chức năng thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi tập trung vào lĩnh vực tài nguyên - môi trường việc giải phóng mặt bằng chậm, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất khó khăn; thủ tục hồ sơ tiếp cận đất đai như giao đất, cho thuê đất, cấp mỏ vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp; nhiều doanh nghiệp phản ánh bộ thủ tục hành chính liên quan đến đất đai vẫn chưa được cung cấp, đầy đủ, chưa đáp ứng được tính minh bạch, công khai trong quản lý nhà nước.

Ngoài ra, một số kiến nghị đề nghị việc cấp phép đầu tư, kinh doanh và khai thác cần nhanh hơn; Một số ít câu hỏi tập trung vào lĩnh vực giảm thủ tục hành chính đối với các mặt hàng có điều kiện kinh doanh đặc biệt. Ví dụ như thủ tục thanh toán đối với sách giáo khoa.

Về cải tạo môi trường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa số các kiến nghị tập trung vào những khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, từ các quỹ ưu đãi, những hỗ trợ kỹ thuật, thông tin, hỗ trợ đầu tư trồng các vùng nguyên liệu, tư vấn về các quy định pháp lý, các văn bản về các chương trình, dự án, các thủ tục pháp lý cần thiết cho các doanh nghiệp thực hiện khi thực hiện đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; thiếu thông tin về vốn, cơ hội đầu tư, quy hoạch, kế hoạch xây dựng, đất đai cũng là vấn đề gây phàn nàn của nhiều nhà sản xuất kinh doanh.

Về giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, chủ yếu các ý kiến tập trung vào lĩnh vực miễn, giảm thuế và giá thuê đất còn cao trong hoàn cảnh doanh nghiệp hoạt động khó khăn, thiếu vốn, được thanh toán chậm. Đối với lĩnh vực tài nguyên có ý kiến cho rằng tiền cấp quyền khai thác mỏ lớn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đa số các thắc mắc liên quan đến lĩnh vực kê khai và nộp thuế, miễn thuế như sản xuất, kinh doanh ở các vùng khó khăn, biên giới có được miễn giảm thuế không, đã khai thuế ở các đơn vị có hạch toán phụ thuộc những vẫn phải kê khai tại trụ sở chính có được miễn giảm không, việc khấu trừ thuế khi đã thanh toán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, việc khấu trừ thuế trong các trường hợp nộp thay, chuyển nhượng cổ phần thấp hơn hoặc bằng giá trị cổ phần có cần nộp thuế không, thiếu thông tin về căn cứ tính thuế như: cách tính giá đất phi nông nghiệp theo vị trí hay hay tính vị trí đầu tiên của lô đất; đã kí hợp đồng thuê đất đối với cá nhân có quyền sử dụng đất những vẫn phải nộp tiền thuê đất với tỉnh, đây có phải hình thức nộp thuế hai lần không; việc tạm dừng hoạt động có báo cáo cơ quan quản lý có được miễn thuế không; thuế tài nguyên, giá thuê đất còn cao.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cho biết vẫn còn có những dự án bị dừng thi công vì những lý do không thuyết phục. Ví dụ như dự án nuôi gà nông nghiệp; Nhiều ý kiến đề nghị nhà nước thanh toán nợ đọng công trình đã hoàn công cho các doanh nghiệp.

Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Toàn cảnh Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.(Ảnh: caobang.gov)

Yêu cầu tiếp thu và trả lời dứt điểm

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, tại Hội nghị, các ý kiến trên đã lần lượt được các Sở, ban ngành giải trình tiếp thu tại Hội nghị. “Ngay sau hội nghị này, mọi ý kiến của doanh nghiệp phải được các sở ngành, địa phương tiếp thu và trả lời ngay cho doanh nghiệp, chậm nhất là ngày 02/02/2018, doanh nghiệp phải nhận được văn bản trả lời, giao Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp theo dõi, đôn đốc. Đối với đơn vị nào trả lời chậm, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh phê bình tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ”.

Một là, giao quản lý xây dựng và điều phối hoạt động của Ban tư vấn chính sách cấp tỉnh kết hợp với Tổ hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường khảo sát, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều hình thức, định kì hàng quý báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời.Tham mưu cho tỉnh tổ chức ngiên cứu, ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành của cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) để làm cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để ngiên cứu giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.

Hai là, giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, cùng với Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và đầu tư phối kết hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo các văn bản cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành để đề nghị UBND tỉnh hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa, tạo sự thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình. Yêu cầu 8 cơ quan thực hiện Quyết định số 945/QĐ – UBND ngày 27/6/2017 về việc công bố danh mục Thủ tục hành chính thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ; trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích báo cáo kết quả thực hiện. Yêu cầu làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân của việc chậm triển khai hoặc không triển khai, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ba là, giao Văn phòng UBND tỉnh, thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh soạn công văn chỉ đạo cơ quan, đơn vị có thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư báo cáo kết quả việc niêm yết thủ tục hành chính và hồ sơ kèm theo lên các trang Web công khai, đồng thời tổ chức kiểm tra thực tế thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Bốn là, giao Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 26/CT - TTg và Công văn số 12586/VPCP - KTTH ngày 24/11/2017 của Văn phòng Chính phủ về báo cáo cắt giảm một số chi phí doanh nghiệp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Năm là, giao Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành địa phương trong việc thực hiện những chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tập trung vào những vấn đề (liên quan đến PCI, PAPI) như: tính năng động của những người đứng đầu các cơ quan hành chính, việc thực thi pháp luật về đất đai, nhất là việc thực hiện các quyền về sử dụng đất của người dân và doanh nghiệp, tham ô – nhũng nhiễu doanh nghiệp, lĩnh vực gây ra nhiều tốn kém chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, sự cạnh tranh không bình đẳng đối với doanh nghiệp...Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm theo dõi, tập hợp những kết luận thanh tra để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý theo quy định của Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật có liên quan.

Sáu là, yêu cầu Giám đốc các các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 20/CT – TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh nào bị thanh tra, kiểm tra trùng lặp hoặc thuộc các trường hợp khác theo chỉ thị nêu trên có thể gọi điện ngay đến đường dây nóng của tỉnh để Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý. Giao Thanh tra tỉnh Cao Bằng theo dõi việc thực hiện chỉ thị này trên địa bàn tỉnh, định kỳ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh.

Bảy là, giao Đài phát thanh và truyền hình Cao Bằng, Báo Cao Bằng mở chuyên mục về việc thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ – CP và Nghị quyết số 35/2016/NQ – CP về việc hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, ưu tiên các phóng sự, điều tra liên quan đến những khó khăn, bất cập mà nguyên nhân thuộc về chính sách, pháp luật, cơ quan hành chính và người thi hành công vụ. Những nội dung đăng trên các báo gửi về Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo, xử lý theo quy định hiện hành.

Tám là, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng tăng cường giám sát chính sách, pháp luật về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đối với những mâu thuẫn, thiếu xót của chính sách, pháp luật hiện hành, đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh tích cực gửi kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương để kịp thời khắc phục. Yêu cầu các sở, ngành và địa phương xem xét các kết luận giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân về lĩnh vực cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp khẩn trương để rà soát ban hành văn bản khắc phục hoặc tham mưu, đề xuất ra văn bản khắc phục.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ soạn thảo ngay Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan, đơn vị tỉnh Cao Bằng, trong đó nhấn mạnh việc phát huy vai trò của Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban ngành, địa phương về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hành vi công vụ của các chức danh công chức, đặc biệt là vị trí tiếp dân, giải quyết đơn thư, vị trí liên quan đến thủ tục đầu tư, tiếp xúc thường xuyên với doanh nghiệp, có khả năng làm ảnh hưởng đến việc cải thiện xếp hạng PCI, PAPI trình Chủ tịch UBND tỉnh kí ngay trong tuần này để tổ chức thi hành ngay cùng việc triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ngay từ những ngày đầu năm.

Theo Dien dan doanh nghiep





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1