Điểm một số hoạt động của Lãnh đạo tỉnh nổi bật Tuần 24 năm 2022 (từ ngày 06 - 12/6/2022)
Lượt xem: 709

Tiếp xúc cử tri xã Quang Hán (Trùng Khánh); dự sinh hoạt Chi bộ xóm Vững Bền; họp Ban Tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2022; kiểm tra tình hình phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh tại huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm; họp Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách Nhà nước và thu hồi nợ đọng thuế tỉnh; dự hội nghị trực tuyến tuyên truyền về công tác biên giới trên đất liền năm 2022; Họp Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; tham dự Chương trình trực tuyến Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 là những hoạt động nổi bật của Lãnh đạo tỉnh trong tuần công tác vừa qua.

1. Ngày 07/6, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Trùng Khánh do đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn tiếp xúc cử tri xã Quang Hán (Trùng Khánh) trước Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại Hội nghị, đại biểu HĐND tỉnh thông báo với cử tri kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 7 tháng cuối năm 2022; nội dung chương trình Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026...

Cử tri xã Quang Hán kiến nghị: Nhà nước xem xét đầu tư đoạn gờ giảm tốc gần trường học trên địa bàn; đầu tư bê tông đoạn mương thoát nước tại xóm Vững Bền; xem xét bố trí nhân lực cho Trạm Y tế xã; xem xét cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ dân; huyện cần có cơ chế trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân giải quyết các thủ tục hành chính…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê trao đổi với cử tri xã Quang Hán (Trùng Khánh).

Tổ đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo huyện Trùng Khánh tiếp thu, giải trình những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền và tổng hợp các kiến nghị chuyển cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

*Cùng ngày, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê dự sinh hoạt tại Chi bộ xóm Vững Bền, xã Quang Hán (Trùng Khánh). 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê phát biểu tại buổi sinh hoạt.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê đề nghị các đảng viên Chi bộ phát huy tinh thần dân chủ, phê bình và tự phê bình trong các buổi sinh hoạt; Chi bộ gắn một số công việc của xóm vào nội dung sinh hoạt. Quan tâm bồi dưỡng phát triển đảng viên mới, nhất là đảng viên trẻ. Tiếp tục tuyên truyền nhân dân về công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, dân chủ; xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh.

*Cùng ngày, Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách Nhà nước và thu hồi nợ đọng thuế tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả kết quả thực hiện năm 2021; bàn kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Bích Ngọc, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá các giải pháp thực hiện thu ngân sách năm 2022; thống nhất kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán theo Quyết định của Bộ Tài chính đạt 1.684,1 tỷ đồng và dự toán theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đạt 2.018 tỷ đồng. Quyết liệt thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thu hồi nợ thuế vào ngân sách Nhà nước; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ thuế, xóa tiền phạt nộp chậm, tiền chậm nộp đối với người nợ thuế không còn khả năng nộp vào ngân sách Nhà nước. Phấn đấu đến hết 31/12/2022 tổng số tiền thuế nợ trên địa bàn tỉnh không quá 160 tỷ đồng (không vượt quá 8% số thực thu ngân sách nhà nước năm 2022).

Hội nghị đã thông qua dự thảo kế hoạch thu ngân sách Nhà nước, chống thất thu ngân sách Nhà nước và thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh năm 2022;  Đề án tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đánh giá: đến thời điểm này, thu ngân sách trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực. Đồng chí đề nghị các đơn vị tiếp tục đưa ra các giải pháp cụ thể, tránh dàn trải để tăng thu. Cụ thể: cần tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành nộp thuế; quản lý bằng quy định quản lý thuế từ thấp đến cao đối với các trường hợp trốn thuế, gian lận. Thống nhất sẽ ban hành một đề án chung về chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ đọng thuế trong cả giai đoạn 2021-2025 đưa ra giải pháp toàn diện chống thất thu ngân sách; Quản lý chặt chẽ các nguồn thu ngân sách, trong đó thu từ các dự án phát triển đô thị, hoạt động khoáng sản, các loại thuế, đấu giá các mỏ khoảng sản, thu phí lệ phí từ các hoạt động sản xuất kinh doanh; thu từ xây dựng cơ bản, đầu tư công, hoạt động xuất nhập khẩu…).

Đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường rà soát, quản lý chặt chẽ các nguồn thu; tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các sở, ban, ngành trong công tác quản lý nguồn thu ngân sách, khai thác tăng thu ngân sách, chống thất thu ngân sách, đôn đốc thu hồi nợ đọng và xử lý nợ đọng thuế; Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, gian lận thuế, đảm bảo sự lành mạnh, bình đẳng trong môi trường kinh doanh.

2. Ngày 08 - 09/6/2022, Đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh làm trưởng đoàn đã đến làm việc và kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 tháng đầu năm 2022 tại huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc.

Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo một số Sở, Ban ngành của tỉnh.

Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng trên địa bàn huyện Bảo Lâm

Phát biểu tại buổi làm việc với huyện Bảo Lâm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: từ nay đến cuối năm, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện còn rất nặng nề, đề nghị tập thể lãnh đạo huyện và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của huyện tiếp tục đoàn kết, phát huy những thành tích đã đạt được và nỗ lực khắc phục khó khăn, hạn chế, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đạt kết quả cao nhất có thể, trong đó quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục bám sát các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Tỉnh uỷ Cao Bằng về xây dựng và phát triển các huyện miền Tây tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 888/KH-BCĐ ngày 15/4/2022 của Ban chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ tỉnh Cao Bằng; Chương trình hành động số 17-CTr/HU ngày 05/5/2022 của Huyện uỷ Bảo Lâm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển các huyện miền Tây tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19, có kế hoạch, giải pháp động viên cha mẹ các em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn huyện đưa các em tham gia tiêm tại các địa điểm tập trung để việc tiêm phòng đạt hiệu quả cao; Tiếp tục quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trọng tâm là phát phát triển nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới; phát triển thương mại dịch vụ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt các dự án đầu tư công; Tăng cường rà soát, xác định các nguồn thu mới và chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, thực hiện các biện pháp chống thất thu ngân sách Nhà nước; đồng thời quản lý chặt chẽ các nguồn chi; Quan tâm thực hiện tốt các chỉ số về: cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố (DDCI), chỉ số hài lòng của người dân (PAPI).... để tạo môi trường phát triển kinh tế- xã hội tốt hơn; Quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa- xã hội, phát huy và nhân rộng các giá trị tốt đẹp về văn hóa, tạo động lực để phát triển kinh tế; Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn huyện; Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội kịp thời, hiệu quả; hoặc đề xuất, kiến nghị với cơ quan có cấp trên giải quyết các vướng mắc vượt thẩm quyền của huyện; Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội...

Tại buổi làm việc với huyện Bảo Lạc, huyện đã đề xuất và kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ thuộc các lĩnh vực quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội như: vấn đề vốn đầu tư; Công tác Nội vụ - Giáo dục và Đào tạo; Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường; Lĩnh vực Văn hoá - Du lịch; Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; việcthực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển các huyện miền Tây tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030,...

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã giải đáp các vấn đề liên quan đến các đề xuất kiến nghị của huyện, đồng thời đưa ra các ý kiến tham góp về một số giải pháp khắc phục khó khăn, thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những năm tiếp theo, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc khai thác các tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội với các trọng tâm, trong điểm để tạo bước đột phá mới như phát triển nông lâm nghiệp bền vững, phát triển du lịch,...

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh chia sẻ với Huyện về những khó khăn do điều kiện tự nhiên, hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo cao; nhận thức của một số người dân còn hạn chế... Tuy nhiên, đồng chí cũng đề nghị Huyện phân tích, làm rõ những nguyên nhân chủ quan liên quan đến những hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để kịp thời khắc phục. Đồng chí đề nghị tập thể lãnh đạo huyện và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của huyện tiếp tục đoàn kết, phát huy những thành tích đã đạt được và nỗ lực khắc phục khó khăn, hạn chế, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Đoàn công tác kiểm tra tiến độ xây dựng Trường Tiểu học bán trú Bảo Toàn

          Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng Trường Tiểu học bán trú Bảo Toàn; thăm điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon, dân tộc Lô Lô, xã Kim Cúc.

* Ngày 08/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy 25 tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia và một số cơ quan liên quan tổ chức hội nghị trực tuyến với 915 điểm cầu cấp tỉnh, huyện, xã tuyên truyền về công tác biên giới trên đất liền năm 2022. Các đồng chí: Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đồng chủ trì.

Tại điểm cầu Cao Bằng, đồng chí Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì. Tham dự có đồng chí Nông Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, ban, ngành.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

3. Ngày 09/6, tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy diễn ra cuộc họp Ban Tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2022. Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức hội thi dự và chỉ đạo cuộc họp.

Hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2022 được tổ chức nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về công tác xây dựng Đảng và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn cho đội ngũ bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, tạo điều kiện để các đồng chí bí thư chi bộ giao lưu, học tập kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, phương pháp, tác phong công tác, kỹ năng xử lý các tình huống trong thực tiễn của bí thư chi bộ để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Thông qua hội thi, cấp ủy các cấp đánh giá chất lượng chi bộ và đội ngũ bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; đồng thời, tiếp tục định hướng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát hiện những nhân tố mới để đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ ở cơ sở.

Đối tượng dự thi là các đồng chí bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở đoạt giải cao trong cuộc thi bí thư chi bộ giỏi cấp huyện, Thành phố và tương đương năm 2022. Các huyện, Thành ủy chọn cử 2 đồng chí bí thư chi bộ đoạt giải cao tại Hội thi Bí thư chi bộ giỏi cấp mình tham gia hội thi cấp tỉnh; các đảng ủy trực thuộc chọn cử 1 đồng chí bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở đoạt giải cao tại Hội thi Bí thư chi bộ giỏi do cấp mình tổ chức tham gia hội thi cấp tỉnh.

Nội dung hội thi diễn ra 3 vòng. Vòng thứ nhất, thi đề cương và clip sinh hoạt chi bộ. Vòng thứ hai, thi nghiệp vụ, thí sinh tự giới thiệu về bản thân và chi bộ, đảng bộ đang sinh hoạt thứ tự theo số báo danh; các thí sinh chia thành 5 nhóm để thi nghiệp vụ, mỗi nhóm sẽ trả lời 1 gói câu hỏi trắc nghiệm về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng. Vòng thi thứ ba, xử lý tình huống, thí sinh bốc thăm và trả lời câu hỏi liên quan đến xử lý tình huống về công tác xây dựng Đảng, đảng viên.

Thời gian tổ chức hội thi, các huyện ủy, Thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy chủ động xây dựng kế hoạch, đăng ký thời gian tổ chức hội thi cấp mình với Ban Tổ chức Tỉnh ủy trước ngày 30/4/2022. Hoàn thành tổ chức hội thi cấp huyện, gửi danh sách trích ngang thí sinh tham dự Hội thi Bí thư chi bộ giỏi cấp tỉnh về Ban Tổ chức hội thi (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) trước ngày 10/7/2022. Hội thi Bí thư chi bộ giỏi cấp tỉnh được tổ chức trong 2 ngày, dự kiến đầu tháng 10/2022.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê khẳng định: Hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2022 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ tỉnh, là hình thức học tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về công tác xây dựng Đảng, là dịp không chỉ các đồng chí bí thư chi bộ mà các đồng chí đảng viên trong toàn Đảng bộ nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của các tổ chức cơ sở đảng và chi bộ.

Về chương trình, quy chế, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Tổ chức, Tổ giúp việc cơ bản nhất trí theo nội dung đã trình; hình thức thi kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Về các phần thi, vòng thứ nhất cần có định hướng cho các chi bộ chuẩn bị; vòng thứ hai, thứ ba, các nội dung câu hỏi cần bám sát Điều lệ, quy định về công tác xây dựng Đảng; các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của Trung ương gắn với nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nội dung sinh hoạt chi bộ, yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của địa phương, đơn vị. Ngân hàng các câu hỏi phải đủ, không trùng nhau; nội dung câu hỏi ngoài những kiến thức chung phải có 30% số câu hỏi gắn với các chi bộ cơ quan, 20% gắn với chi bộ nông thôn, tổ dân phố. Các câu hỏi phân cho các đơn vị chuyên môn chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, đảm bảo chất lượng…

Đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy - cơ quan thường trực tham mưu tổ chức hội thi tiếp thu các ý kiến của các đại biểu dự họp, bổ sung, hoàn chỉnh các dự thảo văn bản để triển khai hội thi đảm bảo yêu cầu đề ra. Các cấp, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của hội thi nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác đảng cho thí sinh dự thi và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân để tạo sức lan tỏa trong toàn Đảng bộ, góp phần để hội thi thành công tốt đẹp.

4. Ngày 10/6, Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh họp thông qua Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 và một số văn bản liên quan. Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Lê Hải Hòa; các thành viên, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.

Theo dự thảo đề án, giai đoạn 2021-2023, tỉnh tập trung nguồn lực hoàn thành hỗ trợ xóa 6.110 nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo với tổng kinh phí khoảng 232 tỷ 748 triệu đồng. Trong đó, năm 2022 hỗ trợ thực hiện 2.885 nhà (127 nhà lắp ghép bằng tôn, 1.496 nhà làm mới, 1.262 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí 110 tỷ 669 triệu đồng; năm 2023 hỗ trợ thực hiện 3.225 nhà (153 nhà lắp ghép bằng tôn, 1.536 nhà làm mới, 1.536 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí 122 tỷ 079 triệu đồng. Nguyên tắc hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, công khai, dân chủ, công bằng, minh bạch trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê phát biểu kết luận cuộc họp.

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê nhấn mạnh: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát rất hợp với lòng dân, được nhân dân quan tâm, chủ động hưởng ứng tham gia. UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp toàn bộ chương trình trên tinh thần “chủ thể vẫn là các hộ được hỗ trợ”, chịu trách nhiệm trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp cấp, cùng chịu trách nhiệm là thành viên Ban Chỉ đạo được phân công phụ trách địa bàn. Các sở, ngành, các huyện sau cuộc họp triển khai ngay rà soát, đối khớp đối tượng hỗ trợ. Mục tiêu chung của đề án thống nhất thực hiện từ năm 2021 - 2023 và đích cần đến là hoàn thành cả gói xóa xong 6.110 nhà trong năm 2023.

Thống nhất giãn tiến độ triển khai thực hiện, thành lập tổ công tác hỗ trợ cơ sở, các đối tượng hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán. Hướng sử dụng nguồn xã hội hóa ưu tiên 1 là hỗ trợ các đối tượng không nằm trong chương trình nào; ưu tiên 2 là đưa vào đối ứng theo tiềm năng, mục đích cuối cùng bằng mọi nguồn tất cả các đối tượng đều được hỗ trợ, không bỏ sót ai.

Từng thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc nắm vững tình hình thực tiễn, tình hình chung, bối cảnh chung trong quá trình triển khai thực hiện đề án, trên cơ sở kết luận tại cuộc họp và những nội dung đề án đã xây dựng chỉ đạo triển khai tiếp tục thực hiện chương trình, tạo sự thống nhất cao, quyết tâm hoàn thành trong năm 2023.

5. Ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022. Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu trên cả nước với sự tham gia của khoảng 4.500 công nhân lao động.

Dự đối thoại tại điểm cầu Cao Bằng có các đồng chí: Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể và 60 công nhân lao, động trên toàn tỉnh.

Các đại biểu dự Chương trình tại điểm cầu Cao Bằng.

D.L

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1