Điểm một số hoạt động của Lãnh đạo tỉnh nổi bật Tuần 22 năm 2023 (từ ngày 22 - 28/5/2023)
Lượt xem: 399

Tuần 22 năm 2023, các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì, tham dự một số Hội nghị, cuộc họp, chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:

1. Đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì cuộc họp thứ 5 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

anh tin bai

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh phát biểu tại cuộc họp.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh khẳng định: Sau gần 1 năm thành lập, hoạt động của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh dần đi vào nề nếp, kịp thời triển khai cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh việc đưa các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, xử lý. Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ dư luận xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh.

Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị đối với 2 vụ án đã xét xử sơ thẩm, cần tiếp tục theo dõi đến khi kết thúc vụ án; đôn đốc chỉ đạo việc xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính theo quy định. Đối với 2 vụ án đang điều tra, truy tố, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Tập trung điều tra một số vụ án, vụ việc mới vào diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo xử lý. Cần quán triệt tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài của cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị.

2. Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

* Chủ trì Phiên họp Thường trực HĐND tỉnh tháng 5/2023

Phiên họp giải quyết nội dung phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh. Thảo luận, cho ý kiến đối với nội dung, chương trình giám sát năm 2024 của HĐND tỉnh; việc chuyển sinh hoạt Tổ đại biểu của đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026; báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “xây dựng và hoạt động của công an xã, thị trấn chính quy trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2022".

anh tin bai

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê phát biểu kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch HĐND tỉnh thống nhất giao cơ quan tham mưu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về quy định một số chính sách thu hút, đãi ngộ người có trình độ tiến sĩ và tương đương đến công tác tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 kỹ hơn để trình vào kỳ họp sau, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các chính sách này ở giai đoạn trước để ban hành nghị quyết sát với tình hình thực tế và có tính khả thi. Bổ sung, hoàn thiện Nghị quyết về điều chỉnh danh mục đầu tư công, thống nhất thông qua các danh mục dự án hạ tầng thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư trình tại phiên họp, tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; các nghị quyết khác yêu cầu rà soát lại, điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, đúng quy định, nhất quán, kế hoạch đầu tư công từng năm khớp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực, thuận lợi trong thực hiện, hạn chế tối đa việc điều chỉnh. Đối với nội dung, chương trình giám sát năm 2024, thống nhất 14 đầu việc thực hiện. Nhất trí với báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “xây dựng và hoạt động của công an xã, thị trấn chính quy trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2022" của Ban Pháp chế HĐND tỉnh trình tại Phiên họp. Các tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân.

* Dự chương trình khởi động Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè tại xã Tam Kim (Nguyên Bình) với chủ đề “Hành trình theo chân Bác”.

Buổi lễ có sự chung tay của 4 đơn vị (Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Tỉnh đoàn các tỉnh: Cao Bằng, Hà Nam, Tuyên Quang). Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ hướng về đồng bào, thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn, các đơn vị đã huy động, vận động các nguồn lực trao tặng các công trình, phần việc, những suất quà ý nghĩa cho tỉnh Cao Bằng, tổng trị giá các nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động hơn 1,7 tỷ đồng.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức chương trình trao tặng biển tượng trưng các công trình như: Tỉnh đoàn Hà Nam phối hợp với Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tặng công trình "Nhà vệ sinh cho em" tại Trường Tiểu học Thái Học trị giá 60 triệu đồng; phối hợp với Trường Cao đẳng FPT Polytechnic và Viện Nghiên cứu giải pháp đô thị thông minh tặng 50 suất quà cho thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn huyện Nguyên Bình trị giá 40 triệu đồng; Khối thi đua các huyện, thị, Thành đoàn của Tỉnh đoàn Thanh niên Hà Nam tặng công trình “Thắp sáng đường quê” tại xóm Pác Dài, xã Tam Kim trị giá 30 triệu đồng; Đoàn Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Giáo dục Ejoy tặng 100 suất học bổng tiếng Anh trên ứng dụng Epic English trị giá 50 triệu đồng; Cụm Đoàn Trường học trực thuộc Khối các cơ quan Trung ương, Đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo và gia đình tại Hà Nội tặng kinh phí hỗ trợ làm đường bê tông nông thôn tại Tham Han thuộc xóm Lũng Ót, xã Yên Lạc trị giá 50 triệu đồng; Trường Trung cấp Nghề tỉnh Cao Bằng tặng 500 cây mận máu giống cho Huyện đoàn Nguyên Bình trị giá 20 triệu đồng. Tặng 50 suất quà cho thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện với số tiền 40 triệu đồng.

anh tin bai

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê và Bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Hà Nam Trần Ngọc Nam tặng quà học sinh xã Tam Kim (Nguyên Bình).

 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê đề nghị các bạn trẻ tham gia chương trình, nhất là đoàn viên thanh niên Cao Bằng tập trung vào một số nội dung như: tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về mục tiêu và ý nghĩa thiết thực của Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, xem đây là cơ hội tốt để giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống cách mạng của cha anh cho thế trẻ. Các cấp bộ Đoàn luôn bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương, hướng đến các địa bàn khó khăn, nắm bắt kịp thời nhu cầu khát vọng của thanh niên để tổ chức các hoạt động tình nguyện bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, điểm nhấn và sản phẩm cụ thể. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục dành sự quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho công tác Đoàn nói chung, các chiến dịch thanh niên tình nguyện nói riêng để tổ chức Đoàn, Hội, Đội, cùng cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong tỉnh được thể hiện, cống hiến sức trẻ cho quê hương, tô thắm thêm truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng.

3. Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

* Chủ trì Hội nghị đánh giá và triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế năm 2022, nâng cao hiệu quả các chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, PCI năm 2023.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC (PAR INDEX) ; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trên địa bàn tỉnh năm 2022.

anh tin bai
 

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị các cấp, các ngành và các địa phương, đặc biệt là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh CCHC; hoàn thành mục tiêu Kế hoạch CCHC tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch CCHC năm 2023; Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả; gắn kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến CCHC với trách nhiệm của các ngành, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.  Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, triển khai các giải pháp thiết thực để tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và thực hiện tiếp nhận, trả  kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số, dữ liệu số. Các cơ quan, đơn vị tiên phong, gương mẫu sử dụng các nền tảng số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

* Hội nghị tháo gỡ, khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh, Trưởng BCĐ thực hiện các chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Trung Thảo, Trịnh Trường Huy đồng chủ trì Hội nghị.

Tổng vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh là 4.959,596 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 4.706,217 tỷ đồng; vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh là 253,379 tỷ đồng. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2021, tiếp tục áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo là 18,03%, giảm 4,03% so với năm 2020. Năm 2022, thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,29%. Năm 2023, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% (giảm từ 28,94% xuống còn 24,94%). Dự kiến đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 17,23%. Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 3/2023, bình quân toàn tỉnh đạt 10,19 tiêu chí/xã; có 119 xã đạt dưới 15 tiêu chí, chiếm 85,6%. 17/139 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 12,2%). Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS ước giảm 4%; có kế hoạch xây dựng mới, sửa chữa 703 công trình đường giao thông, nước sinh hoạt tập trung, mương thủy lợi, chợ… Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, THCS trên 95%, THPT trên 90%; người từ 15 tuổi trở lên độc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 98; tiếp tục quan tâm đào tạo lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số…

 

anh tin bai

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu kết luận

 Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị: các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện các chương trình MTQG theo trách nhiệm và thẩm quyền của mình theo phương châm “Không tiêu cực – không lãng phí – công khai – minh bạch”; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt dự án, dự toán các dự án để đẩy nhanh tiến thực hiện và giải ngân vốn theo đúng quy định hiện hành;; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo các chương trình, dự án được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đối tượng, phát huy hiệu quả đầu tư.  Thành lập Hội đồng thẩm định các cấp; Thường xuyên Kiểm tra, đốn đốc các đơn vị thực hiện kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023. Đối với các mỏ vật liệu xây dựng dung cho chương trình MTQG đã phê duyệt có thể dùng vật liệu thừa của dự án này cho dự án khác, tuy nhiêm công tác giám sát phải chặt chẽ, tránh xảy ra thất thoát.

Đối với các nội dung còn khó khăn, vướng mắc do phải chờ hướng dẫn của Trung ương giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp ý kiến của các ngành, các địa phương, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản đề xuất với các bộ, ngành trung ương. Các nội dung còn khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, yêu cầu các sở, ban, ngành khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành bổ sung các văn bản hướng dẫn, thành lập các tổ công tác liên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện các CTMTQG, đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ đối tượng, rõ nguồn kinh phí”. Các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cơ sở.

4. Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Phiên họp (trực tuyến) giải trình đối với 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thủy điện, giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nông Thanh Tùng, Hoàng Văn Thạch đồng chủ trì.

anh tin bai

Các đại biểu dự phiên họp.

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đang công tác tại các cơ quan tỉnh; lãnh đạo các ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến 10 điểm cầu Thường trực HĐND các huyện, Thành phố.

Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo phát biểu tiếp thu, làm rõ thêm một số nội dung xoay quanh các nhóm vấn đề đại biểu quan tâm. Cam kết tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị, địa phương tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời, nâng cao công tác tham mưu UBND tỉnh triển khai những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời thuộc các lĩnh vực thủy điện, giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính.

Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng đề nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thủy điện trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát toàn bộ các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, sớm tích hợp quy hoạch thủy điện vào quy hoạch tỉnh, kiến nghị dừng đầu tư, loại ra khỏi quy hoạch đối với những dự án được đánh giá không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống dân cư, không đảm bảo nguyên tắc sử dụng tài nguyên nước hợp lý; tập trung đẩy nhanh giải ngân đối với Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), nhóm các chương trình mục tiêu quốc gia, nhóm chương trình phục hồi và phát triển KT - XH đã được phê duyệt và giao vốn. Tiếp tục rà soát, tổng hợp, phân tích rõ nguyên nhân chậm giải ngân vốn các dự án. Tập trung giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc thuộc nguyên nhân chủ quan của tỉnh, ngành, địa phương.

5. Đồng chí Nguyễn Bích Ngọc, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự Hội nghị trực tuyến phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023. Hội nghị do đồng chí Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì.

anh tin bai

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng

6. Đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

* Làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh về tình hình thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ Quý I năm 2023.

anh tin bai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo kiểm tra thực tế địa điểm thực hiện Dự án Nhà máy nước sạch thị trấn Trà Lĩnh tại xã Quang Hán (Trùng Khánh).

Đoàn kiểm tra thực tế tại địa điểm thực hiện Dự án Nhà máy nước sạch thị trấn Trà Lĩnh tại xã Quang Hán do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, gồm 2 hạng mục chính là khu nhà máy xử lý nước và bể áp lực. Kiểm tra tình hình hoạt động xuất nhập khẩu và thực hiện các dự án tại Lối mở Nà Đoỏng và Dự án hạ tầng Cửa khẩu Trà Lĩnh gồm khu tái định cư và hệ thống đường giao thông. Đến nay Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh hiện hoàn thành công tác lập thiết kế bản vẽ thi công, chuyển các cơ quan thẩm tra, thẩm định và tiến hành đấu thầu theo quy định.

Tại các địa điểm kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng. Đồng thời nhấn mạnh, các dự án đoàn đến kiểm tra nắm tình hình đều là những dự án quan trọng trong phát triển KT-XH không chỉ của huyện Trùng Khánh mà của cả tỉnh, đề nghị các cơ quan nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án, đảm bảo theo tiến độ, kế hoạch đề ra.

Tiếp đó, đoàn làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán thu ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2023 tại Trạm kiểm soát liên hợp Trà Lĩnh (Trùng Khánh).

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo đề nghị trước tình hình kết quả giải ngân trong 5 tháng đầu năm, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cần tập trung nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Đối với các dự án đầu tư yêu cầu không chỉ Ban Quản lý Khu kinh tế mà các sở, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Các lực lượng liên ngành tại các cửa khẩu thực hiện tốt việc quản lý thu ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, làm tốt công tác quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu đảm bảo tích hợp, hài hòa với quy hoạch chung của tỉnh...

* Chủ trì họp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chuẩn bị kỳ thi và phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo công tác chuẩn bị, dự kiến phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

 
anh tin bai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo phát biểu kết luận cuộc họp.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh nhấn mạnh: Việc tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, cần phải có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đảm bảo công tác y tế, giao thông, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, điện, nước; tăng cường công tác thanh tra, giám sát...

Đề nghị Tỉnh đoàn Thanh niên thực hiện chương trình “Tiếp sức mùa thi”, cần phối hợp với Sở GD&ĐT, các huyện, thành phố huy động lực lượng thanh niên hỗ trợ. Đối với cấp huyện, trong tuần tới, đề nghị thành lập BCĐ phân công các thành phần tham gia; phối hợp chỉ đạo cấp cơ sở, xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền nắm rõ địa điểm thi, huy động đoàn thể, nhân dân cùng tham gia hỗ trợ kỳ thi.

Các cơ quan báo chí chủ động tổ chức tuyên truyền, phản ánh đầy đủ, kịp thời các nội dung về kỳ thi. Ngành giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương nơi diễn ra kỳ thi làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, nhất là các phương án ứng phó khi có mưa lũ xảy ra.

Sở GD&ĐT là cơ quan thường trực BCĐ cần tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của đại biểu, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức kỳ thi; rà soát lại việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ để có sự điều chỉnh phù hợp, sớm hoàn thiện dự thảo, các nội dung cần có lộ trình, thời gian và công tác phối hợp, đến ngày 15/6 hoàn thành kế hoạch cụ thể.

* Chủ trì cuộc họp bàn tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc nâng công suất khai thác của các mỏ đang có Giấy phép khai thác còn hiệu lực; đẩy nhanh các thủ tục cấp phép khai thác đối với các mỏ đã trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 36 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực. Công suất các mỏ chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng vật liệu phục vụ cho các công trình nói chung và công trình giao thông nói riêng. Tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng xảy ra ở hầu hết các huyện nhưng chủ yếu là 3 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Hạ Lang. Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức 5 cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại 20 mỏ. Đến nay mới chỉ cấp phép khai thác được 6 mỏ, 14 mỏ đã được cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, đang thực hiện các bước cấp chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, cơ bản các mỏ đều vướng mắc thủ tục “Chấp thuận việc thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện Dự án” một số dự án chưa thể thỏa thuận được với người dân có đất dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, chậm đưa mỏ vào khai thác.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành đã thông tin về quy trình cấp phép khai thác khoáng sản đối với 01 mỏ theo quy định là rất nhiều thủ tục, ước tính khoảng 9 bước, thời gian hoàn tất các thủ tục từ 1,5 năm đến 2 năm. Điều này là yếu tố khách quan ảnh hưởng đến tiến độ cấp phép. Đối với các mỏ đã được cấp phép hoạt động khai thác đang còn hiệu lực, với công suất thấp khi cần nguyên liệu phục vụ cho các công trình, không có cơ chế nâng công suất khai thác. Đồng thời, để triển khai cấp điều chỉnh giấy phép tăng công suất phải thực hiện nhiều quy trình từ điều chỉnh chủ trương đầu tư, lập lại cáo cáo đánh giá tác động môi trường đến điều chỉnh thiết kế khai thác…

 Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo, đồng ý cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh công suất khai thác nếu có đủ điều kiện về trữ lượng, thiết bị máy móc đáp ứng thì khẩn trương lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh Chủ trương đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, xin ý kiến các ngành theo quy định. Các doanh nghiệp chủ động nộp hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh công suất trong phạm vi cho phép, không điều chỉnh nhiều về công năng. Các sở, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ lập thủ tục hồ sơ nâng công suất khai thác, cắt giảm thời gian giải quyết đối với các mỏ có nhu cầu để sớm đưa vào khai thác, cung cấp vật liệu cho các công trình của tỉnh.

 Đối với các mỏ đã trúng đấu giá quyền khai khoáng sản, các ngành cần vào cuộc quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác để sớm đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu ngày càng tăng cao như hiện nay.

 UBND các huyện rà soát, phối hợp Chủ đầu tư khẩn trương đánh giá nhu cầu sử dụng đất của các dự án với chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; hỗ trợ, đôn đốc, hợp tác và cử cán bộ các phòng ban chuyên môn liên quan đến thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan đến vật liệu xây dựng.

7. Đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

* Chủ trì Hội nghị đánh giá tiến độ tổng thể của dự án, định hướng một số hoạt động trọng tâm năm 2023.

Dự án CSSP được triển khai từ năm 2017 đến nay với tổng ngân sách 36,27 triệu UDS, trong đó, vốn ODA của IFAD 21,25 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 8,882 triệu USD, phần vốn đối ứng của người hưởng lợi 6,138 triệu USD. Đến nay, dự án đã giải ngân 625,4 tỷ đồng, đạt 76,9% so với tổng mức đầu tư được phê duyệt, trong đó, nguồn vốn vay IEAD 385,3 tỷ đồng, đạt 80,95%; nguồn vốn đối ứng của Chính phủ 86,774 tỷ đồng, đạt 77,45%. Từ đầu năm đến ngày 19/5/2023 giải ngân 5,92 tỷ đồng, đạt 9,81% kế hoạch. Toàn tỉnh thành lập và củng cố duy trì hoạt động 718/800 nhóm đồng sở thích (CIG), đạt 89,75% với 8.873 người dân tham gia, trong đó, thành viên nữ chiếm 64%; hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 66%; 643/718 nhóm được dự án tài trợ thông qua Quỹ đồng tài trợ cạnh tranh (CSA) với tổng kinh phí 43,5 tỷ đồng.

 
anh tin bai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận, đồng chí Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án CSSP đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện chỉ đạo các xã vùng dự án khẩn trương triển khai các kế hoạch được phê duyệt; Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Ban điều phối rà soát phân bổ số tiền thực hiện hoàn thành nội dung đối ứng đối với ngân sách. Ban Quản lý dự án phối hợp với các cơ quan liên quan điều chỉnh dự án đảm bảo theo quy trình hiện hành; xây dựng và hoàn thiện kế hoạch thực hiện theo Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 07/6/2022 của UBND tỉnh về thực hiện chiến lược kết thúc Dự án CSSP. Ban điều phối chủ động thực hiện lộ trình kết thúc dự án tại các đơn vị. UBND các huyện chỉ đạo phòng, ban chuyên môn, các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán các công trình theo quy định; khẩn trương xây dựng Quy chế hoạt động Quỹ CSA…

* Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN)

Cuộc họp quán triệt Dự thảo Báo cáo công tác tuyên truyền, vận động HMTN giai đoạn 2022-2023 và phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023; Kế hoạch tổ chức chương trình "Hành trình Đỏ" năm 2023; Báo cáo tổng hợp danh sách tập thể, cá nhân đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và Ban Chỉ đạo HMTN tỉnh tặng giấy khen có thành tích trong công tác tuyên truyền, vận động tham gia HMTN giai đoạn 2022-2023.

anh tin bai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy phát biểu kết luận cuộc họp.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị để triển khai thực hiện; tích cực tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân nhận thức về tính nhân văn, nhân đạo của việc HMTN. Hội Chữ thập đỏ, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thời gian, địa điểm tổ chức hiến máu, tham mưu các giải pháp phấn đấu đạt kế hoạch đề ra. Tổng hợp, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia HMTN nhiều lần để động viên kịp thời.

D.L

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1