Phát triển thương mại điện tử, tạo động lực thúc đẩy kinh tế số
Lượt xem: 322

Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Bắt nhịp xu hướng này, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Căn cứ Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia được Chính phủ phê duyệt, nhằm mục tiêu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về phát triển TMĐT phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 với các nội dung đã và đang được triển khai như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TMĐT, nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; tăng cường năng lực hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa trong tỉnh, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp;...

anh tin bai

Sở Công Thương chủ trì tổ chức các lớp tập huấn đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển TMĐT, hàng năm, Sở Công Thương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, đội ngũ thực thi pháp luật về TMĐT; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TMĐT, cập nhật tình hình phát triển của TMĐT trong nước và thế giới. Từ năm 2019 đến nay, phối hợp với đơn vị thuộc Bộ Công Thương tổ chức 04 lớp tại thành phố Cao Bằng cho gần 400 học viên là cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT http://online.gov.vn của Bộ Công Thương, nhằm quản lý tốt hơn các trang/cổng thông tin điện tử hoạt động bán hàng trên website TMĐT của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, có 120/125 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương đã được triển khai ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh Cao Bằng và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT bằng việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật và đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh ứng dụng các giải pháp TMĐT vào sản xuất, kinh doanh. Năm 2022-2023, tổ chức 36 lớp tập huấn kỹ năng ứng dụng TMĐT tại các huyện cho 1.300 học viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã; các hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động, sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; triển khai các Đề án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh xây dựng các phần mềm giải pháp TMĐT như: phần mềm quản lý dữ liệu cho 05 đơn vị (năm 2019); hệ thống tiếp thị đa kênh hỗ trợ xúc tiến bán hàng Online cho 07 đơn vị (năm 2020); phần mềm quản lý bán hàng thông minh cho 12 đơn vị (năm 2021). Hiện nay, Sở Công Thương đang quản lý và vận hành 3 hệ thống phần mềm, đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, các nhà phân phối quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức trực tuyến, gồm: Bản đồ trực tuyến phân phối hàng Việt có địa chỉ http://caobang.etix.vn; Hệ thống hội chợ, triển lãm trực tuyến tỉnh Cao Bằng có địa chỉ http://caobang.ifair.vn; Cổng thông tin giao dịch TMĐT tỉnh Cao Bằng có địa chỉ http://caobangtrade.vn.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với các nền tảng TMĐT trong nước và quốc tế, Sở Công Thương đã tích cực tuyên truyền, thông tin về các chương trình, hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới với Amazon.com, thúc đẩy xuất khẩu thông qua sàn Alibaba.com,... do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức; Chương trình "Gian hàng Việt trực tuyến" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với các Sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm Sendo.vn, Voso.vn và Tiki.vn tổ chức. Triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử theo Kế hoạch số 2529/KH-UBND của UBND tỉnh; tuyên truyền, thông tin rộng rãi về chương trình phát triển cửa hàng số tỉnh Cao Bằng trên các sàn, cổng thông tin thương mại điện tử: Voso.vn, Postmart.vn, Caobangtrade.vn. Theo thống kê tại trang "tmdt.mic.gov.vn", hiện nay tỉnh Cao Bằng có 3.806 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT; số giao dịch trên sàn là 21.139 giao dịch, tỷ lệ giao dịch trên tài khoản active chiếm 21%. Hiện tại, có 164 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh được cập nhật, giới thiệu trên Cổng thông tin giao dịch TMĐT tỉnh Cao Bằng. Khi đưa sản phẩm lên các sàn, trang TMĐT, các đơn vị sản xuất kinh doanh tiếp cận được với khách hàng nhiều hơn, quảng bá rộng rãi thương hiệu sản phẩm ra với khách hàng trong và ngoài nước.

anh tin bai

Các sản phẩm nông sản được cập nhập, giới thiệu trên Cổng thông tin giao dịch TMĐT Cao Bằng

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, TMĐT là lĩnh vực mới, phát triển nhanh, nên nhiều cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế; trình độ năng lực của cán bộ quản lý, doanh nghiệp về công nghệ thông tin chưa theo kịp xu hướng phát triển; các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa quan tâm đầu tư đưa công nghệ thông tin vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển việc sử dụng các mạng xã hội (như: Facebook, Zalo) trong kinh doanh trực tuyến chưa được kiểm soát tốt, gây rất nhiều khó khăn cho việc triển khai các loại hình TMĐT qua các sàn, cổng thông tin điện tử hoạt động chính thức và được quản lý bởi các cơ quan chức năng…

Vì vậy, để đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến hơn nữa, các cấp, các ngành của tỉnh cần tăng cường nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số. Mục tiêu của tỉnh đề ra là đến năm 2025 có khoảng 40% dân số tại các vùng đô thị trên địa bàn tỉnh tham gia các hình thức mua sắm trực tuyến; 40% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm cả mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT…

Để đạt được những mục tiêu đó, trong thời gian tới: cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp, đồng thời, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong thương mại điện tử; khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ số nhằm cải tiến mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên để phát triển các ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh. Triển khai thí điểm và từng bước nhân rộng mô hình doanh nghiệp số đối với từng ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện của địa phương; rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện cho sự phát triển của thương mại điện tử, theo kịp với các bước tiến của công nghệ trong lĩnh vực này. đầu tư xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho TMĐT, bao gồm: phát triển hạ tầng thanh toán điện tử để giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt; Hệ thống quản lý trực tuyến hoạt động hoàn tất đơn hàng và vận chuyển cho TMĐT.

 

D.L





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1