Cao Bằng thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”
Lượt xem: 87

Sau giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bước vào giai đoạn tăng tốc của chuyển đổi số. Công cuộc này được triển khai nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc.

anh tin bai

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu chỉ đạo các nội dung thực hiện chuyển đổi số tỉnh

Đối với tỉnh Cao Bằng, ngay sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” được ban hành, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chương trình hành động số 56-CTr/TU ngày 06/5/2015 về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; ban hành Nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành hơn 40 Quyết định, Kế hoạch để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết; phê duyệt triển khai hơn 50 nhiệm vụ ứng dụng CNTT trọng điểm. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương nghiêm túc, quyết liệt triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện, hạ tầng kỹ thuật CNTT được đầu tư đồng bộ. Hạ tầng Bưu chính, Viễn thông phát triển đến tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, đến hầu hết các khu vực biên giới, 100% UBND cấp huyện và cấp xã, được kết nối Internet băng rộng cố định cáp quang và băng rộng di động 3G, 4G; 30% các xã có đài truyền thanh; 02 huyện được trang bị Cụm thông tin điện tử với màn hình LED cỡ lớn phục vụ công tác tuyên truyền tại biên giới (Trùng Khánh, Quảng Hòa); 100% huyện, xã có đường thư bưu chính. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 85,1%; số lượng hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang đạt 48,24%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 06 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; đã phát triển tổng số 1.136 vị trí trạm BTS (trong đó có: 806 trạm 2G; 939 trạm 3G và 1071 trạm 4G). Doanh nghiệp, người dân tiếp cận CNTT, sử dụng Internet ngày càng tăng, việc khai thác thông tin nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử và đời sống sinh hoạt đã trở thành nhu cầu thiết yếu.

anh tin bai

Người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng rộng rãi

Cơ quan nhà nước tỉnh đẩy mạnh triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh được đầu tư xây dựng; dữ liệu số đang từng bước được xây dựng, phát triển nhằm phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Đầu tư xây dựng Cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong 08 ngành, lĩnh vực quan trọng. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) cấp tỉnh đã được triển khai, hoạt động ổn định, đã kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẽ dữ liệu Quốc gia (NGSP) đáp ứng sẵn sàng khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối và giám sát bởi hệ thống giám sát của Cục Bưu điện Trung ương đến 100% UBND cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ trao đổi văn bản và xử lý công việc, kết nối liên thông 04 cấp (từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) tại 100% các cơ quan hành chính nhà nước. Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh hoạt động ổn định, phục vụ hơn 4.656 tài khoản người dùng. Chữ ký số chuyên dùng của cá nhân, cơ quan, đơn vị hoạt động ổn định. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai kết nối 04 cấp (từ Trung ương đến cấp xã) với 22 điểm cầu UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, 10 điểm cầu cấp huyện và 161 điểm cấp xã. Các ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp được chú trọng; Cổng, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước cung cấp cơ bản đủ các thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp theo quy định. Tính đến tháng 4/2024, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đang cung cấp 1.551 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần (trong đó: 379 dịch vụ công trực tuyến một phần; 1.172 dịch vụ công trực tuyến toàn trình). Nền tảng công dân số tỉnh; Nền tảng phân tích, tổng hợp dữ liệu tỉnh; Nền tảng điện toán đám mây thiết lập trung tâm dữ liệu phục vụ phát triển Chính quyền số tỉnh Cao Bằng đang được triển khai.

Các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Triển khai sử dụng nền tảng hỗ trợ điều phối, ứng cứu xử lý sự cố có địa chỉ https://Irlab.vn theo hướng dẫn của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông. Hệ thống giám sát an toàn thông tin tỉnh Cao Bằng (SOC) được triển khai để giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm, kịp thời các nguy cơ tấn công mạng cho máy tính tại các cơ quan, đơn vị, kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC). Đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ, phương án đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ. Thẩm định, phê duyệt cấp độ an toàn tin cho 08 hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

Nguồn nhân lực thực hiện công tác CNTT ngày càng được củng cố. Các cơ quan, đơn vị đã quan tâm bố trí nhân lực, phân công công chức, viên chức phụ trách công tác ứng dụng CNTT; thường xuyên đăng ký, cử nhân sự tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng cuối theo Chương trình của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức; ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh hàng năm.

anh tin bai

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính

Trong những năm tới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ứng dụng, phát triển CNTT là yêu cầu cấp thiết, bắt buộc, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong cải cách hành chính nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời là chìa khóa để người dân tiếp cận với khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhìn nhận, xác định được xu thế đó, trên cơ sở nền tảng các kết quả đạt được sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số toàn diện trên cả 03 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tiếp tục chuyển đổi để nâng cao vị trí của tỉnh so với các địa phương khác trong Bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số hằng năm; hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Dương Liễu - Nguyễn Mai

 

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1