Toàn văn Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Lễ Khai mạc Hội nghị APNG 8
Lượt xem: 106

Tại Phiên khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNG 8) năm 2024, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dự và có bài phát biểu chỉ đạo. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng xin trân trọng gửi tới quý độc giả toàn văn phát biểu!

anh tin bai

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên khai mạc

Kính thưa Ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng!

Kính thưa lãnh đạo các ban ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, lãnh đạo các địa phương!

Thưa Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên!

Thưa các Quý vị đại biểu!

Thưa các vị khách quý!

Hôm nay, tôi rất vui mừng thay mặt Chính phủ Việt Nam dự “Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương” tại CVĐC Non nước Cao Bằng. Vốn là một vùng đất tươi đẹp, hùng vĩ, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, song trong những ngày qua, Cao Bằng cùng các tỉnh Bắc Bộ đang phải hứng chịu thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân do ảnh hưởng của siêu bão Yagi và hoàn lưu sau bão. Thay mặt Chính phủ, tôi xin chia sẻ những khó khăn, mất mát về người và của mà nhân dân Cao Bằng và các địa phương miền núi và trung du Bắc Bộ đang phải đối phó. Tôi đánh giá cao nỗ lực của Lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng như các địa phương khắc phục thiên tai, sớm ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân, tổ chức thành công Hội nghị quan trọng này.

Đồng thời, vượt qua những trở ngại của bão, lũ, sự tham dự đông đảo của chính các quý vị đại biểu trong nước và quốc tế thể hiện quyết tâm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và các thành viên UNESCO nói chung cùng hành động mạnh mẽ tăng cường vai trò của cộng đồng địa phương - một trong những giải pháp quan trọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững mà nhân loại đang nỗ lực hướng tới.

Là Tổ chức duy nhất của Liên hợp quốc trong lĩnh vực khoa học trái đất, UNESCO hơn 50 năm qua đã phát huy vai trò tiên phong đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao nhận thức và hành động xử lý hài hòa, bền vững mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Đặc biệt, chúng ta có thể tự hào những đóng góp thiết thực của Mạng lưới CVĐC toàn cầu trong việc tăng cường gắn kết, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản đặc biệt - di sản địa chất gắn với đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, vì phát triển của cộng đồng, sinh kế của người dân và phát triển bền vững ở khu vực và toàn cầu trong suốt hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, hợp tác chặt chẽ và
thực chất hơn nữa trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đẩy mạnh triển khai Chương trình nghị sự 2030 khi mà tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang ngày càng chậm lại, thậm chí thụt lùi. Theo Báo cáo của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững năm 2024 tháng 6 vừa qua, chỉ 17% mục tiêu là đang đi đúng hướng. Riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của chúng ta, nếu giữ nguyên tiến độ triển khai như hiện nay, phải đến năm 2062 mới có thể đạt được các cam kết đặt ra cho năm 2030.  

Nỗ lực xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và hướng tới tương lai thịnh vượng đang gặp nhiều khó khăn. Khủng hoảng về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học trở thành thách thức lớn nhất của thời đại, đe dọa nghiêm trọng mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển và an ninh của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Hệ lụy tàn khốc của những thảm họa siêu thiên tai như động đất, bão lụt, sạt lở, nắng nóng, hạn hán với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng chưa từng có, do tác động của biến đổi khí hậu như siêu bão Ampil ở Nhật Bản, cách đây mấy ngày là siêu báo Yagi tàn phá Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, đang cản trở các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm. Nếu không tìm ra lời giải để ứng phó hiệu quả với các thách thức đó, những thành quả phát triển của nhân loại chắc chắn sẽ bị kéo lùi.

CVĐC toàn cầu chính là một “lời giải” cho vấn đề toàn cầu này. Tôi chia sẻ thông điệp của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhân Ngày quốc tế về đa dạng địa chất: “Hiểu biết về địa chất giúp chúng ta khám phá quá khứ, sẵn sàng cho tương lai bất định và quản lý bền vững đất đai, sông ngòi, đại dương để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời di sản địa chất và đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng và là nền tảng cho quá trình chuyển đổi xanh, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo vừa giảm thiểu thiên tai”.

Thưa các Quý vị đại biểu,

Thế giới đang ở thời điểm hết sức then chốt. Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai tại New York để biến lời nói và những cam kết thành hành động cụ thể định hình tương lai bền vững và bao trùm hơn. Đây chính là lúc châu Á - Thái Bình Dương, với vai trò động lực quan trọng, trung tâm phát triển năng động và tự cường của thế giới, cùng chung tay đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức của thời đại, hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi thành viên, người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trên tinh thần đó, tôi đề nghị Hội nghị chúng ta thảo luận, làm rõ một số hướng hợp tác mới như sau:

Một là, cần xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về bảo tồn và phát huy giá trị công viên địa chất vì sự phát triển bền vững. Cần lồng ghép các nguyên tắc phát triển bền vững vào chính sách bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường tự nhiên và bản sắc văn hóa của cộng đồng; đồng thời gắn bảo tồn, quản lý CVĐC với chính sách phát triển bền vững, bao trùm ở cộng đồng, địa phương, quốc gia. Điều này đòi hỏi phải xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường; giữa giá trị truyền thống và hiện đại; giữa phát triển nội tại và hợp tác quốc tế… Việc gắn kết các danh hiệu, di sản UNESCO phục vụ phát triển bền vững như Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững (tổ chức tại Ninh Bình vào tháng 7/2023) do UNESCO bảo trợ là một hướng đi hiệu quả, cần nhân rộng.

Hai là, cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm hay, điển hình tốt, đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững CVĐC toàn cầu. Trong đó, cần tăng cường các Hội thảo chuyên đề, hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, bài học về xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách và mô hình quản lý hiệu quả, giám sát và bảo tồn di sản địa chất, di sản văn hóa, thúc đẩy du lịch bền vững, ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào quản lý công viên địa chất, giáo dục di sản…

Nhân dịp này, Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao Lãnh đạo UNESCO, Bà Trợ lý Tổng Giám đốc Lidia Brito và Ban Thư ký, thành viên Hội đồng quốc tế, Mạng lưới CVĐC toàn cầu, Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các chuyên gia đã luôn đồng hành, hỗ trợ các địa phương của Việt Nam trong xây dựng và phát triển 4 CVĐC toàn cầu tại Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông và Lạng Sơn. Đây đã thực sự trở thành các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo, gắn kết xã hội, bảo vệ môi trường, động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, nâng cao sinh kế của người dân.

Ba là, thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên và hợp tác quốc tế phát triển công viên địa chất toàn cầu gắn với phát triển bền vững. Cần thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin hiệu quả hơn nữa giữa các nhà hoạch định chính sách, viện nghiên cứu, giới học giả, doanh nghiệp, địa phương, người dân… trong lĩnh vực này; có các sáng kiến, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực, hợp tác giữa các CVĐC; thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công - tư. Đó là cơ sở để xây dựng cộng đồng vững mạnh, tự cường, lấy người dân - người sở hữu, trao truyền, thụ hưởng, bảo vệ và phát huy giá trị CVĐC làm trung tâm, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển; phát huy vai trò của phụ nữ, thanh niên và quan tâm tới đối tượng yếu thế trong quá trình phát triển.  

Bốn là, cần thúc đẩy tầm nhìn dài hạn 5 năm, 10 năm cho phát triển Mạng lưới CVĐC toàn cầu - một mạng lưới hợp tác quốc tế mạnh mẽ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà còn vì các thế hệ tương lai. Tôi trông đợi “Tuyên bố Cao Bằng” sẽ là văn kiện quan trọng đánh giá hoạt động của Mạng lưới hai thập kỷ qua, đề xuất định hướng hợp tác trong thập kỷ tới, nhất là năm sau sẽ kỷ niệm 10 năm “Chương trình CVĐC toàn cầu” của UNESCO (2015 - 2025).

Thưa các Quý vị đại biểu,

Tôi tin rằng với trí tuệ, tâm huyết và đóng góp quý báu từ các đại biểu, những gì chúng ta trao đổi tại Hội nghị lần này và nhiều sáng kiến, dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho định hướng hợp tác về CVĐC toàn cầu sẽ đệ trình Kỳ họp 220 Hội đồng chấp hành sắp tới, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hợp quốc cũng như Kỳ họp 42 Đại hội đồng UNESCO vào năm 2025.

Chỉ bằng cách chung tay hành động, chúng ta mới có thể dành cho con cháu chúng ta một tương lai tốt đẹp và phồn vinh.

Với tất cả ý nghĩa và tầm quan trọng như trên, tôi trân trọng tuyên bố khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Cao Bằng.

Xin chúc sức khỏe các Quý vị đại biểu, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

P.V (ghi)

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1