Toàn văn bài phát biểu Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh, tại Lễ Khai mạc Hội nghị APNG 8 năm 2024 tại Cao Bằng
Lượt xem: 104

Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APNG 8) năm 2024 tại Cao Bằng, sáng 12/9/2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Lễ Khai mạc Hội nghị APNG 8 với chủ đề  “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC”.  Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị APNG 8 tại sự kiện quan trọng này.

anh tin bai

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu khai mạc Hội nghị APNG 8

Kính thưa Ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam!

Kính thưa Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam!

Kính thưa Bà Lidia Brito (Li đi a  Bờ rít tô), Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên!

Kính thưa Ông Nickolas Zouros (Níc câu látx  Dâu rốtx), Chủ tịch Mạng lưới CVĐC toàn cầu!

Kính thưa Ông Jin Xiaochi (Chin Xiao Chi), Điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương!

Kính thưa Ông Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng!

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý! Thưa toàn thể Hội nghị!

Thay mặt cho Chính quyền Nhân dân tỉnh Cao Bằng, tôi nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu đến tham dự Hội nghị APNG 8 tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Kính chúc quý vị đại biểu, khách quý sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Hội nghị APGN được tổ chức luân phiên 02 năm một lần tại các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị APGN lần thứ 8 là sự kiện có quy mô lớn với hơn 800 đại biểu, trong đó có hơn 480 đại biểu quốc tế tham dự. Với chủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC” cùng nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, thiết thực, tôi tin tưởng rằng Hội nghị sẽ tìm ra nhiều giải pháp hữu ích trong việc xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC toàn cầu giữa các thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản hướng tới phát triển bền vững.

Non nước Cao Bằng vinh dự là địa phương thứ hai tại Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và Mạng lưới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ tháng 4/2018. Từ đó đến nay, Cao Bằng luôn tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động của Mạng lưới. Vào tháng 9/2022, tại Hội nghị APGN lần thứ 7 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Satun, Thái Lan, CVĐC Non nước Cao Bằng vinh dự được lựa chọn là địa phương đăng cai Hội nghị APGN lần thứ 8. Việc đăng cai Hội nghị khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của CVĐC Non nước Cao Bằng nói riêng, Mạng lưới CVĐC Việt Nam nói chung trong các hoạt động của Mạng lưới CVĐC khu vực và toàn cầu; đồng thời, khẳng định quyết tâm của địa phương trong việc phát triển danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Nhận thức rõ việc tổ chức Hội nghị không chỉ là trách nhiệm của địa phương, tỉnh Cao Bằng đã mời Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Bộ Ngoại giao - đồng chủ trì Hội nghị, qua đó cùng đồng hành với Cao Bằng trong việc kết nối các Công viên địa chất toàn cầu trong Mạng lưới Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan phối hợp tổ chức Hội nghị.

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

Cao Bằng được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh cùng kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, các di sản địa chất độc đáo có giá trị, trong đó 102 di tích được xếp hạng (03 di tích Quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp Quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh), 02 bảo vật Quốc gia, hơn 2.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được tư liệu hoá, trong đó có 07 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

CVĐC Non nước Cao Bằng là nơi lưu giữ những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi trên 500 triệu năm của trái Đất. Hoạt động địa chất qua hàng trăm triệu năm đã kiến tạo nên dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức độc đáo, đa dạng, cùng với hệ thống hang động, sông ngòi phong phú, trong đó nổi bật là Thác Bản Giốc được các hãng thông tấn, báo chí thế giới vinh danh là một trong 4 thác nước lớn trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia; là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Álà thác nước nằm trong top 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới; Danh thắng động Ngườm Ngao được thiên nhiên ưu ái với hệ thống nhũ đá độc đáo, đặc sắc đan xen nhau tạo thành mê cung diệu kì; Quần thể hồ Thăng Hen với hệ thống hang động ngầm có giá trị quan trọng trong nghiên cứu khoa học,… Bên cạnh đó, nơi đây còn chứa đựng những giá trị nổi bật về hệ sinh thái với sự hiện diện của nhiều giống loài quý hiếm như: Vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén với đặc trưng rừng rêu và đa dạng sinh học với trên 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý hiếm.... Đến với CVĐC Non nước Cao Bằng, du khách có thể tìm hiểu về lịch sử hình thành địa chất và nền văn hóa đậm đà bản sắc thông qua bốn “tuyến đường trải nghiệm” với những giá trị đặc trưng, riêng biệt.

Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn kiên định mục tiêu phát triển CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng gắn với bảo tồn các giá trị di sản, tài nguyên môi trường, bảo tồn nghề truyền thống, phát triển du lịch bền vững và giáo dục thế hệ tương lai, phát triển mạng lưới đối tác, chung tay vì cộng đồng phát triển vững mạnh.

Để góp phần quảng bá, giới thiệu về danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO tới du khách trong nước và quốc tế, tỉnh Cao Bằng đã lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động chính trong khuôn khổ Hội nghị như các phiên Hội thảo chuyên đề, gian hàng quảng bá các CVĐC, đặc biệt là các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc qua đó góp phần quảng bá về các giá trị của CVĐC Non nước Cao Bằng và các Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Việt Nam được UNESCO ghi danh.  

          Trong thời gian tham gia Hội nghị tại Cao Bằng, đặc biệt là trong quá trình tham gia hoạt động khảo sát thực địa các tuyến trải nghiệm CVĐC Non nước Cao Bằng, hy vọng quý vị có thể cảm nhận phần nào về vùng đất và con người nơi đây, cũng như những hoạt động của CVĐC đã và đang mang lại những thay đổi tích cực đối với cộng đồng địa phương.

Để Hội nghị APGN lần thứ 8 phát huy được vai trò là sự kiện quan trọng của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỉnh Cao Bằng mong muốn các đại biểu, các thành viên của Mạng lưới cùng tập trung trí tuệ tập thể và trách nhiệm để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về xây dựng và phát triển CVĐC. Từ đó, cùng tìm ra những giải pháp cho những thách thức toàn cầu đang đặt ra hiện nay, đặc biệt là tăng cường vai trò của cộng đồng địa phương, chủ thể của các CVĐC trong các hoạt động bảo tồn, xây dựng và phát huy giá trị CVĐC vì một cộng động phát triển vững mạnh.

Một lần nữa, thay mặt cho Lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Cao Bằng, xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương đã hỗ trợ tỉnh Cao Bằng trong công tác tổ chức Hội nghị; đặc biệt là Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam - Bộ Ngoại giao - với vai trò đồng chủ trì Hội nghị!

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Tổ chức UNESCO; Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO; Mạng lưới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Mạng lưới CVĐC Việt Nam; Các thành viên Ban cố vấn, Hội đồng Khoa học, Ban tổ chức, các Tiểu ban chuyên môn, Tổ giúp việc, tình nguyện viên, ... đã cùng chung tay để Cao Bằng có thể tổ chức Hội nghị APGN lần thứ 8 ngày hôm nay!

          Kính chúc quý vị đại biểu, khách quý sức khỏe, hạnh phúc và có nhiều trải nghiệm thú vị và đáng nhớ tại miền Non nước Cao Bằng.    

          Trân trọng cảm ơn!

 

P.V (ghi)





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1