Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ vùng dân tộc thiểu số tại huyện Bảo Lâm
Lượt xem: 13

“Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng”, đó là khẳng định, đánh giá của Bác Hồ về bản chất, nguồn gốc sức mạnh của Đảng, vai trò, mối liên hệ mật thiết giữa chi bộ với quần chúng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng, trình độ mỗi đảng viên và là cơ sở, môi trường để phát huy dân chủ trong Đảng. Đặc biệt, đối với các địa phương miền núi, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, chi bộ đảng chính là “trụ cột” cho sự phát triển của mỗi bản làng. 

Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở

Bảo Lâm là huyện vùng cao, biên giới khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng, với dân số trên 66 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 98%. Đảng bộ huyện có 38 tổ chức cơ sở Đảng với 3.830 đảng viên. Xác định việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nhằm củng cố, tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, những năm qua, bên cạnh việc chỉ đạo cấp ủy các cấp thực hiện tốt các kết luận, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Huyện uỷ Bảo Lâm đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

anh tin bai

Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Đoàn Trọng Hùng dự sinh hoạt tại Chi bộ xóm Đon Sài, xã Nam Quang

Bí thư Huyện uỷ Bảo Lâm Đoàn Trọng Hùng cho biết: “Xác định việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ vùng dân tộc thiểu số đối với huyện Bảo Lâm - huyện có đến hơn 98% đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, Đảng bộ huyện Bảo Lâm đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 04/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2021-2025.

Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, bí thư chi bộ và đảng viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng được nâng lên; hầu hết các cấp ủy, chi bộ đã duy trì thường xuyên và đều đặn chế độ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ đúng theo quy định của Điều lệ Đảng. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đã góp phần tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, ý thức, trách nhiệm của đảng viên”.

Đảng bộ huyện Bảo Lâm là một trong những đơn vị luôn quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là các chi bộ ở thôn, bản. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các chi bộ ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện luôn chấp hành nghiêm việc sinh hoạt chi bộ định kỳ, đổi mới phương pháp, cách tổ chức, xây dựng dự thảo nghị quyết ngắn gọn, nhưng đầy đủ các nội dung, chỉ tiêu, biện pháp, kết quả thực hiện nhiệm vụ…; phát huy dân chủ trong đóng góp ý kiến, từ đó phát huy tốt vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, tiên phong gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.

Bí thư Chi bộ xóm Đon Sài, xã Nam Quang Ma Thế Vinh chia sẻ: “Thực hiện hướng dẫn và chỉ đạo của Đảng uỷ xã, chi bộ thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần. Chi bộ xóm có 56 đảng viên, trước khi tổ chức sinh hoạt chi bộ sẽ thông báo đến từng đảng viên về thời gian sinh hoạt, nên số lượng đảng viên tham gia luôn đạt 100%. Tại các cuộc sinh hoạt chi bộ sẽ thông báo đến đảng viên những văn bản mới của cấp trên. Lồng ghép các nội dung chỉ đạo về công tác phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn xóm. Góp phần vào sự phát triển chung của xã, của huyện nhà”.

Tiếp tục xây dựng chi bộ cơ sở vững mạnh

Thực tế hiện nay cho thấy, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn một số khó khăn. Trước hết là công tác phát triển đảng ở các chi bộ vùng sâu, vùng xa thực sự không dễ dàng. Do đặc thù của địa bàn vùng khó, địa hình bị chia cắt bởi đồi núi, sông, suối, dân cư thưa thớt nên việc tập hợp đảng viên tham gia sinh hoạt định kỳ cũng gặp nhiều khó khăn. Ý thức của một bộ phận đảng viên về tinh thần tự giác còn hạn chế.

Nhận thức được những hạn chế đó, Đảng bộ huyện Bảo Lâm luôn coi trọng việc xây dựng và củng cố chi bộ, trong đó tập trung vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ, chi ủy; nâng cao chất lượng điều hành sinh hoạt chi bộ; phân công công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ trong chi ủy. Đây là khâu quan trọng trong sinh hoạt chi bộ, căn cứ vào chương trình sinh hoạt theo hướng dẫn số 15-HD/TU, ngày 12/11/2018 của Tỉnh ủy Cao Bằng, Bí thư chi bộ phải lựa chọn các nội dung của buổi sinh hoạt thường kỳ hoặc chuyên đề phù hợp, thông qua chi ủy để thống nhất và phân công cho chi ủy viên chuẩn bị. Tăng cường công tác kiểm điểm đảng viên, bám sát Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Nam Quang Ma Thị Hiền chia sẻ: “Những năm qua, Đảng bộ xã Nam Quang luôn chú trọng đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ theo chỉ đạo của Đảng uỷ cấp trên, Đảng uỷ xã đã phân công các uỷ viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành trực tiếp tham gia sinh hoạt cùng chi bộ nhằm thực hiện tốt công tác hướng dẫn, giúp đỡ các chi bộ còn lúng túng trong các nội dung sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề. Tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhân dân xã Nam Quang tập trung trồng trọt và chăn nuôi cây, con mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, xã như: Trồng cây keo lai, cây xoan ta, sa mộc, hồi, quế, sả… nuôi lợn đen, gà đen, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo… chú trọng nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm.  Nhờ vậy mà hiện nay, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là sản phẩm kết tinh từ phương châm “Cán bộ, đảng viên đi trước, dân làng theo sau”.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Huyện uỷ Bảo Lâm về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nền nếp sinh hoạt chi bộ cơ bản được duy trì đúng quy định; quy trình, cách thức, phương pháp điều hành buổi sinh hoạt chi bộ của các đồng chí Bí thư chi bộ bám sát theo hướng dẫn; nội dung sinh hoạt từng bước được đổi mới, gắn với nhiệm vụ của chi bộ. Trong sinh hoạt chi bộ đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình. Thông qua sinh hoạt chi bộ, đảng viên ngày càng nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, rèn luyện thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định Điều lệ Đảng và nhiệm vụ do chi bộ phân công. Sinh hoạt chuyên đề được các cấp uỷ quan tâm, định hướng nội dung sinh hoạt bám sát theo hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên.

Để tiếp tục xây dựng các chi bộ Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh, phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị tại cơ sở. Bí thư Huyện uỷ Bảo Lâm Đoàn Trọng Hùng cho biết: Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức cho cấp ủy đảng, đảng viên về vị trí, vai trò của chi bộ; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, duy trì nề nếp sinh hoạt chi bộ, chi ủy; nâng cao chất lượng điều hành sinh hoạt chi bộ; phân công công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ trong chi ủy. Bởi vì, nội dung sinh hoạt phù hợp là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xác định nội dung sinh hoạt phù hợp phải trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Bí thư chi bộ phải lựa chọn các nội dung của buổi sinh hoạt thường kỳ hoặc chuyên đề phù hợp, thông qua chi ủy để thống nhất và phân công cho chi ủy viên chuẩn bị. Trong sinh hoạt chi bộ phải chú trọng thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình trên tinh thần đoàn kết, dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Thứ hai , Thực hiện tốt công tác đảng viên nhằm bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống và nâng cao trình độ mọi mặt cho đảng viên. Phải tăng cường quản lý đảng viên, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật trong sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy cần kịp thời nắm bắt tư tưởng, năng lực, sức khỏe và hoàn cảnh của đảng viên trong chi bộ để tiến hành có hiệu quả việc phân công, giao nhiệm vụ và kiểm tra công tác, kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Đảng của đảng viên một cách cụ thể. Những đảng viên tham gia không thường xuyên, thiếu tích cực, ngại phát biểu ý kiến xây dựng thì phải chỉnh đốn, nhắc nhở kịp thời. Đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cấp ủy cấp trên và chi ủy cần gương mẫu trong thực hiện chế độ sinh hoạt, trong tự phê bình và phê bình để đảng viên và cán bộ cấp dưới noi theo.

Đồng thời, hết sức chú trọng nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên, nhất là ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo.

Thứ ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên trong việc chấp hành chế độ sinh hoạt chi bộ đối với các tổ chức đảng trực thuộc theo Hướng dẫn số 14-HD/TU ngày 03/8/2023 của Tỉnh uỷ Cao Bằng về xây dựng mô hình “Đảng bộ 4 tốt, Chi bộ 4 tốt” đó là: Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt.

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao chất lượng và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Thông qua đó phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong đời sống xã hội, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, động viên Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh.  

 

D.L





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1