Nữ chiến sỹ cộng sản kiên cường Nguyễn Thị Minh Khai
Lượt xem: 2793

Cuộc đời phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tấm gương hy sinh anh dũng của chị Nguyễn Thị Minh Khai luôn sáng ngời cho muôn thế hệ mai sau.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – một trong những cán bộ kiên cường lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 11/1940.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vĩnh, sinh ngày 30/9/1910, trong một gia đình viên chức tại thành phố Vinh (Nghệ An). Thừa hưởng những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình và truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm của quê hương xứ Nghệ, ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Thị Minh Khai đã nặng lòng với nỗi khổ đau của những người lao động lầm than, đặc biệt là của những người phụ nữ làm công nhân tại Nhà máy diêm Bến Thủy, nơi không xa ngôi trường Tiểu học Cao Xuân Dục mà đồng chí theo học lúc thiếu thời. 

Năm 1927, khi mới 17 tuổi, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng và được tổ chức phân công làm công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ ở Vinh. Vượt lên định kiến xã hội, đồng chí đã tham gia tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức hoạt động trong giới phụ nữ; tích cực xuống các làng, xã xung quanh thành phố Vinh tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân, vận động tổ chức ra Nông hội. Những hoạt động sôi nổi của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng các đồng chí khác đã thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng ở Vinh mạnh lên, tạo ra bước chuẩn bị rất quan trọng cho sự ra đời của các chi bộ cộng sản. 

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí được kết nạp, trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy thuộc tỉnh Nghệ An và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Nhờ phương pháp tuyên truyền khoa học, vừa mềm dẻo, vừa sâu sát, đồng chí đã vận động nhiều phụ nữ hăng hái tham gia, xây dựng phong trào yêu nước, trở thành những hạt giống đỏ, những đảng viên ưu tú của Đảng. Bên cạnh đó, đồng chí còn tham gia tổ chức nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng, tạo ra lực lượng nòng cốt của phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. 

Tháng 3/1930, đồng chí được cử sang Hương Cảng, Trung Quốc, công tác ở Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, nhận nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước. Thời gian này, Nguyễn Thị Minh Khai đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện lý luận và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng chí đã kiên trì tự học và biết sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp. Mặc dù đang hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn luôn theo dõi và góp phần chỉ đạo phong trào phụ nữ ở trong nước, đặc biệt là phong trào cách mạng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. 

Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, cách mạng Việt Nam rơi vào thoái trào do khủng bố trắng của thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng với các đồng chí của mình vẫn kiên trì hoạt động, giữ vững tinh thần để nhen nhóm lại ngọn lửa cách mạng, vượt qua khó khăn gian khổ, hy sinh để hoàn thành trọng trách mà cách mạng Việt Nam và Quốc tế Cộng sản giao phó là khôi phục phong trào cách mạng Việt Nam, lập lại các cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Tháng 4/1931, đồng chí bị cảnh sát Anh ở Hồng Kông bắt và giao cho chính quyền Quốc dân Đảng ở Quảng Châu. Trước kẻ thù, dù bị chúng tra tấn tàn bạo, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, không khai báo, làm lộ tổ chức. Trong bức thư ngắn gửi cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thị Minh Khai đã viết: “Dù bị tra tấn cùm kẹp, quyết không khai. Các anh yên tâm”. Nhờ sự vận động của Quốc tế Cứu tế Đỏ, năm 1933, Nguyễn Thị Minh Khai được thả tự do. 

Ra khỏi nhà tù, đồng chí đã đến Thượng Hải tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng. Sau bao công phu, lặn lội, đồng chí đã nối liên lạc được với các đồng chí: Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn… Cũng từ đây, mối tình cao đẹp giữa hai người cộng sản trẻ tuổi cùng quê hương xứ Nghệ đã nảy nở. Lễ kết hôn của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai được tổ chức giản dị, ấm tình đồng chí trên đất Trung Quốc. 

Tháng 8/1935, đồng chí là đại biểu chính thức tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ 7 Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva. Tiếp đó, đồng chí tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ 6 Quốc tế Thanh niên cộng sản. Trong thời gian từ năm 1935 đến năm 1936, đồng chí theo học khóa ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông. Việc Nguyễn Thị Minh Khai được Ban Chỉ huy ở ngoài chọn cử vào Đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội lần thứ 7 Quốc tế Cộng sản - diễn đàn lớn nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ, không chỉ là một vinh dự lớn lao, mà còn là sự ghi nhận, đánh giá cao của những người cộng sản Đông Dương đối với những hoạt động và đóng góp của người nữ chiến sĩ cộng sản trong quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng.

Năm 1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được phân công về công tác tại Sài Gòn, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ và làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhận nhiệm vụ mới, hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn do sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù, nhưng nữ Bí thư Thành ủy vẫn luôn bám sát cơ sở, lãnh đạo phong trào phát triển mạnh mẽ và luôn nhận được sự tin yêu, giúp đỡ của đồng chí, đồng bào. Những ngày đấu tranh thành lập Mặt trận Dân chủ chống chiến tranh và chống phát xít ở Sài Gòn, Nguyễn Thị Minh Khai đã sát cánh cùng chồng là đồng chí Lê Hồng Phong và nhiều đồng chí khác lãnh đạo phong trào Nhân dân đấu tranh chống bọn phản động, đòi quyền tự do, dân chủ, dân sinh và hòa bình…, tham gia thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tham gia các cuộc bút chiến trên Báo Dân chúng. Đồng chí là diễn giả xuất sắc của nhiều cuộc hội nghị, mít tinh lớn ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trước sự theo dõi và truy lùng gắt gao của bọn mật thám Pháp, Nguyễn Thị Minh Khai phải rút vào hoạt động bí mật. Ngày 30/7/1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy Nam Kỳ bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt. Chúng giam đồng chí tại Khám Lớn - Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man. Không run sợ trước sự tàn bạo của kẻ thù, trong tù đồng chí tiếp tục vận động chị em phụ nữ đấu tranh. Với cương vị là Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tìm mọi cách liên lạc với bên ngoài và tiếp tục tham gia chỉ đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Sài Gòn - Chợ Lớn. 

Không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi, sáng ngày 26/8/1941, thực dân Pháp đã giết hại đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng với một số đồng chí trung kiên khác của Đảng ta ở huyện Hóc Môn. Trước pháp trường, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn hướng về phía đồng bào nói lời tâm huyết: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn cho Tổ quốc chúng tôi được độc lập, dân chúng tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì… Chúng ta phải tiêu diệt đế quốc, phong kiến thì đời sống mới sung sướng được”.

Sinh ra, lớn lên, hoạt động yêu nước ở quê hương Nghệ An, hoạt động cách mạng sôi nổi, xuất sắc ở Trung Quốc, Liên Xô; trở thành nhà lãnh đạo ưu tú của Nam Bộ, của Sài Gòn - Chợ Lớn và oanh liệt ngã xuống trên mảnh đất này cùng người chồng yêu quý của mình, Nguyễn Thị Minh Khai được Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng, tôn vinh vào bậc “tiên liệt” cách mạng. Người đã khẳng định “máu xương của các bậc tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Thời gian có lùi xa, nhưng tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản trường tồn với non sông đất nước, sống mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam chúng ta, mãi mãi xuân sắc như độ tuổi ngã xuống của đồng chí, tô thắm thêm truyền thống anh hùng cách mạng của đất và người Việt Nam.

 

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1