Lễ hội Xuân tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc
Lượt xem: 36

Trong tiết Xuân, tạo vật sinh sôi, trời đất giao hòa, non nước Cao Bằng lại tưng bừng diễn ra Lễ hội cổ truyền Pháo hoa Quảng Uyên, Hội tranh đầu pháo  thị trấn Đông Khê (Thạch An). Lễ hội đã tồn tại trong tâm thức của người dân và trở thành nét đẹp tinh thần không thể thiếu mỗi dịp xuân về.

Trong tiết Xuân, tạo vật sinh sôi, trời đất giao hòa, non nước Cao Bằng lại tưng bừng diễn ra Lễ hội cổ truyền Pháo hoa Quảng Uyên, Hội tranh đầu pháo  thị trấn Đông Khê (Thạch An). Lễ hội đã tồn tại trong tâm thức của người dân và trở thành nét đẹp tinh thần không thể thiếu mỗi dịp xuân về. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương để khám phá và cảm nhận sự tinh túy, đặc sắc trong văn hóa các dân tộc vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc.

Múa rồng trong Hội Pháo hoa Quảng Uyên.

RỘN RÀNG LỄ HỘI PHÁO HOA QUẢNG UYÊN

Lễ hội Pháo hoa thị trấn Quảng Uyên (Quảng Uyên), diễn ra từ chiều 30 tháng Giêng đến hết ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất và lâu đời của huyện, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương.

Tương truyền từ thời xưa, sau khi đánh tan giặc xâm lược, vị thủ lĩnh người dân tộc Tày Nùng Trí Cao đã chọn bãi đất rộng nơi đây để tổ chức khao quân. Trong lễ mừng chiến thắng có tổ chức tranh đầu pháo giữa các lực sỹ, từ đó lễ hội có tên gọi là Hội Pháo hoa. Từ nhiều năm nay, Hội Pháo hoa được phục dựng lại theo đúng tính chất dân gian xa xưa, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương, thu hút đông đảo công chúng đến lễ hội.

Lễ hội gắn liền với miếu Bách Linh - ngôi miếu linh thiêng trong tâm thức người dân nơi đây. Miếu nằm ở phía Bắc thị trấn Quảng Uyên, cạnh mỏ nước dưới chân núi Cốc Bó. Miếu thờ 100 vị thần thiêng, đứng đầu là con rồng, một trong tứ linh. Miếu Bách Linh được chọn làm nơi khai quang mở mắt rồng từ chiều 30 tháng Giêng. Đây là nghi thức mở đầu cho lễ hội.

Tại nghi lễ, các bậc cao niên giữ trọng trách làm thủ tục cắt tiết gà, lấy tiết gà mở mắt rồng. Sau những hồi trống uy nghiêm, rồng bay lên cùng với kỳ lân múa lượn xung quanh mỏ nước, cầu cho mưa thuận gió hoà. Rồng và kỳ lân làm các thủ tục tại miếu Bách Linh, đền thờ Nùng Trí Cao, đền thờ Trần Hưng Đạo, sau đó vái các vị thần linh, đồng thời xin phép cho rồng được bay, được múa lượn.

Tô điểm cho lễ hội là dòng người đi theo đoàn múa rồng và kỳ lân. Âm thanh trống, thanh la, não bạt, chũm chọe lúc thanh cao, lúc hùng tráng, lúc dồn dập, lúc khoan thai, lúc trầm bổng êm ái thôi thúc những bước chân người dự hội. Rồng cũng khéo léo múa theo nhịp điệu của tiếng nhạc. Khi nhạc hùng tráng, dồn dập thì rồng mạnh mẽ múa lượn, dồn sức vờn quả cầu lửa.

Anh Lê Mạnh Tân, người giữ trọng trách cầm đầu rồng hồ hởi: Tôi tham gia vào đội múa rồng từ năm 2003. Đầu rồng và quả cầu lửa là điểm chủ đạo nên yêu cầu người điều khiển phải luyện tập và có sức khoẻ tốt; mỗi khúc là mỗi nhịp khi trống vang lên, nên đội rồng luôn có tinh thần đoàn kết, luyện tập để nét đẹp văn hoá luôn để lại dấu ấn trong lòng du khách.

Sáng mồng 2 tháng Hai âm lịch là lễ tế thần. Bậc cao niên có uy tín đọc chúc văn trước đông đảo quần chúng nhân dân cầu xin 100 vị thần linh thiêng, đứng đầu là con rồng, để phù hộ cho mọi người dân trong vùng và du khách mạnh khỏe, làm ăn may mắn. Cuối cùng là lễ rước thần, gồm 4 đoàn kiệu, trong đó có kiệu rước ảnh Bác Hồ, xuất phát từ miếu Bách Linh đi đến đền thờ Nùng Trí Cao và đền thờ Trần Hưng Đạo, sau đó rồng được rước đi khắp phố, các cơ quan, nhà dân trong thị trấn Quảng Uyên. Vì rồng được xem như thần linh đem lộc đến nên được mọi người dân tiếp đón rất nồng nhiệt, trang trọng.

Phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: múa rồng, múa kỳ lân, tung còn… đặc biệt là múa hát giao duyên của đồng bào các dân tộc trong vùng. Bên cạnh đó là các hoạt động triển lãm ảnh Bác Hồ với Cao Bằng và thi đấu thể thao: bóng đá, bóng rổ, thi đấu cờ người. Lễ hội được chờ đón là trò chơi cướp đầu pháo của thanh niên 17 xã, thị trấn của huyện tham dự. Đầu pháo làm từ chiếc vòng sắt quấn vải đỏ. Chiếc vòng được tung và bắn từ chùm pháo giấy với những sắc màu đẹp mắt cho các đội tranh. Đội nào tranh được đầu pháo đeo vào vòng chai đặt bên bát hương ở kiệu là đội thắng cuộc. Theo quan niệm dân gian, ai bắt được đầu pháo sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc cả năm và đem lại vinh dự cho cả xã. Đội nào thắng cuộc sẽ được phần thưởng là một con lợn quay trên kiệu trong lễ rước thần, cỗ kiệu cũng được để lại cho xã đó hương khói cầu lộc một năm đến Lễ hội Pháo hoa năm sau. Trong nhịp trống, tiếng reo hò cổ vũ của nhân dân, các thanh niên đội xã Hạnh Phúc đã giành chiến thắng.

 Ông Nông Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Uyên, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết: Ban tổ chức Lễ hội đã nỗ lực chuẩn bị chu đáo từ phần lễ, phần hội, cố gắng giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của người xưa, như khôi phục các trò chơi dân gian, làn điệu dân ca dân tộc. Đồng thời, công tác an ninh, trật tự và an toàn giao thông được tăng cường, nên dù lượng người rất đông nhưng lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu trẩy hội đầu xuân của du khách thập phương...

TƯNG BỪNG HỘI TRANH ĐẦU PHÁO THỊ TRẤN ĐÔNG KHÊ

Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày 2/2 âm lịch hằng năm, Hội xuân hay còn gọi là Hội tranh đầu pháo thị trấn Đông Khê lại được tổ chức. Đây là hoạt động văn hóa, thể thao, và là nơi để bà con các dân tộc trong huyện và du khách thập phương đến trẩy hội, vui xuân.

Từ sáng sớm, người dân khắp mọi nẻo đường của huyện Thạch An và hàng nghìn du khách thập phương đã đổ dồn về trung tâm thị trấn Đông Khê chơi hội. Để đảm bảo an toàn cho du khách trẩy Hội tranh đầu pháo, Ban tổ chức lễ hội đã chuẩn bị chu đáo về công tác đảm bảo an ninh trật tự, công tác tổ chức. Ông Nông Cao Thế, Chủ tịch UBND thị trấn Đông Khê, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: Lực lượng Công an đã phối hợp bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau lễ hội. Công tác vệ sinh môi trường đã được bố trí, sắp xếp từ trước để tránh tình trạng rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm cho nhân dân yên tâm đến vui xuân, trẩy Hội tranh đầu pháo.

Đúng 8 giờ, đoàn người rước kiệu ảnh Bác Hồ và kiệu đầu pháo  cùng đội múa lân tập trung tại sân vận động thị trấn Đông Khê để khai hội. Sau phần khai mạc hội là màn múa lân sôi động của các đội múa lân đến từ thị trấn Đông Khê và xã Đức Xuân (Thạch An) thu hút đông đảo người xem. Ngay sau đó, hàng loạt các tiết mục múa hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng đất nước đổi mới đan xen với các làn điệu then truyền thống, hát giao duyên. Đây còn là dịp để các nghệ nhân, các hạt nhân văn nghệ của các địa phương thể hiện các làn điệu dân ca của các dân tộc trên địa bàn huyện, duy trì và gìn giữ các làn điệu cho thế hệ sau. Bà Nông Thị Thúy, 70 tuổi, thành viên đội văn nghệ xóm Đoỏng Lẹng, thị trấn Đông Khê cho biết: Đội văn nghệ xóm Đoỏng Lẹng với 12 thành viên đã hăng say luyện tập hai tiết mục hát then hơn chục ngày để biểu diễn, góp vui tại ngày hội.

Các nam thanh niên tranh đầu pháo tại Hội tranh đầu pháo thị trấn Đông Khê (Thạch An)

Hội tranh đầu pháo thị trấn Đông Khê có truyền thống từ lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử vẫn được gìn giữ và duy trì đến ngày nay. Hội được tổ chức với ước nguyện cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Bà Đường Thị Seo, 80 tuổi, xóm Nà Lình, xã Lê Lai (Thạch An) cho biết: Năm nào từ sáng sớm tôi cũng đã đến tham dự Hội tranh đầu pháo tại thị trấn Đông Khê để vui xuân, cầu mong một năm mới cho mọi người thân trong gia đình nhiều sức khỏe, con cháu học hành, công tác tốt.

Bên cạnh hoạt động văn nghệ, nhiều trò chơi dân gian đã diễn ra như: kéo co, tung còn, đi guốc ván… Các trò chơi luôn thu hút đông đảo người dân và du khách ở mọi lứa tuổi tham gia. Và sôi nổi nhất là trò chơi tranh đầu pháo. Mỗi đội chọn 4 thanh niên nhanh nhẹn, khỏe mạnh tham gia tranh đầu pháo. Tranh đầu pháo không chỉ thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai mà còn yêu cầu sự mưu trí, phối hợp khéo léo của các thành viên trong đội. Đội chiến thắng là đội tranh được đầu pháo vượt qua thiên lôi gác cổng và bái lạy nhà pháo ba vái. Đội thắng sẽ được Ban tổ chức lễ hội và đội kỳ lân tiễn đưa về địa phương. Theo phong tục truyền thống, đội của địa phương nào tranh được đầu pháo thì địa phương đó sẽ có một năm may mắn, mùa màng bội thu, được hưởng phúc trời. Trước đây, màn tranh đầu pháo hoa là sự tranh tài của tất cả các đội ở các xã, thị trấn của huyện. Nhưng hiện nay, mỗi năm sẽ chỉ có 5 đội tham dự tranh đầu pháo. Năm nay, màn tranh đầu pháo đã diễn ra với sự tham gia của 5 đội của Thị trấn và các xã: Lê Lai, Lê Lợi, Thị Ngân, Thụy Hùng. Sau gần một tiếng tranh tài kịch tính, quyết liệt, đội xã Lê Lai đã giành chiến thắng trong màn tranh đầu pháo. Anh Nông Văn Tuân, đội trưởng đội tranh đầu pháo xã Lê Lai hồ hởi chia sẻ: Đây là thành quả xứng đáng cho những cố gắng, nỗ lực của đội xã Lê Lai. Mong rằng, với đầu pháo giành được, toàn thể nhân dân xã Lê Lai có một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay Hội tranh đầu pháo  thị trấn Đông Khê, Lễ hội cổ truyền Pháo hoa Quảng Uyên vẫn gìn giữ được những nét truyền thống và luôn không ngừng phát huy, bổ sung các yếu tố vừa mang bản sắc truyền thống vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, càng làm tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1