Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau
Lượt xem: 6310

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang trải rộng trên địa bàn 11 xã, bao gồm: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa (huyện Yên Sơn), với 138 di tích, cụm di tích. Khu di tích được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt ngày 10/5/2012.

Khu di tích là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, gồm các di tích tiêu biểu như: Đình Hồng Thái, Cụm di tích Nà Nưa, Đình Tân Trào, cây đa Tân Trào…

Đình Hồng Thái là địa điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi Người từ Pác Bó về Tân Trào (ngày 21/5/1945).

Đình Hồng Thái ở thôn Cả, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Vào năm Khải Định thứ 4 (1919), đình Hồng Thái được dựng hoàn toàn bằng gỗ, theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống, gồm ba gian, hai chái, mái lợp lá cọ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương. Đình Hồng Thái thờ thành hoàng làng, các vị thần sông, thần núi xung quanh vùng và Ngọc Dung công chúa.

Ngoài giá trị văn hóa và tín ngưỡng, đình Hồng Thái còn mang nhiều giá trị lịch sử. Đây là địa điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi Người từ Pác Bó về Tân Trào (ngày 21/5/1945). Đình cũng được chọn làm nơi đón tiếp các đại biểu về dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (từ ngày 13 - 15/8/1945) và Quốc dân Đại hội (từ ngày 16 - 17/8/1945).

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), đình Hồng Thái trở thành trụ sở của Ban bảo vệ an toàn khu (ATK), được coi như phòng thường trực của các cơ quan Trung ương đóng quanh vùng. Đình còn là trụ sở làm việc của bộ phận Tiếp tế ATK. Sau khi bộ phận này chuyển đi, nhiều đơn vị bộ đội đã về đóng quân tại đình để huấn luyện và làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan Trung ương.

Hàng năm, người dân địa phương tổ chức nhiều lễ hội tại đình Hồng Thái. Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hoá, hội họp của người dân địa phương, đình Hồng Thái còn trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Nơi đây đón tiếp mỗi năm hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

Lán Nà Nưa là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Cụm di tích Nà Nưa bao gồm các di tích: lán Nà Nưa, lán Cảnh vệ, lán Điện Đài, lán Đồng Minh và lán họp hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng. Lán Nà Nưa (còn gọi là lán Nà Lừa) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, dưới chân dãy núi Hồng, cách trung tâm làng Tân Lập 500 m về phía đông. Địa điểm dựng lán đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra, đó là “gần nguồn nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”.

Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, ẩn mình dưới những tán cây rậm rạp, cột làm bằng thân cây chôn xuống đất, rui mè bằng tre nứa, mái lợp lá gồi. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được Bác Hồ soạn thảo.

Ngày 4/6/1945, tại lán Nà Nưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.

Xung quanh lán Nà Nưa có lán Cảnh vệ là nơi ở của các đồng chí cảnh vệ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Bác và Trung ương Đảng; lán Đồng Minh là lán cho những người lính Đồng Minh ở và làm việc, ghi dấu sự hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng Minh, thể hiện sách lược mềm dẻo, linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chính sách đối ngoại đa phương; lán Điện đài là nơi thông tin liên lạc giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng Minh; lán họp hội nghị cán bộ toàn quốc nơi tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng từ ngày 13 - 15/8/1945 theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại hội nghị, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã được thành lập và ra bản quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.

Cụm di tích Nà Nưa là điểm tham quan, về nguồn của mỗi người dân Việt Nam với mong muốn tìm hiểu về những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi in đậm bóng dáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người Cha già kính yêu của cả dân tộc.

Đình Tân Trào được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17/ 8/1945.

Đình Tân Trào ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương là nơi diễn ra Quốc dân Đại hội - sự kiện lịch sử trọng đại tạo tiền đề cho Cách mạng Tháng Tám thành công. Đình Tân Trào trước đây có tên là Kim Long, được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 6 (1853) nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng.

Do nằm trên mảnh đất có vị trí chiến lược về mặt quân sự, bốn bề là núi rừng bao bọc, đình Tân Trào đã được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Tại đây, Đại hội đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; quy định quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới mái đình này, sáng 17/8/1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trong lễ ra mắt Quốc dân.

Dưới mái đình Tân Trào, sáng 17/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ trong lễ ra mắt Quốc dân.

Cách đình Tân Trào khoảng 500 m về phía đông là cây đa Tân Trào - một trong những biểu tượng của quê hương cách mạng Tân Trào. Dưới gốc đa này, chiều 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1, chính thức phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngay sau đó, quân Giải phóng Việt Nam đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân xã Tân Trào cùng 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội.

Dưới gốc đa Tân Trào, chiều 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Bản Quân lệnh số 1, phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

 

Mỗi một di tích lịch sử trong khu di tích đều là dấu ấn về chặng đường cách mạng đầy hào hùng của dân tộc. Đó là nơi để thế hệ trẻ về nguồn tìm hiểu về truyền thống của cha ông, đúc rút những bài học về lòng yêu nước, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương.

 

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1