Hoàng Văn Thụ - Tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân
Lượt xem: 4822

Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, củng cố được nhiều cơ sở đảng ở các tỉnh khác. Nhân dân Cao Bằng đã dành một đường phố tại trung tâm Thành phố mang tên Hoàng Văn Thụ.

 

Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, củng cố được nhiều cơ sở đảng ở các tỉnh khác. Nhân dân Cao Bằng đã dành một đường phố tại trung tâm Thành phố mang tên Hoàng Văn Thụ.

thu

 

Đồng chí Hoàng Văn Thụ (bí danh Lôi Minh Hạ, Vân, Lý), dân tộc Tày, sinh ngày 4/11/1909 tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, nay là thôn Phạc Lạn, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Thời niên thiếu, gia đình cho học chữ Nho tại trường làng, sau đó, ra thị xã Lạng Sơn học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt. Trong thời gian học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt, đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng đồng chí Lương Văn Tri và nhóm học sinh yêu nước đã tìm hiểu, nghiên cứu, tuyên truyền tài liệu, truyền đơn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở thị xã Lạng Sơn.

Tháng Giêng năm 1928, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Lương Văn Tri sang Trung Quốc, bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Long Châu, Quảng Tây (Trung Quốc). Để đảm bảo bí mật, đồng chí Hoàng Văn Thụ lấy bí danh là Lôi Minh Hạ, làm thợ tại "Xưởng cơ khí Nam Hưng". Cuối năm 1928, đồng chí Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đầu năm 1929, vào làm việc ở “Tu giới sở” của Quốc dân Đảng ở Long Châu. Tại những nơi này, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gây dựng được một số cơ sở bí mật cho cách mạng Việt Nam. 

Cuối năm 1929, đồng chí Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng tại Long Châu. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, Chi bộ Đảng chỉ đạo phong trào vùng biên giới Việt - Trung được thành lập gồm các đồng chí: Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Hoàng Hồng Việt..., do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư; Hoàng Văn Thụ cùng Lương Văn Tri được giao chỉ đạo phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn. Đến giữa năm 1930, đã gây dựng được 3 tổ chức trung kiên tại xã Tân Yên, châu Văn Uyên, Lạng Sơn.        

pho%20hoang

Phố Hoàng Văn Thụ, thành phố Cao Bằng. 

 

Sau cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931), thực dân Pháp ra sức đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam. Trước tình hình đó, Quốc tế Cộng sản cử đồng chí Lê Hồng Phong tới Trung Quốc. Tại Long Châu, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong được gặp đồng chí Lê Hồng Phong, được bồi dưỡng lý luận cách mạng. Đồng chí Lê Hồng Phong giao đồng chí Hoàng Văn Thụ tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng ở Lạng Sơn. Từ cuối năm 1932 đến đầu năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ chỉ đạo các tổ chức quần chúng trung kiên ở Khưa Lếch (Trung Quốc) và xã Tân Yên (Văn Uyên, Lạng Sơn) rải truyền đơn nhân dịp kỷ niệm cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ - Tĩnh.

Giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ tới xã Thuỵ Hùng (Văn Uyên, Lạng Sơn), kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư. Đến cuối năm 1933, do Chi bộ Đảng tích cực chỉ đạo nên phong trào cách mạng phát triển rộng khắp Văn Uyên.
Đầu năm 1934, tại hang Áng Cúm, thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong tuyên bố thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn, do đồng chí Hoàng Văn Thụ phụ trách. Đến năm 1935, phong trào cách mạng từ Văn Uyên phát triển sang Thất Khê, Bắc Sơn. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đưa nhiều cán bộ ưu tú ở Văn Uyên, Thất Khê sang dự các lớp huấn luyện tại Long Châu (Trung Quốc).

 

Ngày 25/9/1936, đồng chí Hoàng Văn Thụ tới thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng (Bắc Sơn, Lạng Sơn) kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bắc Sơn. Đầu năm 1937, đồng chí Hoàng Văn Thụ tới Thông Nông (Cao Bằng) huấn luyện cán bộ và vận động quần chúng đấu tranh. Đồng chí còn chỉ đạo phong trào ở Tràng Định (Lạng Sơn), thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Tràng Định.

Từ giữa năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Xứ uỷ Bắc Kỳ phân công chỉ đạo phong trào ở các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Hải Dương. Đầu tháng 8/1938 về Hải Dương, củng cố nhóm “thanh niên dân chủ”. Cuối tháng 8/1938, về huyện Vĩnh Tường kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Vĩnh Yên. Tháng 9/1939, với bí danh là Vân, đồng chí đến mỏ Hà Lầm (Quảng Ninh), chắp nối các cơ sở trung kiên, củng cố tinh thần đấu tranh của công nhân mỏ.

   Ngày 8/9/1939, Xứ uỷ Bắc Kỳ triệu tập Hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông). Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí đề nghị Xứ ủy lập tờ báo “Giải phóng” làm cơ quan tuyên truyền của Xứ uỷ và đảm nhận vai trò chủ bút.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ còn chỉ đạo củng cố Thành uỷ Hà Nội sau nhiều lần bị khủng bố, đến cuối năm 1939 được phục hồi. Đầu năm 1940, Xứ uỷ Bắc Kỳ họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), đồng chí Hoàng Văn Thụ tiếp tục được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (tháng 11/1940) họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh), đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử vào Ban Thường vụ Trung ương lâm thời. Cuối tháng 12/1940, đồng chí được Ban Thường vụ Trung ương Đảng giao nhiệm vụ sang Tịnh Tây (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, đồng chí đã liên lạc với Tỉnh uỷ Cao Bằng, chuẩn bị địa điểm cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5/1941) tại Pác Bó, Hà Quảng (Cao Bằng), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Sau hội nghị, đồng chí chỉ đạo xây dựng nhiều cơ sở quần chúng ở Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Vĩnh Yên.

Giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển, ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Ngày 21/12/1943, Pháp  mở "Toà án đại hình" xử tử hình đối với đồng chí Hoàng Văn Thụ.

 Ngày 24/5/1944, tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội), trước mặt kẻ thù, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nói những lời đanh thép: "Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước pháp trường mãi mãi là bản anh hùng ca về khí tiết của người cộng sản trước quân thù, là tấm gương về ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh của người cộng sản để thực hiện những mục tiêu cao cả của Đảng, của dân tộc. Nhiều công trình, trường học, đường phố ở Hà Nội, Lạng Sơn và nhiều tỉnh, thành được mang tên đồng chí.

                                                                                  Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1