Đại tướng Lê Đức Anh, vị tướng giản dị, gần gũi và sâu sát
Lượt xem: 2370

 Cuộc đời của Đại tướng Lê Đức Anh gắn liền với lịch sử nước nhà, nhất là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI. Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.

 

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh trong chuyến thăm Liên Xô tháng 6/1989. Ảnh: Tư liệu

Tác phong lãnh đạo, chỉ huy quyết đoán, táo bạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc, vị tướng mà bộ quân phục thấm đẫm khói lửa chiến tranh. Ông đã từng chỉ huy bộ đội tham gia những trận đánh, những chiến dịch quan trọng, những sự kiện mang tính bước ngoặt của chiến tranh như: Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968; cuộc chiến đấu chống lấn chiếm vùng giải phóng năm 1973; Chiến dịch Đường 14 Phước Long năm 1974; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975; chỉ huy lực lượng vũ trang Quân khu 9 bảo vệ vững chắc biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc và phối hợp cùng lực lượng cách mạng Campuchia mở chiến dịch phản công giải phóng Campuchia giúp nhân dân nước Bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng năm 1979; chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia từ năm 1981-1986. Ông còn là người trực tiếp thị sát, chỉ đạo và có những đóng góp quan trọng trong hoạch định, tổ chức xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng gắn liền với các chiến trường từ phía Nam đến phía Bắc và trên chiến trường nước Bạn.

Đầu năm 1967, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, Mỹ và Quân đội Sài Gòn huy động một lực lượng quân sự lớn mở cuộc hành quân Junction City, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và chủ lực của ta tại căn cứ Dương Minh Châu. Đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền kiên quyết không di chuyển cơ quan, đồng thời tổ chức lực lượng tại chỗ đánh địch theo phương thức mới “bám trụ và bung ra”. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, đồng chí Lê Đức Anh đã tổ chức đội ngũ cán bộ, nhân viên ở các cơ quan thành nhiều đội du kích ấp, xã. Lực lượng này chiến đấu bám trụ, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân ở địa bàn không có dân, góp phần đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của địch, bảo vệ an toàn cơ quan Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền và hệ thống kho tàng chiến lược của ta.

Sau những nỗ lực của ba đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Cách mạng miền Nam nói chung, Quân khu 9 nói riêng đứng trước những khó khăn nghiêm trọng, địa bàn đứng chân của ta bị thu hẹp, bộ đội chủ lực Miền phải hoạt động chủ yếu trên đất Campuchia. Trước tình hình đó, một lần nữa trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Tư lệnh kiên quyết bám trụ ở U Minh Thượng. Quyết định này đã giữ vững được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đối với các lực lượng vũ trang trên địa bàn. Lực lượng vũ trang và nhân dân Quân khu 9 dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chủ động phản công đánh bại 2 cuộc tiến công của địch, phá tan kế hoạch “Tô dày, lấp kín U Minh”, giữ vững địa bàn.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí đã cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo giữ vững thế tiến công, đồng thời điện xin ý kiến của Bộ Chính trị, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền. Trước quyết định rút lực lượng, đồng chí đã thẳng thắn trả lời “Tôi phải đánh đã...” chứ kiên quyết không để mất đất, mất dân. Dưới sự chỉ huy của đồng chí, các lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã anh dũng chiến đấu, bẻ gãy nhiều hoạt động nống lấn của địch, giữ vững địa bàn trọng điểm, tạo được thế và lực mới, làm cơ sở cho Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền và cấp trên có chủ trương chỉ đạo đúng đắn. 

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đồng chí Lê Đức Anh đảm trách vị trí chỉ huy trực tiếp cánh quân hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn (Đoàn 232). Trên cơ sở đánh giá chính xác tình hình, đồng chí cùng đội ngũ cán bộ các cấp, chỉ huy cánh quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chia cắt lực lượng địch ở Sài Gòn, miền Đông Nam Bộ với vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển tiến công Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát; phối hợp cùng với các hướng khác giải phóng Sài Gòn.

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí đã thận trọng triển khai chủ trương giảm biên chế. Là người nắm rõ tình hình khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, căng thẳng, đồng chí bàn bạc thống nhất trong Đảng ủy, Bộ Tư lệnh tạm thời giữ lại nhiều hạ sĩ quan, chiến sĩ có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, cùng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chỉ huy, nhiều kinh nghiệm, trải qua thực tiễn chiến đấu, những đơn vị có truyền thống, nền nếp chính quy tốt để xây dựng lực lượng vũ trang. Do vậy, khi quân Pol Pot đánh sang toàn tuyến biên giới Tây Nam, Quân khu 9 đã không bị rơi vào tình trạng “bỏ trống địa bàn” vì không có quân thường trực.

Tháng 5 năm 1981, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 36 về tổ chức Quân tình nguyện Việt Nam và thành lập Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia (Bộ Tư lệnh 719), trực thuộc Bộ Quốc phòng. Khi triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW, trên cương vị Tư lệnh Mặt trận 719, đồng chí Lê Đức Anh đã kiên quyết đề xuất: Riêng ở chiến trường Campuchia, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam vẫn duy trì chế độ đảng ủy. Đồng chí cho rằng: “Chúng ta phải nhất quán, một chủ trương quân sự, một hoạt động quân sự không bao giờ là quân sự đơn thuần, mà hoạt động quân sự là hoạt động chính trị, phục vụ mục đích chính trị. Người chỉ huy quân sự là làm chính trị, phục vụ chính trị, phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của tổ chức đảng. Dứt khoát cái đó!”. Thực tiễn đã chứng minh đây là một đề xuất đúng đắn, bảo đảm cho sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và phù hợp với thực tế nhiệm vụ của các đơn vị ở Mặt trận 719 vào thời điểm đó.

Ngày 7 tháng 12 năm 1986, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi đi thị sát thực tế tình hình biên giới phía Bắc, đồng chí đã ngay lập tức quyết định điều chỉnh các đơn vị chủ lực lui về tuyến hai để đưa dân quân, bộ đội địa phương và bộ đội biên phòng lên tuyến một. Trước quyết định này, đồng chí Tư lệnh Quân khu 2 đề nghị Tổng Tham mưu trưởng ra chỉ lệnh bằng văn bản. Ngay lập tức, Ông đã giao đồng chí Phi Long - Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, viết lệnh. Với thái độ kiên quyết, trách nhiệm, Tổng Tham mưu trưởng Lê Đức Anh đã thực hiện điều chỉnh sơ bộ bố trí lực lượng, làm cho thế phòng thủ biên giới của bộ đội ta có chiều sâu và vững chắc hơn.

Đất nước hòa bình, mặc dù đang trong thế bao vây của các thế lực thù địch, nhưng Đại tướng Lê Đức Anh đã kiên quyết thực hiện giảm mạnh quân số và điều chỉnh thế bố trí chiến lược. Đây là một quyết định táo bạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược. Theo Đại tướng: Quân đội ta là sản phẩm của đấu tranh giành độc lập và là công cụ để bảo vệ hòa bình. Nay đất nước đã hòa bình “cần phải giảm hai phần ba quân số để tập trung sức xây dựng đất nước về mọi mặt. Tuy nhiên, giảm quân số bộ đội thường trực, điều chỉnh chiến lược không có nghĩa là làm cho Quân đội ta yếu đi hoặc coi thường nguy cơ chiến tranh. Trái lại, phải xây dựng cho Quân đội ta mạnh hơn bao giờ hết, làm cho đất nước có sức mạnh bảo vệ mình hơn hẳn trong các cuộc chiến tranh vừa qua”. Thực hiện quyết định trên, quân số thường trực của Quân đội ta giảm từ 1,5 triệu xuống còn 45 vạn (từ 9 quân đoàn giảm xuống còn 4 quân đoàn). Gánh nặng ngân sách quốc phòng được giải tỏa.

Cán bộ cách mạng có tác phong làm việc trách nhiệm, tâm huyết, mềm dẻo nhưng rất cương quyết

Trước những khó khăn chung của đất nước do bị tàn phá sau chiến tranh, trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí Lê Đức Anh quyết định chỉ giữ lại Sư đoàn 330 thường trực, còn đưa Sư đoàn 8 và Sư đoàn 4 đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế; tổ chức đào tạo cán bộ quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang; kiểm kê quản lý và sử dụng chặt chẽ, hiệu quả toàn bộ tài sản, kể cả số vũ khí, cơ sở vật chất thu được của địch. Những quyết định trên, không gây biến động lớn về tổ chức biên chế mà còn tạo được sự ổn định vững chắc cả về con người, tổ chức và xã hội trên địa bàn Quân khu 9. Do vậy, khi quân Pol Pot gây hấn, lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã đánh bại địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Lợi dụng tình hình khó khăn sau chiến tranh và sự yếu kém của một bộ phận cán bộ địa phương, các thế lực thù địch lôi kéo nhân dân tiến hành bạo loạn ở Trà Vinh. Đồng chí Lê Đức Anh chủ trương không đưa lực lượng quân sự xuống dẹp bạo loạn mà phải giải quyết vấn đề mềm dẻo, khôn khéo, nhưng cương quyết, dứt khoát, không để đổ máu. Ông đã cùng Tỉnh ủy Trà Vinh tìm hiểu những sai trái, lệch lạc trong đội ngũ cán bộ, từ đó tiến hành kiểm điểm, sửa sai, xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ vi phạm. Với cách xử lý khôn khéo, cương quyết đó, đồng chí đã cùng lãnh đạo tỉnh Trà Vinh dẹp được bạo loạn, giữ vững ổn định chính trị.

Quá trình chỉ đạo giúp cách mạng Campuchia, Đại tướng luôn trăn trở làm sao để bạn mạnh lên, từng bước tự đảm đương được sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước và máu của cán bộ, chiến sĩ ta đỡ đổ. Chính vì vậy, ông đã chỉ đạo xây dựng tuyến phòng thủ biên giới (K5) dài 800km, góp phần chia cắt chiến lược, hạn chế và ngăn chặn sự xâm nhập của địch từ Thái Lan vào nội địa Campuchia, để ở trong nội địa, ta và bạn kết hợp tiến công truy quét làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch.

Là một cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, Đại tướng có gần 50 năm gắn bó với quân đội, với các lực lượng vũ trang, nhân dân trên các chiến trường. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và gần 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, Đại tướng rất tâm huyết với công việc “Tổng kết kinh nghiệm chiến tranh cách mạng”, để lý giải tính đúng đắn của cách mạng Việt Nam, đồng thời rút ra bài học cho công cuộc giữ nước mai sau. Cuối nhiệm kỳ Đại hội VI của Đảng, Đại tướng đã đề đạt nguyện vọng xin không ứng cử vào Quốc hội khóa IX và xin rút khỏi danh sách đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ VII, để chuyên trách công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh. Tuy nhiên, trước yêu cầu sự nghiệp cách mạng, ý nguyện của đồng chí không được Bộ Chính trị chấp thuận.

Nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, phong cách đổi mới, nhanh nhạy, bám sát thực tiễn, luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc trên hết

Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, nhạy bén, linh hoạt trong xử lý các tình huống phức tạp. Sau khi trực tiếp tham gia chỉ huy giải phóng miền Nam, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot và hồi sinh đất nước, đến khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục là một trong những người chèo lái đưa đất nước ta dần thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Đời sống nhân dân từng bước cải thiện, quan hệ quốc tế được mở rộng, vị thế của Việt Nam trên thế giới được nâng cao. 

Trước những vấn đề lớn, phức tạp, Đại tướng luôn trăn trở, đề xuất được những giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đại tướng đã từng tâm sự: “Thực hiện đường lối đổi mới tại Đại hội VI năm 1986, tôi đang làm Bộ trưởng Quốc phòng thì được Bộ Chính trị giao cho việc tìm cách nào đó để phá thế bao vây cấm vận của Mỹ. Lúc đó, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không có một kênh tiếp cận nào cả nên rất khó làm. Vả lại, chiến tranh mới kết thúc hơn 10 năm, sự hận thù vẫn còn sâu sắc lắm. Không thể tiếp cận với nhau bằng chính trị, kinh tế, vậy thì phải tìm ở lĩnh vực khoa học - kỹ thuật”.

Từ những trăn trở, tìm tòi, Đại tướng đã tìm ra bước đi khôn khéo với chiến dịch “Phẫu thuật nụ cười” và “Tìm kiếm người Mỹ mất tích - MIA” để mở ra đột phá khẩu trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Kết quả những bước phát triển lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước và hoà bình ổn định ở khu vực ngày nay, đã minh chứng tầm nhìn chiến lược và công lao đóng góp của Đại tướng.

Không chỉ được giao trọng trách mở ra việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Đại tướng Lê Đức Anh còn tham gia giải quyết vấn đề bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị giao cho Đại tướng Lê Đức Anh “mở đầu” việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Đại tướng đã bắt đầu công việc bằng hai kênh: ngoại giao nhân dân và ngoại giao bí mật. Đại tướng vào thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, tổ chức gặp mặt bà con Hoa kiều Chợ Lớn để trao đổi về việc cần đưa quan hệ giữa hai dân tộc trở lại bình thường. Đại tướng cũng có 4 cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy tại Nhà khách Bộ Quốc phòng để bàn chuyện bình thường hoá quan hệ hai nước và tiền trạm sang Trung Quốc... Sau các hoạt động đó của Đại tướng cùng các kênh đối ngoại khác, tháng 11 năm 1991, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Trung Quốc. Hai bên đã kí kết Hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai Đảng, khép lại 15 năm đối đầu căng thẳng.

Đại tướng Lê Đức Anh - một nhân vật lịch sử, một nhà lãnh đạo tài năng kiệt xuất, có đạo đức khiêm nhường – khi phải đối mặt với những tình thế khó khăn buộc phải ra quyết định. Bằng quan điểm lập trường giai cấp vững vàng, tầm nhìn sâu, rộng và năng lực tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt với tấm lòng vì nước, vì dân, Đại tướng vẫn bình thản, tìm được phương cách giải quyết đúng đắn, phù hợp. Phong cách lãnh đạo đổi mới, nhanh nhạy, bám sát thực tiễn, linh hoạt trong xử lý các tình huống phức tạp trên cơ sở lợi ích quốc gia dân tộc của Đại tướng đã để lại dấu ấn sâu sắc.

Vị tướng giản dị, gần gũi và sâu sát

Quá trình công tác, dù ở bất kỳ cương vị nào được phân công, Đại tướng Lê Đức Anh cũng rất sâu sát, tận tụy trong công việc, gần gũi với cấp dưới, sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi, luôn quan tâm, chăm lo đến cán bộ, chiến sỹ. Là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã trực tiếp đến thăm, kiểm tra nhiều đơn vị cơ sở. Thấy đời sống của bộ đội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thậm chí có biểu hiện phát sinh tư tưởng tiêu cực, Đại tướng đã chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tập trung mọi nguồn lực chăm lo đời sống bộ đội để anh em có sức khỏe, ổn định tư tưởng, xác định quyết tâm bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Chỉ hơn 1 tháng, sau “Sự kiện Gạc Ma năm 1988”, trên cương vị cao nhất của quân đội, Đại tướng đã trực tiếp đi thị sát quần đảo Trường Sa, nắm tư tưởng cán bộ, chiến sĩ và động viên bộ đội vững vàng tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đất nước hòa bình, nhưng Đại tướng luôn trăn trở về đời sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhất là các đồng chí từng trực tiếp chiến đấu, chịu nhiều hy sinh gian khổ, nhưng cuộc sống vẫn còn rất khó khăn. Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo dành một phần đất doanh trại chưa sử dụng, giải quyết nhà ở, đất ở cho cán bộ quân đội, giúp anh em yên tâm công tác, gắn bó, xây dựng đơn vị. 

Là một trong những cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, nhưng với cuộc sống đời thường, Đại tướng lại rất giản dị, sâu sắc, nhân văn, được đồng chí, đồng đội và nhân dân yêu mến, bạn bè quốc tế đánh giá cao. 

Ở miền châu thổ sông Cửu Long, người ta gọi Đại tướng Lê Đức Anh với cái tên thật gần gũi “Bác Sáu Nam”. Bởi suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào ông cũng luôn giản dị, chân thành, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân Nam Bộ.

Đại tướng cũng trăn trở trước những mất mát, hy sinh to lớn của Nhân dân trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trên cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với Bộ Quốc phòng rà soát, xây dựng kế hoạch, đề xuất chủ trương phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. 

Ngày 29 tháng 12 năm 1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tôn vinh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Cũng từ đây, xuất hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với nước”… Những phong trào đó trở thành nếp sống mang đậm tính nhân văn, truyền thống văn hóa “Uống nước nhớ nguồn” của các tầng lớp Nhân dân trong cả nước.

Đối với quê hương, Đại tướng Lê Đức Anh luôn gần gũi, chân tình, sâu sắc và nặng nghĩa tình. Mặc dù, tham gia hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu, xa quê, nhưng Đại tướng luôn nhớ về quê hương với một tình cảm rất sâu đậm. Mỗi lần về quê, Đại tướng thường đi thăm bà con lối xóm, ân cần thăm hỏi cuộc sống, tình hình lao động sản xuất; động viên bà con, họ hàng, con cháu quê nhà chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước; tích cực lao động sản xuất để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Là vị tướng chỉ huy nghiêm khắc, nhưng trong đời thường, Đại tướng Lê Đức Anh là người sống giản dị và vô cùng thanh bạch. Từ khi ra Hà Nội giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, rồi được bầu làm Chủ tịch nước, ông vẫn sống và làm việc trong căn nhà công vụ N8 giữa Trạm khách của Bộ Quốc phòng. Từ đồ dùng trong nhà đến bữa ăn, quần áo mặc và nếp sinh hoạt hằng ngày của ông vẫn luôn thanh đạm như một người dân Việt bình thường khác. 

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh (1/12/1920  - 1/12/2020), chúng ta ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng. Cả cuộc đời hoạt động, Đại tướng đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, luôn một lòng vì dân, vì nước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đại tướng thực sự là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1