Bác Hồ trong lòng đồng bào các dân tộc Cao Bằng
Lượt xem: 74

Nếu có dịp đi đến với những nơi in dấu chân Người ở Cao Bằng, du khách sẽ được nghe nhiều câu chuyện từ đồng bào các dân tộc kể về Bác bằng một tình cảm rất đặc biệt, thiêng liêng. Với đồng bào, Bác Hồ thật gần gũi và dường như hình ảnh của Người vẫn đang ở Cao Bằng mới chỉ ngày hôm qua.

Nếu có dịp đi đến với những nơi in dấu chân Người ở Cao Bằng, du khách sẽ được nghe nhiều câu chuyện từ đồng bào các dân tộc kể về Bác bằng một tình cảm rất đặc biệt, thiêng liêng. Với đồng bào, Bác Hồ thật gần gũi và dường như hình ảnh của Người vẫn đang ở Cao Bằng mới chỉ ngày hôm qua.

 

bac_ho_BGFT

Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) tháng 2/1961

KỂ RẰNG NGƯỜI VỀ ĐÂY...

Xuân Tân Tỵ 1941, sau 30 năm đi khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước, cứu dân, Bác Hồ đã trở về Tổ quốc. Với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chiến lược thiên tài, Người phát hiện ra Cao Bằng là nơi hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Vượt qua muôn vàn gian truân và thử thách ngặt nghèo, ngày 28/1/1941 (tức ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ), Bác Hồ rời đất Trung Quốc qua cột mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về Pác Bó, Hà Quảng (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đây, Pác Bó trở thành đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc, trở thành chiếc nôi của cách mạng nước ta.

Đến Cao Bằng, Bác đã sống với nhân dân, cùng “cháo bẹ, rau măng", chia sẻ với người dân mọi khó khăn, gian khổ, vui buồn. Chính ở mảnh đất Cao Bằng, Bác từng day dứt một câu hỏi “Nhân dân khổ cực biết hay chăng?”. Phải vận động, tổ chức quần chúng đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi cảnh đời nô lệ và khổ cực. Ngày ấy, lúc thì người dân gọi Bác là Già Thu, khi lại gọi là Ông Ké. Ông Ké theo tiếng địa phương, chỉ người già, là cái tên mà bà con nơi đây gọi Bác với sự tôn kính nhưng lại hàm chứa sự gần gũi, mộc mạc, giản dị của Người. Ông Ké, Già Thu trong bộ quần áo nâu của người dân tộc Nùng hoà mình vào với cuộc sống của đồng bào các dân tộc và cảnh vật nơi đây một cách tự nhiên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết: Từ trang phục đến lời nói, việc làm. Lúc thổi cơm, ngồi câu cá, khi tắm suối, ngủ rừng... Bác hoà hợp với tất cả mọi người. Không thấy một nét gì khác lạ, cách biệt, ở một người vốn là đại diện của quốc tế cộng sản, từng dự Đại hội Tua, từng tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới...

Danh thiếp đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh xuất hiện từ Cao Bằng. Cao Bằng là địa danh đầu tiên thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh sau 30 năm tìm đường cứu nước, cứu dân và trăn trở với vận mệnh của dân tộc. Ðược bảo vệ Ðảng, bảo vệ Bác Hồ trong thời kỳ hoạt động bí mật là vinh dự lớn lao của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đồng bào Cao Bằng đã thay mặt nhân dân cả nước bảo vệ an toàn mọi hoạt động và chỗ ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là đảm bảo an toàn cho đại bản doanh của cách mạng. Nhân dân còn nghèo vừa sản xuất, vừa chiến đấu, sống kham khổ nhưng đã dành lương thực nuôi cán bộ và bộ đội. Vì thế, tình cảm của Bác đối với Cao Bằng hết sức chân thành, không chỉ là tình cảm của vị lãnh tụ đối với đồng bào cả nước mà còn là sự tri ân đối với đồng bào đã đùm bọc, chở che Người trong những tháng ngày gian lao, vất vả. Sau này, trong một bức thư gửi đồng bào Cao Bằng, Bác viết: "Tôi luôn luôn nhớ đến những ngày tôi công tác ở tỉnh ta... Anh em no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau, đồng lòng một chí. Do đó mà đào tạo nên những cán bộ quân sự và chính trị. Tôi không bao giờ quên trong những ngày gian nan cực khổ đó đồng bào trong tỉnh ta, các cụ già, các chị em phụ nữ, anh em nông dân, các em thanh niên các cháu nhi đồng, ai cũng hăng hái giúp đỡ. Mặc dầu Tây và Nhật thẳng tay khủng bố, nó đốt làng, nó phá nhà, nó bắt người, nhưng đồng bào vẫn kiên quyết giúp đỡ cách mệnh. Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo cho đến anh em Hoa kiều người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo, có những đồng bào nhịn ăn, nhịn mặc, bán trâu, bán ruộng để giúp chúng tôi làm cách mệnh. Thật là quý hoá vô cùng…".

Từ khi Bác Hồ chọn Cao Bằng làm đại bản doanh đầu tiên của cách mạng nước ta, mảnh đất biên cương này đã chứng kiến biết bao sự kiện quan trọng gắn liền với tên tuổi và hình ảnh của Người, gắn liền với lịch sử vẻ vang của đất nước Việt Nam liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc. Tại Pác Bó, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng nước ta; quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh; ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng ngày nay; đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng Cao Bằng trở thành căn cứ địa cách mạng... Từ đây, chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, đón thời cơ, đứng lên Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sự có mặt của Bác trong Chiến dịch Biên giới 1950 cũng là lần duy nhất Bác ra mặt trận. Điều đó, không chỉ nói lên tầm quan trọng của sự kiện mà còn là nguồn động viên, cổ vũ đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và là tình cảm sâu nặng của Người đối với đồng bào các dân tộc Cao Bằng.

Tròn 20 năm sau khi về nước lãnh đạo toàn dân làm cách mạng, mùa Xuân năm Tân Sửu 1961, Bác Hồ trở lại thăm Cao Bằng. Bác về Cao Bằng như trở về quê hương. Đồng bào và cán bộ, chiến sỹ ở Cao Bằng đón Bác - người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước như đón một người thân lâu ngày về thăm quê hương. Bác xúc động nói: “Tôi về thăm nhà, làm sao lại phải đón tôi!”. Đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng không nguôi nhớ Người và Người không quên một ai từng sống và làm việc với Người. Như đồng chí Lê Duẩn đã nói: Cuộc đời của Bác gắn bó mật thiết với đất nước Việt Nam, với đồng bào Việt Nam, đặc biệt, với đồng bào Cao Bằng, với núi rừng Cao Bằng, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên sau bao nhiêu năm xa Tổ quốc. Đó là vinh dự, là niềm tin tự hào của Cao Bằng.

NGƯỜI CAO HƠN NÚI...

Nhân dân Cao Bằng vốn giàu truyền thống yêu nước, từ ngày Bác về, truyền thống ấy được khơi dậy mạnh mẽ. Nhân dân, theo lời dạy của Già Thu, Ông Ké làm cách mạng, để giải phóng mình và góp phần giải phóng Tổ quốc. Với người dân Cao Bằng, hình ảnh vị cha già dân tộc luôn soi sáng trên từng bước đường đi tới và là niềm tin lớn lao trong lòng mọi thế hệ người dân. Hình ảnh của Bác luôn khắc sâu trong tâm khảm của người dân một lòng hướng về Bác, về Đảng, luôn khắc ghi những lời Bác dạy. Mỗi lần làm một việc gì thành công, nhân dân lại nghĩ đến công ơn của Đảng, của Bác. Mỗi lúc gặp khó khăn, nhân dân lại nghĩ đến hình ảnh Bác và nhắc lại những lời Bác dạy để động viên, cổ vũ nhau. Trong gian khổ ác liệt, đồng bào Cao Bằng luôn hướng về Thủ đô Hà Nội, vững lòng tin vào Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Bom, đạn của kẻ thù không lay chuyển được lòng tin của dân với Đảng và Bác Hồ. Đội ngũ cán bộ do Người trực tiếp hoặc gián tiếp đào tạo và huấn luyện ở Cao Bằng đã trưởng thành nhanh chóng. Nhiều đồng chí tham gia chiến đấu, hy sinh tại các chiến trường phía Nam của Tổ quốc; nhiều đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước hay những tướng lĩnh, sỹ quan Quân đội.

Ngày 2/9/1969, Bác Hồ vĩnh biệt nhân dân, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho toàn thể đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế. Trong nỗi đau đó, đồng bào Cao Bằng đã tổ chức lễ tang trọng thể tại Pác Bó. Ngày nay, mọi người đến thăm Bảo tàng Pác Bó đều trào dâng xúc động, lặng lẽ đứng trước tấm ảnh đồng bào cùng mặc trang phục đại tang, đau đớn tiễn đưa Bác bên bờ suối Lê-nin như tiễn đưa người ruột thịt của mình, rồi để tang Bác 3 năm. Đồng bào vốn nói ít, viết ra càng ít nhưng tình cảm với Bác thì sâu nặng không biết đến nhường nào mà chẳng thể diễn tả nổi thành lời.

Thế hệ trẻ Cao Bằng hôm nay và mãi mai sau dù chưa từng được gặp Bác, chỉ nghe về Bác qua báo, đài, qua những câu chuyện kể nhưng vẫn luôn dành cho Bác sự yêu quý và lòng tôn kính sâu sắc nhất. Lòng tôn kính Bác Hồ của người dân còn thể hiện trong từng nếp sống văn hoá truyền thống của mỗi gia đình. Trên bàn thờ tổ tiên của một số gia đình, bức chân dung Bác Hồ luôn đặt ở vị trí trang trọng nhất, nhân dân thờ Người bằng tất cả tấm lòng kính yêu vị cha già dân tộc. Thờ Bác để nhắc nhở, giáo dục các thành viên trong gia đình về truyền thống cách mạng của dân tộc ta và thờ Bác để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Để bày tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng và đồng bào cả nước, được sự nhất trí của Trung ương Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, hỗ trợ trực tiếp của thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và tỉnh Nghệ An, Cao Bằng đã xây Nhà tưởng niệm - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2011, đúng dịp Kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh của Người. Công trình còn thêm phần ý nghĩa khi được đặt tại Km 0 của đường Hồ Chí Minh lịch sử - tuyến đường bộ dài nhất Việt Nam (gần 3.200 km), đi qua 30 tỉnh, thành phố để nối liền với Đất Mũi (Cà Mau). Từ đây, nhân dân Cao Bằng có một công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để mọi người thể hiện tình cảm với Người và hiểu thêm tầm vóc, công lao to lớn của Người. Đền thờ đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần học tập tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh của tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu về nguồn của nhân dân cả nước và khách nước ngoài khi đến thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - một địa danh không chỉ gần gũi, thân thiết với nhân dân ta ở khắp mọi miền đất nước mà còn với cả bạn bè quốc tế.

Năm 2015, Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đang cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, quyết tâm xây dựng quê hương Cao Bằng xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm ngày 21/02/1961: Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Theo baocaobang.vn

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1