Nâng cao năng lực cho lao động nông thôn
Lượt xem: 155

Công tác tập huấn, đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ), nhất là lao động ở khu vực nông thôn đã và đang được các cấp, ngành tập trung triển khai với nhiều loại hình ngành nghề phù hợp. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, trong đó có nội dung về đào tạo nghề, ngày 20/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 634-KH/UBND về phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng lao động nông thôn năm 2024. Cụ thể hóa chương trình kế hoạch đề ra, các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung bảo đảm hoàn thành theo chỉ tiêu; phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho NLĐ.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) xây dựng kế hoạch tuyển sinh đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn; bồi dưỡng giáo viên đảm bảo đủ năng lực giảng dạy; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động. Xây dựng danh mục nghề nông nghiệp chuẩn đầu ra, định mức kinh tế kỹ thuật cho các nghề nông nghiệp; nhân rộng mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho NLĐ, đáp ứng yêu cầu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

anh tin bai

Cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nguyên Bình dạy nghề chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gà tại xã Hưng Đạo.

 

Bằng nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024, huyện Nguyên Bình ban hành kế hoạch tổ chức 30 lớp dạy nghề sơ cấp, trung cấp, đào tạo thường xuyên cho hơn 1.400 lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, NLĐ có thu nhập thấp. Các ngành nghề đào tạo chính, gồm: chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, trâu bò; chuyển giao kỹ thuật trồng cây lê, đào, mận, chè, cây dong riềng; dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa dân dụng, công nghệ thông tin, kỹ thuật hàn công nghệ cao… Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên huyện Nguyên Bình Nguyễn Văn Thông cho biết: Trong quá trình triển khai, Trung tâm phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho NLĐ. Tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của NLĐ, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Từ đó, đề xuất các mô hình đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chú trọng làm tốt công tác kết nối, giới thiệu việc làm cho học viên sau đào tạo. Đồng thời, theo dõi đánh giá hiệu quả giải quyết việc làm đối với lao động sau học nghề. Đến nay, Trung tâm tổ chức 13 lớp dạy nghề sơ cấp cho hơn 500 học viên là lao động nông thôn. Qua đó, giúp người học tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong sản xuất, vừa qua, anh Triệu Tòn Dất, xóm Khuổi Phung, xã Mai Long (Nguyên Bình) theo học lớp sửa chữa máy nông nghiệp. Anh Dất cho biết: Trong sản xuất, chúng tôi sử dụng rất nhiều loại máy móc như máy cày, máy cắt cỏ, máy bơm nước, nhưng đa phần chỉ biết dùng, mỗi khi hỏng hóc thì phải thuê thợ sửa. Vì vậy, tôi tham gia lớp học sửa chữa. Đến nay, tôi tự sửa được các lỗi cơ bản khi máy giật không nổ, hoạt động kém, rung mạnh, phát ra tiếng kêu,…

Cùng với Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên các huyện, với nhiệm vụ được giao, Chi cục Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tập trung ưu tiên các ngành nghề cây trồng vật nuôi có thế mạnh, chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, sản phẩm đặc trưng đặc hữu; hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong sản xuất; ưu tiên khuyến khích phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với biến đổi khí hậu như sản xuất nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ các hợp phần sản xuất, mô hình trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn liên kết sản phẩm đầu ra ổn định. Trong tháng 5, Chi cục tổ chức 3 đợt tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng cho cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể làm công tác tuyên truyền, đào tạo nghề nông nghiệp cấp xã trên địa bàn 9 huyện trong tỉnh.

Theo chị Lãnh Thị Huế, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thể Dục (Nguyên Bình) cho biết: Tham gia lớp tập huấn, tôi được cập nhật hệ thống văn bản liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Được trang bị kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân học nghề giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế và giảm nghèo tại cộng đồng. Ngoài ra, tôi được trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong tuyên truyền, vận động tại cơ sở; hướng dẫn các kỹ năng khảo sát, nhu cầu, việc lập kế hoạch đào tạo nghề trong thực tế… Với kiến thức được trang bị, tôi sẽ tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tiềm năng, thế mạnh địa phương; quan tâm tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên phụ nữ các cấp; cập nhật, bổ sung các ngành nghề mới, phù hợp với yêu cầu phát triển và xu hướng thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.

Để tiếp tục nâng cao năng lực cho lao động nông thôn, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp với các trường, Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn phù hợp với thực tế. Đổi mới phương pháp truyền đạt kiến thức và kỹ năng nhất là đối với các đối tượng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đa dạng hóa các ngành nghề, tư vấn chuyển đổi ngành nghề phù hợp xu thế thị trường. Cập nhật, bổ sung các ngành nghề mới, hướng dẫn tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất...

Duy trì đào tạo nguồn nhân lực gắn với các ngành nghề truyền thống như: nghề rèn, dệt thổ cẩm, làm hương, thấy bản, đường phên, miến dong, ngói máng, làm nón lá, trồng dâu nuôi tằm, nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, trồng nấm, bún khô, chạm khắc bạc, trồng rừng và cây dược liệu. Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu tuyển sinh đào tạo nghề cho 6.000 người, trong đó, trình độ trung cấp 500 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 5.500 người. Phấn đấu hết năm 2024 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 50,9%, trong đó, đào tạo nghề đạt 38,8%, đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,3%.

Theo baocaobang.vn

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1