Một số kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 141

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đời sống văn hóa của các tầng lớp Nhân dân ngày càng được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được kế thừa và phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng, nhiều phong trào văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực.

anh tin bai

Hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng các sự kiện lớn của tỉnh

Bám sát các quan điểm, mục tiêu Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tại tỉnh Cao Bằng đã chủ động, tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Tỉnh luôn chú trọng đổi mới việc quán triệt, học tập Nghị quyết số 33-NQ/TW theo hướng tăng cường tổ chức học tập bằng hình thức truyền hình trực tiếp, trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở. Trong học tập, tập trung làm rõ những nội dung mới, cơ bản của Nghị quyết, dành nhiều thời gian để thảo luận chương trình hành động thực hiện Nghị quyết sát với yêu cầu phát triển của địa phương, đơn vị. Trong từng nội dung tuyên truyền có sự kết hợp chặt chẽ những nội dung tuyên truyền tình hình chung gắn với tình hình địa phương, bảo đảm thông tin vừa có nội dung chuyên sâu vừa có tính toàn diện, đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời. 

  Đối với các mục tiêu cụ thể trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, UBND đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả, hoàn thành đạt các mục tiêu đã đề ra, đã  hoàn thiện các thiết chế văn hoá, thể thao cấp tỉnh; đầu tư các dự án đã được phê duyệt; 100% đơn vị huyện, thành phố được thành lập Trung tâm Văn hoá. 100% xóm, tổ dân phố xây dựng được quy ước, hương ước được cấp có thẩm quyền phê chuẩn; 50% xóm, tổ dân phố thành lập đội văn nghệ quần chúng. 100% huyện, thành phố thành lập chi hội bảo tồn dân ca các dân tộc; 85% trở lên số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Gia đình văn hóa”’ 55% trở lên xóm, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Xóm, tổ dân phố văn hóa”’; 90 % trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”; 60% di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh; 50% di tích đã xếp hạng được trùng tu, tôn tạo.

  Triển khai dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo; tiếp tục thực hiện các dự án thành phần Khu di tích Pác Bó, Khu du lịch Thác Bản Giốc; lập quy hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích chiến thắng Đông Khê, Khu di tích lịch sử cách mạng Lam Sơn. Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2014-2020; lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đến nay toàn tỉnh đã có 7 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô - Sán Chỉ; bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc trong tỉnh; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Di sản Then.

  Đối với 06 nhiệm vụ của Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại,  UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các mặt công tác như: giáo dục - đào tạo, khoa học -  công nghệ, y tế, dân số - gia đình, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, công tác giảm nghèo bền vững, phòng chống các tệ nạn xã hội… Đồng thời, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

anh tin bai

Phong trào thể dục - thể thao được các cơ quan đơn vị triển khai thực hiện

Các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học trong việc xây dựng con người hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ được triển khai có hiệu quả. Các Hoạt động văn học - nghệ thuật đã được triển khai thực hiện với nhiều hình thức góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân. Phong trào rèn luyện sức khỏe được tổ chức rộng khắp thông qua các đại hội thể dục thể thao từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; phong trào thể dục thể thao được tổ chức rộng rãi trong cộng đồng dân cư nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của địa phương và đất nước. Toàn tỉnh hiện nay có 160.200 người tham gia tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên, đạt 29,5%. Tỷ lệ người dân tham gia rèn luyện sức khỏe ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng môi trường văn hoá trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức được đẩy mạnh. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” có sức lan tỏa nhanh, được các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng. Các hoạt động xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh tiếp tục được phát huy, xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, việc chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc ngày càng tiến bộ hơn. Qua 10 năm thực hiện, đến năm 2023 tỷ lệ xóm, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa là 1.232/1.462 xóm, đạt 84%; 1.492/1.525 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 97,83%; tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 112.945/128.977 gia đình, đạt 87%. Các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư, phục vụ đắc lực cho sự phát triển KT-XH của địa phương. Đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, tạo môi trường xã hội lành mạnh.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được quan tâm chú trọng, toàn tỉnh có 271 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Năm 2020, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh, sau kiểm kê, hiện nay còn đang lưu giữ trên 2.000 di sản, trong đó: loại hình tiếng nói chữ viết có 06 di sản; loại hình ngữ văn dân gian có 150 di sản; tập quán xã hội và tín ngưỡng có 745 di sản; lễ hội truyền thống có 200 di sản; nghề thủ công truyền thống có 112 di sản; tri thức dân gian có 487 di sản; nghệ thuật trình diễn dân gian có 300 di sản. Đặc biệt, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh, đến nay đã được công nhận 01 Nghệ nhân nhân dân, 23 Nghệ nhân ưu tú, 01 Nghệ sĩ nhân dân, 05 Nghệ sĩ ưu tú. Thực hiện đa dạng các hình thức văn hoá đối ngoại, đưa quan hệ quốc tế về văn hoá đi vào chiều sâu; chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới làm phong phú thêm văn hoá dân tộc, giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hoá dân tộc; quan tâm việc quảng bá hình ảnh đất nước, hình ảnh Cao Bằng, văn hoá con người Cao Bằng…

Để tiếp tục thực hiện tốt trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, trong đó cần nhận thức rõ xây dựng, phát triển nền văn hóa phải gắn chặt với xây dựng, phát triển con người, không tách khỏi cội nguồn dân tộc; văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà là sức mạnh nội sinh trực tiếp để phát triển bền vững đất nước. Với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH. Do đó việc triển khai và thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW cần gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị và bảo đảm quốc phòng - an ninh, đặc biệt là triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và con người Cao Bằng nói riêng gắn với thực hiện các nội dung Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn hóa; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh và các Nghị quyết, Chương trình hành động của địa phương, đơn vị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển văn hóa con người Cao Bằng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

·        Dương Liễu

 

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1