Hội thảo phát triển KT-XH các huyện miền Tây tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030
Lượt xem: 1076

Ngày 19/4/2023, tại huyện Bảo Lạc, Ban Chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo phát triển KT-XH các huyện miền Tây tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí Hoàng Xuân Ánh- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì Hội thảo.

anh tin bai

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu, bao gồm: các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình; một số chuyên gia, doanh nhân trong và ngoài tỉnh.

Các huyện miền Tây (gồm 3 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình) là 1 trong 3 tiểu vùng kinh tế quan trọng của tỉnh Cao Bằng, với diện tích chiếm 40% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh và có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển KT-XH. Địa hình chia cắt mạnh và có nhiều sông, suối, khoáng sản thuận lợi cho phát triển thuỷ điện, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản với hình thức và quy mô phù hợp. Đồng thời tiểu vùng cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp với những loại cây trồng, vật nuôi đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao như: các loại cây gỗ quý hiếm, cây dược liệu, lúa nếp hương, cây mận máu, cây dong riềng, trúc sào, bò, lợn đen, lợn rừng...

Đặc biệt, tiểu vùng có nhiều thuận lợi để liên kết mở rộng hợp tác phát triển đa dạng các loại hình thương mại, du lịch - dịch vụ. Đây là vùng đất “địa linh” với nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá; là quê hương của nhiều chiến sỹ cách mạng, nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong vùng có khoảng 10 thành phần dân tộc cùng sinh sống, đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc và có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, là cầu nối Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng với Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).

Trong những năm qua được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh và nhân dân trong tiểu vùng, KT-XH của tiểu vùng có nhiều thay đổi. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, ổn định dân cư khu vực biên giới và vùng thiên tai được chú trọng đầu tư; đến hết năm 2022 có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 74,5% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; tỷ lệ xóm có đường ô tô đến trung tâm đạt trên 83%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, trung bình những năm gần đây số hộ nghèo giảm trên 1.000 hộ/ năm (năm 2021 giảm 1.716 hộ nghèo; năm 2022 giảm 2.015 hộ nghèo)...

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, các huyện trong tiểu vùng là huyện những huyện có điều kiện KT-XH khó khăn, kết cấu hạ tầng còn hạn chế và thiếu đồng bộ; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; việc huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao; tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Trước thực trạng và yêu cầu cần tập trung chỉ đạo, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững KT-XH của các huyện miền Tây, tạo thế cân bằng trong phát triển KT-XH tỉnh. Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 29/11/2021 về xây dựng và phát triển các huyện miền Tây tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; theo đó, Ban chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy cũng đã ban hành Kế hoạch số 888/KH-BCĐ ngày 15/4/2022 về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU.

Sau hơn 01 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã đúc kết được một số kinh nghiệm, vấn đề lý luận từ thực tiễn triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TU; đồng thời xác định được các vấn đề trọng tâm, nút thắt cần tháo gỡ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ theo Nghị quyết số 08-NQ/TU nói riêng và phát triển bền vững KT-XH các huyện miền Tây nói chung. Trên cơ sở đó, Hội thảo đã được nghe và nghiên cứu 10 báo cáo tham luận, 03 ý kiến thảo luận đánh giá khách quan, toàn diện về thực trạng phát triển KT-XH và đề xuất nhiều giải pháp để khắc phục những khó khăn, hạn chế; vượt qua thách thức, tận dụng triệt để cơ hội cho sự phát triển các huyện miền Tây, cụ thể như: Thực trạng và giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển KT-XH các huyện miền Tây tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025; Thực trạng và giải pháp thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển KT-XH các huyện miền Tây; Thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp các huyện miền Tây giai đoạn 2022-2025 theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở khai thác tiềm năng sẵn có và bám sát nhu cầu của thị trường; Giải pháp xây dựng phát triển mạng lưới giao thông các huyện miền Tây góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH; Giải pháp phát triển đô thị các huyện miền Tây; Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tại các huyện miền Tây; Tác phong, thái độ làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả của người cán bộ, công chức viên chức: Nhân tố tác động trực tiếp đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương; Giải pháp đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm, hàng hóa của các huyện miền Tây; Liên kết phát triển du lịch giữa các huyện miền Tây và các tỉnh lân cận; Giải pháp để ứng dụng khoa học và công nghệ trở thành thói quen của người sản xuất...

anh tin bai

Đ/c Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng BCĐ phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo đồng chí Hoàng Xuân Ánh- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh có nhiều yếu tố mới tác động đến phát triển KT-XH của cả nước, của tỉnh và các huyện miền Tây, các nội dung đánh giá khách quan, toàn diện về thực trạng và các đề xuất giải pháp hữu ích, bám sát mục tiêu, yêu cầu phát triển KT-XH các huyện miền Tây có ý nghĩa quan trọng giúp Ban chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy tiếp tục có chủ trương, định hướng mới thúc đẩy phát triển KT-XH các huyện miền Tây phù hợp trong tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh Cao Bằng ở cả hiện tại và những năm tiếp theo. Hội thảo cũng là cơ hội để cấp ủy, chính quyền các huyện miền Tây đánh giá tổng thể thực trạng, qua đó đưa ra phương hướng, nhiệm vụ để phát triển bền vững trong thời gian tới, nhất là xác định các vấn đề liên kết phát triển, chia sẻ bài học, kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu phát triển KT-XH chung của 3 huyện và của từng huyện. Đồng chí đề nghị các Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo của các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình cần nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng hiệu quả các ý kiến tham góp về giải pháp khắc phục hạn chế, khai thác tiềm năng, phát triển KT-XH cụm 3 huyện miền Tây đã được các đại biểu trình bày tại Hội thảo; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc hiện thực hóa các giải pháp để phát triển nhanh và bền vững mọi mặt KT-XH, qua đó thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết số 08- NQ/TU đã đề ra./.

Một số hình ảnh các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo:

anh tin bai

Đồng chí Nguyễn Thái Hà - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNN phát biểu

anh tin bai

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Tổng cục Du lịch phát biểu

anh tin bai

Đại diện doanh nghiệp huyện Bảo Lạc phát biểu

 

 

HN

 

 

 

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1