Hội nghị APNG 8 năm 2024 tại Cao Bằng - Những dấu ấn nổi bật
Lượt xem: 10

Với chủ đề “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC”, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) với khoảng 800 - 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự được tổ chức tại Cao Bằng đã diễn ra thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng với đông đảo bạn bè, đại biểu quốc tế.

Những nội dung quan trọng của Hội nghị

Trước khai mạc Hội nghị, đã diễn ra các phiên họp quan trọng như: Phiên họp của Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO trao đổi các nội dung hoạt động của Mạng lưới, đánh giá hồ sơ thẩm định, tái thẩm định. Phiên họp của Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu (GGN ExB) trao đổi, đánh giá tiến độ triển khai các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu năm 2024; trao đổi thảo luận, xây dựng phương hướng, thống nhất, đưa ra các quyết định liên quan đến các hoạt động của Mạng lưới và các cuộc tiếp xúc, làm việc giữa tỉnh Cao Bằng với Hội đồng và Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO; đại diện tổ chức Liên hợp quốc, UNESCO và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; Đại sứ quán các nước thông tin sơ bộ một số nội dung mà Hội đồng CVĐC đã thực hiện khi đến Cao Bằng; giới thiệu về tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của Cao Bằng và khả năng hợp tác với các nước. Phiên họp của Ban cố vấn Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - TBD (APGN AC) đánh giá tiến độ triển khai các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - TBD liên quan đến các lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản, quản lý và vận hành CVĐC toàn cầu UNESCO, giáo dục và cộng đồng, kế hoạch hoạt động giai đoạn 2022 - 2024, định hướng các hoạt động trao đổi, hợp tác trong Mạng lưới giai đoạn 2024 - 2026, các quốc gia ứng cử đăng cai Hội nghị quốc tế lần thứ 9 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu Khu vực Châu Á - TBD năm 2026 trình bày hồ sơ ứng viên... Phiên họp của Ban điều phối Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - TBD (APGN CC) báo cáo kết quả hoạt động của Mạng lưới khu vực Châu Á - TBD, CVĐC các quốc gia trong khu vực giai đoạn 2022 - 2024 và 9 tháng đầu năm 2024; trao đổi, thống nhất các hoạt động, sáng kiến, triển khai phương hướng hoạt động của Mạng lưới; thông báo sơ bộ về kết quả lựa chọn quốc gia đăng cai Hội nghị quốc tế lần thứ 9 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - TBD năm 2026. Bầu Ban điều phối của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - TBD năm 2024 - 2026.

anh tin bai

Lễ cắt băng khai trương không gian văn hóa các dân tộc, gian hàng CVĐC

Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Mạng lưới CVĐC toàn cầu ôn lại truyền thống, quá trình xây dựng và phát triển Mạng lưới CVĐC toàn cầu qua 20 năm trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản địa chất, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, các hoạt động bảo vệ môi trường, vì sự phát triển của cộng đồng và phát triển bền vững; nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các thành viên Mạng lưới trong việc thực hiện các mục tiêu chung của CVĐC toàn cầu UNESCO; quảng bá hình ảnh CVĐC toàn cầu UNESCO.

anh tin bai

Hội nghị APNG 8 năm 2024 tổ chức tại tỉnh Cao Bằng

Phiên Khai mạc và các phiên hội thảo chuyên đề có sự tham gia của các chuyên gia về các lĩnh vực chuyên ngành, thành viên Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu, Mạng lưới Châu Á - TBD với nội dung: Tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nối, hợp tác giữa các thành viên trong Mạng lưới; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình hiệu quả trong công tác xây dựng và phát huy mô hình CVĐC. Tại đây, các đại biểu dự Hội nghị trình bày các báo cáo, tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát triển, phát huy giá trị mô hình CVĐC, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản địa chất, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, các hoạt động bảo vệ môi trường, gắn với các hoạt động phát triền du lịch, vì sự phát triển của cộng đồng và phát triển bền vững. Các phiên Hội thảo tập chung vào 06 chủ đề chính: Tri thức bản địa và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển CVĐC; Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tai biến địa chất và thích ứng với Biến đổi khí hậu; Điều tra, đánh giá, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị các loại hình di sản; CVĐC với các mục tiêu phát triển bền vững; Tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng ở CVĐC; Khó khăn, thách thức ở các khu vực muốn trở thành CVĐC.

Bên cạnh các sự kiện chính, trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra các hoạt động song song và bên lề như: Hội thảo quốc tế phát huy giá trị danh hiệu UNESCO tại Việt Nam phục vụ phát triển bền vững chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng, phát triển, quản lý, và phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; Hội nghị thường niên của Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam, sơ kết các hoạt động của Tiểu Ban, các CVĐC trong Mạng lưới CVĐC Việt Nam, chia sẻ khó khăn thách thức trong công tác xây dựng, quản lý và phát triển CVĐC tại Việt Nam; Hoạt động trao đổi, ký kết biên bản hợp tác giữa các CVĐC trong Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - TBD và một số hoạt động Hội nghị, Hội thảo chuyên đề và trao đổi hợp tác khác.

anh tin bai

Gian hàng Câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC” Non nước Cao Bằng được nhiều học sinh quan tâm

Không gian trưng bày, quảng bá, triển lãm ảnh đẹp Non nước Cao Bằng, các gian hàng quảng bá giới thiệu các CVĐC toàn cầu và tiềm năng của Mạng lưới, gian hàng Câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC” Non nước Cao Bằng; Không gian văn hóa dân tộc trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng;; Triển lãm trưng bày các sản phẩm OCOP (trong và ngoài tỉnh), sản phẩm Mạng lưới đối tác CVĐC (có gắn logo CVĐC)... góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Cao Bằng, hình ảnh các vùng CVĐC của Việt Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế; qua đó, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về CVĐC; bảo tồn và phát huy các giá trị địa chất địa mạo, danh lam thắng cảnh, văn hóa truyền thống của cộng đồng; hình thành và đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, tạo sinh kế bền vững và phát triển cho nhân dân vùng CVĐC

Hành trình khám phá vẻ đẹp của “Xứ sở thần tiên”

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị APNG8 tại Cao Bằng, các đoàn đại biểu trong nước và quốc tế đi khảo sát thực địa 2 tuyến du lịch trải nghiệm trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.

Các đại biểu tham quan, khảo sát tuyến du lịch phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” với các điểm di sản văn hóa, lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc như Đền Vua Lê, vườn đá Hoàng Tung, hang Ngườm Bốc (Hòa An), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi gắn liền với sự kiện Bác Hồ về nước 28/1/1941 và lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tại Cao Bằng; Thung lũng treo Sóc Giang - nơi lưu giữ được hình thái cũng như các trầm tích nguồn gốc tích tụ bởi hoạt động của sông suối, một số chóp nón đá vôi như mọc ra ở rìa “thung lũng treo” là các mặt trượt đứt gãy, dấu vết của hoạt động kiến tạo cách ngày nay khoảng 10.000 năm; điểm hóa thạch cổ sinh Cúc đá (nhóm các loài sinh vật biển thân mềm tiến hóa cao nhất, cách đây 66 triệu năm) ở xóm Lũng Luông, xã Lũng Nặm (Hà Quảng).

anh tin bai

Hành trình khám phá tuyến du lịch phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”

Hành trình khám phá tuyến du lịch phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” với những điểm di sản: Cảnh quan karst trưởng thành và già đặc sắc với cảnh quan hùng vỹ, non nước hữu tình, những danh thắng nổi tiếng Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần Núi (huyện Trùng Khánh), Hồ Thăng Hen (huyện Quảng Hoà), …; các làng nghề truyền thống như làng rèn Phúc Sen, làng hương Phia Thắp, làng làm giấy bản Dìa Trên (huyện Quảng Hoà),…; khám phá những bản sắc truyền thống của đồng bào qua các lễ hội dân gian: hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên; hội Thanh minh; hội Lồng tồng; hội Nàng Hai…; trải nghiệm cuộc sống thanh bình với những ngôi làng cổ, thưởng thức làn điệu hát then đàn tính, ẩm thực mang hương vị núi rừng.

Các đoàn khảo sát được hòa mình cuộc sống thanh bình với những ngôi làng cổ, trải nghiệm những nét văn hóa bản địa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Mông, Dao... qua các làng nghề truyền thống, thưởng thức làn điệu hát Then đàn tính, ẩm thực đậm đà hương vị núi rừng Việt Bắc.

Từ sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, tỉ mỉ nên các hoạt động nghị sự và các hoạt động bề lề Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp, chiều 15/9 đã diễn ra Phiên Bế mạc, kết thúc Hội nghị APGN 8 năm 2024 tại Cao Bằng để lại nhiều ấn tượng về Cao Bằng trong tất cả các đoàn đại biểu. Thành công của Hội nghị APGN lần thứ 8 với nhiều quyết định quan trọng của Mạng lưới CVĐC toàn cầu, mạng lưới CVĐC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã tìm ra nhiều giải pháp, kinh nghiệm hữu ích trong công tác xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO.

Hội nghị là dịp để tỉnh Cao Bằng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát huy giá trị mô hình CVĐC với các nước trên thế giới; cơ hội xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Cao Bằng, tiềm năng du lịch miền đất và con người Cao Bằng tới đại biểu trong nước, đặc biệt là đại biểu quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, khát vọng tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, các Chương trình hành động của tỉnh, mở ra cho du lịch Cao Bằng nhiều cơ hội mới, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đột phá cho ngành du lịch của địa phương, từng bước vững chắc hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Dương Liễu - Kim Thoa

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1