Cao Bằng: Quyết tâm ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số
Thực tế, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội do đây vừa là nguyên nhân và cũng chính là hậu quả của nghèo đói và phát triển thiếu toàn diện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nòi giống, phát triển trí tuệ, chất lượng dân số. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, giảm chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Những đứa trẻ sinh ra từ những cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh. Tỉnh Cao Bằng đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 ngăn chặn thành công tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nâng cao nhận thức, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền
Học sinh lứa tuổi vị thành niên được xác định là đối tượng cần tuyên truyền nhiều nhất, bởi đây còn là lực lượng tuyên truyền viên tích cực nếu được tập huấn, bồi dưỡng. Do đó, Tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai đa dạng hình thức tuyên truyền, thông qua các cuộc thi tuyên truyền viên về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng hình thức sân khấu hóa; ngoại khoá, các hội thi tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về Luật Hôn nhân và Gia đình, tuyên truyền giới tính, sức khỏe sinh sản...
Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công 25 Hội thi “Rung chuông vàng” tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho học sinh tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh; tổ chức 12 hội thi bằng hình thức sân khấu hóa tại huyện Hà Quảng, Bảo Lâm, Bảo Lạc; tổ chức 93 buổi ngoại khoá, hoạt động giáo dục truyền thông, tư vấn cho gần 8.000 học sinh tại 32 trường Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh; nói chuyện chuyên đề tại 20 trường Trung học cơ sở của 4 huyện (Bảo Lạc, Hạ Lang, Hà Quảng, Trùng Khánh) về Dân số sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, lồng ghép phổ biến kiến thức về nâng cao chất lượng dân số với 2.687 người tham dự.
Trường Trung học Phổ thông Lý Bôn (Bảo Lâm) tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Em Nông Kim Hân, Trường phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Thông Nông, huyện Hà Quảng chia sẻ: Ngoại khóa tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng các hình thức cuộc thi, sân khấu hóa... rất sinh động, tạo sự hào hứng, giúp chúng em tiếp thu được kiến thức dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Sau khi hiểu được về tác hại và những hệ luỵ của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống em sẽ tuyên truyền cho gia đình, cho các bạn cùng trang lứa trong xóm để mọi người hiểu được việc kết hôn sớm là vi phạm pháp luật và mất đi nhiều cơ hội được học tập.
Em Vi Thị Bích Thuỷ, học sinh trường Tiểu học và THCS Bình Lãng, xã Thanh Long, huyện Hà Quảng cho biết: Nhà trường tổ chức cuộc thi tuyên truyền về Luật hôn nhân và gia đình dưới dạng tiểu phẩm và trả lời câu hỏi trắc nghiệm. Qua cuộc thi em tiếp thu được nhiều kiến thức thiết thực, bổ ích. Chúng em hiểu rõ không được kết hôn sớm, phải cố gắng học tập để mai sau có cuộc sống tốt hơn, để không phải vất vả như thế hệ trước.
Bên cạnh công tác tuyên truyền trong các trường học, Ban Dân tộc tỉnh đã lắp đặt 18 pano và tổ chức in, cấp phát 37.500 tờ rơi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức Hội nghị tập huấn cho cán bộ làm công tác dân tộc, báo cáo viên, tuyên truyền viên tại 15 xã trên địa bàn huyện Hoà An, Trùng Khánh, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình; Tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại các cuộc họp xóm, ngày hội đại đoàn kết dân tộc... đưa nội dung thực hiện đề án vào hương ước, quy ước tại địa phương, lồng ghép có hiệu quả với các chương trình khác.
Chủ tịch UBND xã Thanh Long, huyện Hà Quảng Triệu Văn Cản cho biết, xã Thanh Long được thực hiện Mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” từ năm 2016 đến nay, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Luật Hôn nhân và gia đình đến các trường học, xóm, bản. Hướng dẫn 100% xóm trên địa bàn xã xây dựng lại quy ước, hương ước có nội dung góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Phát tờ rơi tuyên truyền đến các hộ gia đình, tài liệu tuyên truyền có phiên âm cả tiếng dân tộc Mông, Dao… Khi chưa thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025 trên địa bàn xã có 04 cặp tảo hôn và 3 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trên địa bàn xã không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Từ kết quả thực hiện mô hình này, đã làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xã sẽ tiếp tục tăng cường lãnh, chỉ đạo thực hiện đề án coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Chỉ đạo các ngành, đoàn thể cộng đồng và gia đình tích cực xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa.
Tảo hôn giảm nhưng chưa bền vững
Cao Bằng là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ trên 95% dân số toàn tỉnh, công tác dân tộc được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã cho thấy sự quan tâm và hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Cao Bằng đã, đang tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách, tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”.
Kết hôn sớm mất đi nhiều cơ hội học tập và đời sống kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn
Năm 2023, toàn tỉnh có 95 trường hợp tảo hôn xảy ra tại các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm; 04 cặp kết hôn cận huyết thống xảy ra tại huyện Bảo Lâm, Hà Quảng, Hạ Lang, giảm 112 cặp so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh vẫn phát sinh 55 cặp tảo hôn, tăng 34 cặp so với năm 2023 tại các dân tộc Mông, Dao, Nùng, Tày, Sán Chỉ. Không phát sinh trường hợp kết hôn cận huyết thống.
Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng 01 bộ tài liệu tập huấn gồm 4 chuyên đề về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Duy trì 7 mô hình tại các huyện, xã có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2015 - 2020 và tiếp tục xây dựng 26 mô hình tại 9 huyện trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn, số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục có những giải pháp nâng cao đời sống kinh tế, trình độ văn hóa và hiểu biết của người dân, nhất là vùng DTTS với các hình thức đa dạng, linh hoạt, nhằm giúp bà con thay đổi nhận thức, tư duy cũ về việc kết hôn sớm, kết hôn cận huyết; phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Tiếp tục duy trì Mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại địa phương. Nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng. Thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Dương Liễu