Cao Bằng: Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới
Lượt xem: 680

Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của thông tin đại chúng, thông tin cơ sở (TTCS) vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, TTCS còn góp phần đảm bảo nhu cầu cung cấp thông tin đến với người dân, qua đó nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở.

Nâng cao nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của công tác TTCS

Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 05/9/2016 về “ Đẩy mạnh công tác TTCS trong tình hình mới” (Chỉ thị số 07-CT/TW), Tỉnh ủy Cao Bằng đã tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện Chỉ thị bằng việc tổ chức lồng ghép tại Hội nghị quán triệt, triển khai văn bản mới của Trung ương, của tỉnh đến đại diện Thường trực cấp ủy các cấp; các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh; báo cáo viên cấp tỉnh. UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông cơ sở… Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác TTCS. Công tác lãnh đạo chỉ đạo hướng về cơ sở, qua đó tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh tại địa bàn cơ sở.

anh tin bai

Văn phòng UBND tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai các văn bản mới ban hành của Trung ương và của tỉnh

Hằng năm, các cấp, các ngành xây dựng, ban hành kế hoạch công tác TTCS chuyên đề hoặc lồng ghép trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, chú trọng lựa chọn nội dung thiết thực, hữu ích để tuyên truyền đến người dân. Lực lượng thực hiện công tác TTCS trên địa bàn tỉnh được bố trí từ tỉnh đến cơ sở. Các sở, ban, ngành bố trí 01 tuyên truyền viên phụ trách TTCS theo chuyên ngành; 9/10 huyện, thành phố có Đội tuyên truyền lưu động cấp huyện; ở các xã, thị trấn đều có trên 10 tuyên truyền viên cơ sở, là Bí thư chi bộ, công chức văn hóa xã, đại diện Ban công tác Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, hoạt động ở xã, tổ xóm. Công tác phối hợp giữa các ngành các cấp trong tổ chức cung cấp thông tin, quản lý nội dung thông tin và tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền ở cơ sở được triển khai thực hiện bằng việc ký hợp đồng xây dựng chuyên mục tuyên truyền trên báo Cao Bằng, Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng. 5 năm qua đã có nhiều chuyên mục như: vì môi trường bền vững của sở Tài nguyên và Môi trường; “Thầy thuốc của bạn” của Sở Y tế; “Đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2018-2020: của Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh; “Lao động và công đoàn” của Liên đoàn Lao động; “Truyền hình Thanh niên” của Tỉnh đoàn Thanh niên… thực hiện 431 buổi cho hơn 63.000 lượt người nghe, người xem và tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho 1.230 lượt cán bộ, Nhân dân và học sinh trên địa bàn các xã biên giới đối với nội dung tuyên truyền về 03 Văn kiện pháp lý về quản lý, bảo vệ biên giới Việt Nam – Trung Quốc; phổ biến giáo dục pháp luật bằng các hình thức sân khấu hóa, loa phát thanh được 9 chương tình, biểu diễn 23 buổi, phục vụ cho 18.542 lượt người xem.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác TTCS

Các kênh báo chí chủ lực của tỉnh như Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, cùng với các kênh truyền thanh – truyền hình cấp huyện, truyền thanh cấp xã, hệ thống thiết yếu tại cơ sở đã thực hiện tốt vai trò cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin tình hình trong nước, trong tỉnh và trên địa bàn liên quan trực tiếp đến người dân ở địa phương, cơ sở. Những năm gần đây, cùng với việc phối hợp các hình thức tuyên truyền truyền thống như: tuyên truyền miệng, cổ động trực quan…, các địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh xây dựng, ứng dụng các hình thức tuyên truyền mới, nhằm tăng tính hấp dẫn, nâng cao hiệu quả công tác thông tin cơ sở, như: Xây dựng video clip, hình thành Website, Fanpage tuyên truyền trên Internet; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu,sáng tác, sáng tạo công cụ tuyên truyền, biên soạn, phát hành tài liệu bỏ túi, tờ gấp; phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương xây dựng, phát hành đến cơ sở, duy trì tổ chức chiếu phim tài liệu tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cho đồng bào vùng cao…

anh tin bai

Sản xuất chương trình phát thanh tại Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Bảo Lâm

Công tác TTCS chú trọng nội dung tuyên truyền phù hợp với đối tượng, nhóm đối tượng tuyên truyền, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên tuyền, tập trung vào các đối tượng: Người lao động, thế hệ trẻ, người dân, hộ gia đình… với các nội dung thiết thực phù hợp như: Tuyên truyền kiến thức lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước… Việc đổi mới nội dung, phương thức, hình thức tuyên truyền ở cơ sở đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giúp cho thông tin đến được người dân một cách nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện hơn, vì vậy lôi cuốn được sự tham gia, thực hiện của đông đảo Nhân dân ở cơ sở. Từ thông tin ở cơ sở, công tác tiếp nhận thông tin và trả lời thông tin phản ánh của người dân cũng kịp thời hơn, các vấn đề phát sinh liên quan hoạt động lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở của các cấp, các ngành trên địa bàn, bảo đảm các thông tin do người dân cung cấp được phản ánh đến cơ quan chức năng liên quan.

Tỉnh luôn quan tâm, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện để tổ chức công tác TTCS, đến nay toàn tỉnh có 116/161 xã, phường, thị trấn được lắp đặt, duy trì đường truyền kết nối đến tỉnh phục vụ hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường các hội nghị báo cáo viên, hội nghị tuyên truyền trực tuyến từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở, tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền nói chung, hoạt động TTCS nói riêng. Qua đó, cấp cơ sở tiếp cận, tham gia vào các hoạt động tuyên truyền ứng dụng công nghệ truyền thông đa phương tiện, được truyền  tải từ các hội nghị cấp Trung ương, cấp tỉnh. Ngoài ra các cơ quan, tổ chức chính trị - Xã hội cấp tỉnh, cơ quan báo chí địa phương cũng tăng cường xây dựng, đăng tải các Video clip, phát sống trực tiếp trên Fanpage Facebook, nhóm chat Zalo, trang thông tin điện tử, trình chiếu Powerpoint… để tuyên truyền các nội dung thiết yếu đến cơ sở. Đến nay, 100% các cơ quan có chức năng tuyên truyền và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh xây dựng, duy trì các phương thức truyền thông mới. Tiêu biểu như trang Facebook “ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng”; “Truyền hình an ninh Cao Bằng” với các nội dung tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gương người tốt việc tốt… đã thu hút hơn 80.000 lượt theo dõi, với lượng tương tác từ 500.000 lượt/tháng.

anh tin bai

Trang Fanpage Facebook cập nhật kịp thời các thông tin góp phần thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền

Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác TTCS lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu, dự án phát triển kinh tế xã hội của các bộ, ngành và địa phương, qua đó, từng bước đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất về thông tin và truyền thông, nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị ở các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo và huyện nghèo trên địa bàn tỉnh; nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản về thông tin và truyền thông cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xã, biên giới. Theo đó, Sở Thông tin và truyền thông đã triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho đối tượng là hộ nghèo dân tộc thiểu số theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với 270 bộ, cho 3 huyện (Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng); lắp đặt 76 trạm truyền thanh trên địa bàn các xã, huyện trong tỉnh theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Dự án các thiết chế Văn hóa, TTCS, đầy tư xây dựng Thư viện huyện Trùng Khánh với tổng kinh phí 2.280 triệu đồng; cấp xe ô tô thông tin lưu động cho 12 huyện; trang bị tăng âm, loa, đài cho trên 300 nhà văn hóa xã, tổ xóm… Các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 50 đầu sách với gần 30.000 cuốn sách và hơn 1.000 đĩa CD Audio. Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng Việt Nam” của quỹ BMGF đã tiếp nhân, cung cấp 365 máy tính được kết nối Internet, 54 máy in và các thiết bị phụ trợ kèm theo cho 27 điểm Bưu điện văn hóa xã và 27 điểm Thư viện ở cơ sở. Các cơ quan báo chí tỉnh ngày càng tăng cường, mở mới nhiều chương trình truyền thông về cơ sở như chuyên mục An toàn giao thông; Người tốt việc tốt; Xây dựng nông thôn mới; Quốc phòng – An ninh; Sức khỏe - Đời sống; Hiến pháp và Pháp luật; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Thắp niềm tin… trên Báo Cao Bằng; Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng. Tiếp tục mở rộng phạm vi, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác thông tin tuyên tuyền và các hoạt động văn hóa cơ sở, đáp ứng những yêu cầu cơ bản của công tác Văn hóa – TTCS. Đến nay 10/10 huyện, thành phố có Đài truyền thanh cấp huyện; 71/161 xã, phường, thị trấn có Đài truyền thanh cấp xã với trên 670 cụm loa được lắp đặt từ 2012 đến nay, trong đó có 07 Đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông. 9/10 huyện thành lập, duy trì đội tuyên truyền lưu động, hằng năm thực hiện khoảng 12 cuộc tuyên truyền lưu động và trên 20 lượt xe loa tuyên truyền. Toàn tỉnh có 53/161 xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa đạt 32%; 1.184/1.462 tổ, xóm có Nhà văn hóa, đạt 81%. 169/161 điểm bưu điện văn hóa xã, đạt 105%, trong đó có 28 xã có 02 điểm bưu điện – văn hóa xã; tỷ lệ điểm bưu điện – văn hóa xã đa địch vụ là 92%. 100% số tổ, xóm trên địa bàn tỉnh có Trung tâm học tập cộng đồng; 100% số xã có tủ sách pháp luật; 100% số xã, phường, thị trấn đã hoàn thành xây dựng, vận hành trang thông tin điện tử cấp xã; 100% số tổ, thôn, xóm đã lắp đặt, sử dụng Bảng tin công cộng trong hoạt động TTCS.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTCS

Trong giai đoạn tới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động nhanh chóng, phức tạp, diễn ra trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh, vừa đem lại thuận lời và thời cơ, vừa đặt ra những thách thức, khó khăn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta. Trong bối cảnh đó, công tác TTCS cần đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức để thực hiện tốt công tác TTCS, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác TTCS; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác TTCS; đưa công tác TTCS vào chương trình công tác hàng năm của cấp ủy, tổ chức đảng để thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; Tăng cường đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại mạng lưới cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác TTCS; nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thông tin tuyên truyền, báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở. Đổi mới, tổ chức, hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở theo hướng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự phối hợp giữa các chính trị - xã hội ở cơ sở. Tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác TTCS trong tình hình mới và các chủ trương của Đảng, các cơ quan Trung ương đối với công tác TTCS; Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác TTCS của Trung ương, của tỉnh để có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp; đưa TTCS trở thành hoạt động thường xuyên, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, hướng về cơ sở.

anh tin bai

Lắp đặt loa công cộng tại các khu dân cư phục vụ công tác thông tin tuyên truyền

Có thể khẳng định, trong những năm qua công tác thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã phát huy được vai trò, chức năng quan trọng là cầu nối cung cấp, truyền tải và phản hồi thông tin giữa người dân với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, qua đó tạo sự thống nhất về tư tưởng, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1