Bộ Giáo dục và Đào tạo: Triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024
Lượt xem: 948

Chiều 18/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng, đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì; tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và UBND các huyện, thành phố.

anh tin bai

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng

Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”; năm học 2022-2023, ngành Giáo dục cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Trong năm học qua, cả nước có trên 40.800 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; trên 18.500 cơ sở giáo dục thường xuyên. Chất lượng giáo dục các cấp học được củng cố và duy trì. Đối với giáo dục mầm non, sĩ số trẻ/nhóm lớp đều tăng so với năm học trước. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 56,9% (tăng 5,5% so với năm học 2021-2022); tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 70,4% (tăng 4,6% so với năm học 2021-2022); tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường duy trì 99,7%... Đối với giáo dục phổ thông, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy các môn học phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm tính khoa học, không gây áp lực đối với học sinh.

Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục của các trường Phổ thông Dân tộc nội trú dần được nâng lên. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đã được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc và an toàn; tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Theo bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm trước. Công tác chuyển đổi số trong quản lý và dạy, học được đẩy mạnh; các phong trào thi đua trong ngành giáo dục đạt nhiều kết quả.

Thảo luận tại Hội nghị các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ các nội dung về: Thực trạng giáo viên bỏ việc, nghỉ việc; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật; vấn đề bạo lực học đường; mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận kết quả tích cực ngành Giáo dục đã làm được, đồng thời bày tỏ trân trọng sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ giáo viên, các em học sinh trong năm học qua. Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn của ngành Giáo dục trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, trường lớp, giáo viên, cùng với đó là sự quan tâm, yêu cầu rất cao của người dân, xã hội. 

Nhiệm vụ năm học 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Các địa phương tiếp tục quan tâm hệ thống trường nội trú nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh vùng sâu, vùng xa; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua học tập suốt đời; quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học. Yêu cầu công tác GD&ĐT phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; phải kiên quyết, kiên trì không cho ma túy xuất hiện trong môi trường học đường; khắc phục tình trạng bạo lực học đường. Quan tâm hệ thống sách giáo khoa. Chú trọng nâng cao chất lượng các cấp học. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường học. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương nhà giáo, học sinh tiêu biểu; kiên quyết xử lý các trường hợp đưa thông tin sai lệch. Trên tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm, quyết liệt thực hiện chủ đề năm học 2023-2024 đã đề ra đó là: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

 

Dương Liễu

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1