Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Lượt xem: 38

Chiều ngày 22/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; Đại sứ/Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các doanh nghiệp nhà đầu tư. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Chính phủ đến điểm cầu các tỉnh, thành trong toàn quốc và điểm cầu tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.

Điểm cầu tỉnh Cao Bằng do đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành; lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh.

anh tin bai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy chủ trì tại điểm cầu tỉnh

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao: Trong những tháng đầu năm 2025, công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng đã được triển khai một cách chủ động, quyết liệt và toàn diện, đóng góp thực chất cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của đất nước. Ngoại giao kinh tế tiếp tục được thể chế hoá, hệ thống hoá một cách bài bản; có được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương. Hoạt động đối ngoại cấp cao sôi động đã góp phần tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường quan hệ tốt đẹp với các đối tác trên cơ sở tin cậy, chân thành, hài hòa lợi ích; làm sâu sắc hơn nội hàm hợp tác kinh tế và thế đan xen lợi ích, duy trì và củng cố môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển.

Số lượng đoàn đối ngoại trong nửa đầu năm 2025 gần bằng cả năm 2024; hơn 200 cam kết, thỏa thuận được ký kết; nâng cấp quan hệ với 10 nước. Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA), Liên minh Châu Phi (AU), Liên minh thuế quan miền Nam Châu Phi (SACU), Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Qatar, Ai Cập… Hội nhập quốc tế được thúc đẩy chủ động, có chiều sâu, phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần thu hút nguồn lực phục vụ phát triển, đồng thời nâng cao uy tín và vị thế của đất nước.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương tổ chức hơn 150 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương ở trong và ngoài nước... Đồng thời, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp kết nối đối tác, tiếp cận, thiết lập và mở rộng sự hiện diện tại thị trường nước ngoài.

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình; phân tích nguyên nhân; bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp đột phá, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư nhằm tăng tốc thu hút đầu tư vào Việt Nam, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và nâng kim ngạch thương mại; kết nối, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, để các doanh nghiệp, thương hiệu Việt vươn xa ra thế giới. 

anh tin bai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị (ảnh chụp qua màn hình)

 Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những đóng góp thiết thực của các cơ quan đại diện, cộng đồng doanh nghiệp và kiều bào vào sự phát triển chung của đất nước. Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế, góp phần triển khai Nghị quyết 59-NQ/TW, ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới và các nghị quyết quan trọng khác. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, trưởng các cơ quan đại diện, các địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với tinh thần “ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm của ngoại giao thời đại mới” qua đó, kết nối nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế trên thế giới;

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh đối thoại, tư vấn chính sách về các vấn đề kinh tế phát triển của Việt Nam, cùng với đó, tiếp tục đưa quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, bền vững, lâu dài; thúc đẩy và tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức). Tập trung thu hút và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án FDI; triển khai đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy xúc tiến thương mại; khai thác hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thúc đẩy ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm mở rộng xuất khẩu, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả ở nước ngoài, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Kim Thoa

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1