Hội nghị toàn quốc tổng kết 02 chương trình MTQG và 02 phong trào thi đua về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
Lượt xem: 755

Chiều ngày 22/6/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025. Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Mai Văn Chính; Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, thành viên các Ban Chỉ đạo chương trình MTQG, Ban Chỉ đạo các phong trào thi đua, đại diện một số tổ chức quốc tế.

Điểm cầu tỉnh Cao Bằng do đồng chí Vũ Hồng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ và đồng chí Lê Hải Hoà, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì. Cùng dự có các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025.

anh tin bai

các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

Theo báo cáo tại Hội nghị, 02 chương trình MTQG (xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững) tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn, nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; đã cải thiện rõ rệt điều kiện sống, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đến nay, cả nước có 6.084/7.669 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 79,3%; có 2.567 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 743 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cả nước có 329/646 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 12 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cả nước có 16.543 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 8.924 chủ thể.

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã đạt và vượt các chỉ tiêu hằng năm do Quốc hội và Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân giảm 1,03%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo bình quân giảm 6,7%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân giảm 4,45%/năm; có 19 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Từ năm 2021-2025, đã đầu tư xây dựng mới 2.547 công trình thiết yếu, gồm: 1.396 công trình giao thông, 265 công trình thủy lợi, 472 công trình giáo dục, 41 công trình y tế, 96 công trình nước sạch, 161 công trình văn hóa, 51 công trình điện và 65 công trình khác.

Thông qua các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của người dân. Hàng triệu hộ dân hiến đất, đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức, đoàn thể đóng vai trò tích cực trong vận động, giám sát, truyền thông và phản biện xã hội, góp phần nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong thực hiện 02 Chương trình.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện, chia sẻ những cách làm, mô hình hay, sáng tạo, điển hình; tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích nổi bật; thảo luận định hướng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026 -2030 như: sự cần thiết đầu tư Chương trình trong bối cảnh hiện nay; các quan điểm, mục tiêu; phạm vi và quy mô; nội dung thực hiện; giải pháp tổ chức thực hiện trong bối cảnh, yêu cầu mới; việc lồng ghép các chương trình; triển khai hiệu quả các chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP),…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương trong thời gian tới cần nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó, chú trọng nâng cao sản phẩm OCOP, có chuỗi liên kết với các doanh nghiệp để giảm đầu vào trong sản xuất cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào tạo ra thương hiệu sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, cơ cấu lại ngành nông nghiệp xanh và bền vững; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (điện, đường, trường, trạm) khang trang. Huy động sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, nhằm phát huy sức mạnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kiên định trong giảm nghèo bền vững. Trong đó, đẩy mạnh các thể chế phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển hạ tầng chiến lược về giao thông, nông nghiệp xanh, sinh thái; xây dựng yếu tố con người nông dân phù hợp với giai đoạn mới; đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu hưởng thụ của người tiêu dùng và đa dạng hoá cung ứng, thị trường.

Kim Thoa

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1