Thuỷ văn tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 406

Thuỷ văn tỉnh Cao Bằng

 1. Hệ thống sông, suối

Cao Bằng có mật độ sông, suối ở mức trung bình (0,5 - 1,0 km/km2), tuy nhiên mật độ có khác nhau giữa các địa phương trong tỉnh. Ở vùng đá vôi (huyện Trùng Khánh), mật độ sông, suối thấp hơn (dưới 0,5 km/km2).

Những sông lớn của tỉnh đều bắt nguồn từ Trung Quốc hoặc từ biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Do cấu tạo địa hình, sông ngòi của tỉnh có hai hướng chảy khác nhau rõ rệt. Một số sông chảy về phía tây như sông Gâm, sông Neo; một số sông chảy về phía đông và đông nam như sông Bằng, sông Quây Sơn và sông Bắc Vọng.

Sông, suối chảy qua miền núi và cao nguyên nên nước chảy xiết, nhiều thác ghềnh, có tiềm năng lớn về thuỷ điện. Mức nước sông lên xuống theo mùa, mùa mưa nước dồn nhanh xuống các khe núi và thung lũng gây ra lũ ống, lũ quét. Mùa khô nước cạn, nhiều khúc sông có thể lội qua lại được. Giữa hai mùa, lượng nước chảy chênh nhau rất lớn.

Mạng lưới sông, suối ở Cao Bằng chủ yếu gồm các hệ thống sông và các sông chính như sau:

a) Hệ thống sông Bằng

Là hệ thống sông lớn nhất chảy qua địa bàn tỉnh, sông bắt nguồn từ vùng núi Nà Vài (Trung Quốc) ở độ cao 600 m, chảy theo hướng tây bắc - đông nam qua các vùng: Sóc Giang (huyện Hà Quảng), Nước Hai (huyện Hòa An), thành phố Cao Bằng rồi chảy qua Tà Lùng (huyện Quảng Hòa) sang Thuỷ Khẩu, Long Châu, Trung Quốc. Đoạn sông Bằng chảy qua địa phận tỉnh Cao Bằng dài 110 km, lưu lượng nước trung bình trong năm: 72,5 m3/s, độ dốc sông 2%, hệ số uốn khúc 1,29. Thuộc hệ thống sông Bằng có 4 phụ lưu lớn là sông Dẻ Rào, sông Hiến, sông Trà Lĩnh và sông Bắc Vọng:

- Sông Dẻ Rào: bắt nguồn từ biên giới Việt Nam - Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam, chảy qua Thông Nông (huyện Hà Quảng), huyện Hòa An, nhập lưu với sông Bằng tại thị trấn Nước Hai. Sông có chiều dài 53 km, diện tích toàn lưu vực thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng là 686 km2. Sông có nhánh lớn là sông Nguyên Bình, bắt nguồn từ thị trấn Tĩnh Túc qua xã Thể Dục (huyện Nguyên Bình) chảy theo hướng tây - bắc, khi ra khỏi địa phận xã Minh Thanh, sông đổi hướng chảy nam - bắc và nhập với sông Dẻ Rào tại xã Trương Lương (huyện Hòa An).

- Sông Hiến: Là phụ lưu lớn nhất của sông Bằng, là hội tụ của hai tiểu nhánh sông Pác Cáp và sông Nghiêm chảy theo hướng tây nam và đông nam đổ về thành phố Cao Bằng nhập vào sông Bằng tại Nước Giáp, cách cửa sông chính 53 km. Sông Hiến nằm hoàn toàn trong vùng diệp thạch thuộc đới sông Hiến. Độ cao bình quân lưu vực thuộc loại lớn trong vùng, khoảng 526 m. Độ cao từ trên 400 m trở lên chiếm trên 80% diện tích toàn lưu vực. Độ dốc bình quân lưu vực thuộc loại lớn nhất trong cả hệ thống sông Bằng, đạt tới 26,8%.

- Sông Trà Lĩnh: bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào Cao Bằng tại thị trấn Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh), sau đó hợp lưu với sông Cô Mười, chảy khoảng 7 km đến xóm Thang Sặp, xã Cao Chương (huyện Trùng Khánh) ở phía nam thì chảy ngầm vào hang núi Rù Sẳp xuyên núi đá vôi tạo thành thác nước Nặm Chá rồi đổ vào hồ Thăng Hen. Từ hồ Thăng Hen, chảy ngầm qua xã Quốc Toản (huyện Quảng Hòa), sau đó xuất hiện trở lại trên bề mặt, chạy song song với quốc lộ 3 ở phía nam và hợp lưu vào sông Bằng ở thành phố Cao Bằng.

- Sông Bắc Vọng: chảy vào Cao Bằng theo hướng tây bắc - đông nam tại xã Tri Phương (huyện Trùng Khánh). Dòng sông tiếp tục đi qua địa bàn các xã Quang Trung, Trung Phúc, Đoài Dương (huyện Trùng Khánh). Đến địa phận huyện Hạ Lang, sông vẫn chảy theo hướng tây bắc - đông nam qua ranh giới các xã Kim Loan, xã An Lạc, sau đó chuyển hướng bắc nam và tạo thành ranh giới giữa xã An Lạc với xã Vinh Quý. Đến huyện Quảng Hòa, sông chảy theo hướng đông bắc - tây nam qua xã Bế Văn Đàn. Nhánh sông phía nam bắt nguồn từ xã Phi Hải (huyện Quảng Hòa) chảy theo hướng tây bắc - đông nam song song với nhánh bắc. Sông lần lượt chảy qua các xã Quảng Hưng, Độc Lập, Cai Bộ rồi hợp lưu với nhánh phía bắc ở xã Bế Văn Đàn. Do dòng bắc trước đó đã đổi hướng đông bắc - tây nam nên ngã ba sông tạo thành một hình sao ba cánh khá cân đối.

Sau khi hợp lưu, sông Bắc Vọng tiếp tục chảy trên địa phận xã Bế Văn Đàn theo hướng bắc - nam, rồi đổi sang hướng đông - tây đi qua ranh giới giữa xã Bế Văn Đàn và xã Cách Linh. Sau đó, sông Bắc Vọng đổi dòng bắc - nam và trở thành một đoạn biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc trước khi đổ vào sông Bằng ở thị trấn Tà Lùng (huyện Quảng Hòa).

b) Hệ thống sông Quây Sơn

Sông Quây Sơn có hai nhánh chính đều bắt nguồn từ Trung Quốc, có tổng chiều dài 76 km. Nhánh lớn nhất chảy vào Cao Bằng ở xã Ngọc Côn (Trùng Khánh); nhánh thứ hai còn gọi là sông Tà Pè, chảy theo hướng đông nam, qua xã Phong Nặm, Ngọc Khê, hợp lưu với nhánh chính tại Khả Mong, xã Ngọc Khê; sau đó chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, Đàm Thuỷ (huyện Trùng Khánh). Sông chảy quanh co qua những vùng núi đá vôi gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc rồi chảy sang Trung Quốc tại cửa khẩu Lý Vạn (xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang). Chiều dài trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là 38 km, diện tích lưu vực sông Quây Sơn thuộc Việt Nam là 465,01 km2. Đây là con sông khúc khuỷu nhất, lòng sông mấp mô nhiều ghềnh thác. Trên đường đi, có khúc sông luồn qua hang đá như ở phía trên trạm thuỷ điện Thoong Cót.

Các nhánh sông, suối lớn thuộc lưu vực sông Quây Sơn là sông Quây Sơn Tây, sông Quây Sơn Đông, suối Bản Viết, suối Na Vy và suối Gun.

Đoạn cuối cùng của sông Quây Sơn trên lãnh thổ Cao Bằng là đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Tại đây đã hình thành thác Bản Giốc, một thác nước hùng vĩ, vào loại đẹp nhất nước ta và là một trong 4 thác nước lớn, đẹp nhất trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia (thác Iguazu ở biên giới Brazil và Argentina, thác Victoria ở biên giới Zambia và Zimbabwe; thác Niagara ở biên giới Mỹ và Canada).

c) Hệ thống sông Gâm

Sông Gâm là một phụ lưu của sông Lô, bắt nguồn từ Quảng Tây (Trung Quốc) chảy vào miền Bắc Việt Nam. Sông Gâm chảy qua tỉnh Cao Bằng ở xã Khánh Xuân (huyện Bảo Lạc) và kết thúc ở thị trấn Pác Miầu (huyện Bảo Lâm), diện tích lưu vực là 1.641,7 km2 (chưa kể phần sông Năng). Các sông nhánh lớn của sông Gâm thuộc Cao Bằng là sông Neo và sông Nho Quế.

- Sông Nho Quế: chảy theo hướng đông nam rồi nhập vào sông Gâm tại Nà Ngàn (phía tây nam thị trấn Bảo Lạc, cách thị trấn 15 km).

- Sông Neo bắt nguồn từ vùng núi Phja Oắc chảy theo hướng tây bắc rồi đổ vào sông Gâm tại thị trấn Bảo Lạc.

Sông Gâm và các phụ lưu có tiềm năng thuỷ điện lớn, là con sông có nhiều cá tự nhiên nhất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

 2. Hệ thống hồ

Cao Bằng có 47 hồ lớn, nhỏ, bao gồm hồ tự nhiên và nhân tạo.

a) Hồ tự nhiên: Chủ yếu là hồ cacxtơ, lớn nhất là hồ Thăng Hen (hay còn gọi hồ Thang Hen).

Hồ Thăng Hen: Thuộc khu vực cao nguyên đá vôi miền đông, nằm ở độ cao 500 - 600 m so với mực nước biển, cách đèo Mã Phục gần 4 km, thuộc xã Quốc Toản (huyện Quảng Hòa), tiếp giáp các xã Cao Chương (huyện Trùng Khánh) và các xã Nguyễn Huệ, Ngũ Lão (huyện Hoà An). Hồ được hình thành do miền núi đá vôi bị bào mòn hoặc bị nước đục khoét sụt xuống thành các thung bị bùn sét lắng đọng không thoát nước.

Vùng hồ Thăng Hen bao gồm các hồ to, nhỏ khác nhau, nối với nhau thành một chuỗi 36 hồ, trong đó có 7 hồ lớn gồm: Thăng Ghị Rằng, Thăng Loỏng, Thăng Luông, Thăng Nạm Chá, Thăng Ghiều, Thăng Hoi và Thăng Hen (đây là hồ chính và lớn nhất).

Nước hồ Thăng Hen hàng ngày vẫn có 2 đợt thuỷ triều lên xuống. Độ chênh lệch của mực nước lớn và nhỏ trong hồ - giữa mùa mưa và mùa khô - có thể tới 15 hoặc 20 m. Vào mùa lũ lớn, do có cả nước bề mặt đổ về nên nước chảy đi không kịp, làm cho nước hồ tràn sang các thung lũng liên kết tạo thành một chuỗi có tới 36 hồ. Vào mùa khô hồ cạn nước, chỉ còn ít nước tại hồ chính Thăng Hen với mức nước thấp nhất là 10 m, các sông, suối đều chảy ngầm hoàn toàn. Vùng hồ Thăng Hen là một thắng cảnh có tiềm năng du lịch hấp dẫn khách trong và ngoài tỉnh, là nơi điều tiết nước cho suối Củn, góp phần cung cấp thực phẩm tôm cá cho nhân dân quanh vùng.

b) Hồ nhân tạo

Cao Bằng đã xây dựng một số hồ nhân tạo để lấy nước phục vụ sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản, giải trí, du lịch, lấy nước sinh hoạt, gồm các hồ lớn như: Khuổi Lái, Nà Tấu, Khuổi Áng, Phja Gào, Khuổi Khoán (huyện Hoà An), hồ Khuổi Kỳ (huyện Hà Quảng), hồ Bản Viết (huyện Trùng Khánh)...

 3. Nguồn nước ngầm

Theo tài liệu khảo sát thăm dò địa chất thuỷ văn và tìm kiếm nước dưới đất của Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc: Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của Cao Bằng khoảng 1,47 triệu m3/ngày đêm. Do cấu trúc địa chất - địa hình, Cao Bằng hình thành các mạch nước ngầm, hồ hay động ngầm:

- Dải suối ngầm từ thị trấn Quảng Uyên đến xã Ngọc Động (huyện Quảng Hòa). Dải suối ngầm từ thị trấn Quảng Uyên đến sông Bắc Vọng.

- Hồ ngầm ở Lũng Luông, xã Hạnh Phúc và Bó Luông, xã Ngọc Động (huyện Quảng Hòa).

- Hang động ngầm với các mỏ nước Lũng Si, Lũng Luông thuộc xã Phi Hải (huyện Quảng Hòa), động Ngườm Ngao thuộc xã Đàm Thuỷ (huyện Trùng Khánh).

- Các mạch nước ngầm, xuất hiện các dòng chảy có cửa biến, cửa hiện thường gặp nhiều ở các vùng núi đá vôi.

Nguồn nước ngầm nếu khai thác tốt, có thể tạo thêm nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt cho nhân dân địa phương.

Theo sách địa lí - lịch sử  tỉnh Cao Bằng

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1