Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV: Đại biểu Bế Minh Đức thảo luận về phát triển KT - XH đối với vùng dân tộc thiểu số
Lượt xem: 2336

Sáng 30/10, tại chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KT - XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Đại biểu Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng tham gia phát biểu thảo luận.

Đại biểu Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng phát biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu Bế Minh Đức tán thành và đánh giá cao đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển KT - XH năm 2019, những nhiệm vụ được xác định trong năm 2020. Đại biểu nhấn mạnh: Cùng với những kết quả ấn tượng trong phát triển KT - XH chung của cả nước, đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số hiện nay vẫn là khu vực còn nhiều khó khăn nhất. Bởi đó là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với cả nước (chỉ bằng 40 - 50% bình quân cả nước; dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo cả nước), chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất (vẫn còn 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo),  KT - XH phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất…

Nguyên nhân của những tình trạng trên là do vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt…, chi phí cho sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên khó khăn để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển KT - XH; hệ thống chính sách phát triển KT - XH dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa đồng bộ, phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển còn bất cập, phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, chặt chẽ. Vốn đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi 5 năm qua thấp, nhất là đầu tư hạ tầng (trung bình xã thuộc Chương trình 135 được đầu tư 1 tỷ đồng/năm, thôn đặc biệt khó khăn được đầu tư 200 triệu đồng/năm). Hiện, cả nước còn 9.474 thôn (tương đương 19,59% số thôn) chưa có đường cứng hóa đến trung tâm xã,  7% thôn chưa có điện lưới quốc gia. Riêng Cao Bằng còn gần 10% số thôn chưa có điện, 72.634 phòng học, 1.335 trạm y tế chưa được kiên cố hóa…

Đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm nghiên cứu có cơ chế đặc thù trong đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước hằng năm cho các địa phương miền núi, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện khó khăn. Trong xây dựng chính sách và phân bổ nguồn lực cần xem xét đến những đặc điểm khó khăn đặc thù của miền núi, dân tộc thiểu số (địa hình phức tạp, chia cắt, hạ tầng thấp kém, thiếu sự kết nối, vốn đầu tư hoàn toàn phụ thuộc ngân sách Trung ương…), cần nâng mức vốn đầu tư hằng năm từ các chương trình lên gấp đôi, gấp 3 lần so với hiện nay.

Đề nghị Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ kết nối khu vực miền núi, tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi kết nối liên vùng, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, nhất là bố trí vốn đầu tư xây các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng, trong đó có tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1