Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020
Lượt xem: 3353

Sáng 24/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2020 với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Uông Chu Lưu,  Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì Hội nghị. 

Tham dự tại điểm cầu Cao Bằng có các đồng chí Nông Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng chí Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng

Năm 2019, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, hoàn thành và bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.  Hoàn thành 125/151 nhiệm vụ do Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn; Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành được đẩy mạnh, chỉ số cải cách hành chính của Bộ tăng 1 bậc, xếp thứ 3/18 bộ. Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý đạt mức cao, cấp tỉnh đạt 83,08%, cấp xã đạt 84,04%; Tích cực hoàn thiện, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua 18 dự án luật và nhiều nghị quyết; đã xây dựng, trình và ban hành 881 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Toàn ngành thẩm định 6.606 dự thảo VBQPPL; kiểm tra theo thẩm quyền 14.404 VBQPPL, phát hiện 339 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền chiếm tỷ lệ 2,35%; Rà soát 40.304 VBQPPL, trong đó xử lý đối với 7.692 văn bản; Kết quả thi hành án dấn sự năm 2019 vế số lượng vụ việc và tiền đều tăng cao so với năm 2018. Tổng số thụ lý gần 980.000 việc (tăng 4,99%) với trên 273.000 tỷ đồng (tăng 39,81%); Tiếp nhận 8.857 đơn khiếu nại, tố cáo tương ứng 6.122 việc, đã giải quyết 3.087 việc đạt tỷ lệ 96,32%; 100% các tỉnh thành hoàn thành việc đào tạo, hướng dẫn triển khai hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung; 60/63 địa phương đã triển khai sử dụng hệ thống; Triển khai kết nối liên thông thành công dữ liệu đăng ký khai sinh với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Cấp chứng chứng chỉ hành nghề luật sư cho 1366 trường hợp, các luật sư đã thực hiện 109.097 vụ việc, nộp thuế gần 285 tỷ đồng; Các trung tâm trợ giúp pháp lý tiếp nhận và thực hiện trên 47.000 vụ việc, trong đó số vụ việc tham gia tống tụng chiếm 48%, tăng 23,1% so với năm 2018; Cả nước tổ chức gần 1.100.000 cuộc tuyên truyền pháp luật cho trên 70,5 triệu lượt người, phát miễn phí gần 50 triệu bản tài liệu tuyên truyền; Tiếp nhận trên 123.000 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành công đạt 83,13%, tăng 2,3%. Đến nay có 7.758/9.874 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt gần 80%, cao hơn 20% so với năm 2018; Bộ và các Sở tiến hành trên 560 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với gần 1000 tổ chức, ban hành 257 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng ...

Trong năm 2020, Bộ Tư pháp phấn đấu thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, 11 nhiệm vụ cơ bản liên quan đến các lĩnh vực của ngành. Trong đó, phấn đấu nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến THADS, thi hành án hành chính; Tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; Triển khai thực hiện tốt về tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số các vấn đề như công tác xây dựng VBQPPL; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giao dục pháp luật; Về triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch; khó khăn vướng mắc trong công tác nuôi con nuôi tại địa phương; các giải pháp nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành tư pháp đạt được trong năm qua. Để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành tư pháp đã đề ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị ngành tập trung xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện sớm các chương trình, kế hoạch công tác để cụ thể hóa nhiệm vụ, bảo đảm tính khả thi, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành để thực hiện ngày càng hiệu quả hơn nhiệm vụ được giao. Ứng dụng mạnh mẽ, tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin, công nghệ số vào công tác của Bộ, ngành tư pháp, nhất là trong chế độ thông tin, thống kê, báo cáo, gửi/nhận văn bản điện tử. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với Bộ, các cơ quan cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công tác; đổi mới lề lối làm việc; phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong khi giải quyết yêu cầu của người dân. Đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực đạt kết quả cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1