Thạch An kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đông Khê (18/9/1950 - 18/9/2020)
Lượt xem: 2952
Ngày 18/9, huyện Thạch An tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đông Khê (18/9/1950 - 18/9/2020).

Tham dự có các đồng chí: Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Dừa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; Đàm Viết Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Bùi Khiêm, Vụ Phó Vụ địa phương 1, Ban Tổ chức Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị lực lượng vũ trang; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn); lãnh đạo thường trực Huyện ủy, Thành ủy, UBND các huyện, Thành phố...

Văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm.

Chiến thắng Đông Khê, Chiến dịch Biên giới năm 1950 là sự kiện quan trọng của lịch sử 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức, chỉ huy; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Trưởng Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy Chiến dịch. Đây cũng là chiến dịch duy nhất đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận, trực tiếp chỉ đạo tại Nà Lạn, xã Đức Long (Thạch An).

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đông Khê là dịp ôn lại dấu mốc lịch sử quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của huyện Thạch An nói riêng và cả nước nói chung, qua đó, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của dân tộc. Chiến thắng Đông Khê khẳng định sự sáng suốt của Trung ương Đảng, Bác Hồ, Bộ Tư lệnh Chiến dịch, Tỉnh ủy Cao Bằng và Liên Khu 1, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, đơn vị huyện Thạch An.

Sau Chiến thắng Đông Khê, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Thạch An bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm; tiếp tục đóng góp sức người, sức của cùng với cả nước chi viện cho tiền tuyến kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành lại non sông, đất nước, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, huyện Thạch An có 647 gia đình được ghi nhận có công với nước, 435 gia đình liệt sĩ, 113 thương binh, 26 bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng", 44 Lão thành cách mạng, 56 cán bộ tiền khởi nghĩa, 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang và nhiều danh hiệu cao quý khác được trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Với những thành tích đạt được, năm 2010, Đảng bộ và nhân dân huyện Thạch An được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thạch An tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 10%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; lương thực bình quân đầu người đạt trên 510 kg; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 54,2% triệu đồng/ha. Huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch An tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, năng động, sáng tạo, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái tự  nhiên, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, di tích lịch sử, góp phần phát huy các giá trị di sản gắn với Công viên địa chất Toàn cầu UNESSCO Non nước Cao Bằng.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1