Hội nghị trực tuyến phát triển kinh tế khu vực biên giới
Lượt xem: 2105

Sáng 16/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến phát triển kinh tế khu vực biên giới với 25 tỉnh biên giới trên cả nước. Dự hội nghị có lãnh đạo một số Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương.

Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hải Hòa; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

 

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng

Theo báo cáo tại Hội nghị, Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 4.924 km tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia đi qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam (435 xã, phường, thị trấn biên giới thuộc 103 huyện, thị xã, thành phố biên giới của Việt Nam), 2 tỉnh/khu tự trị của Trung Quốc, 10 tỉnh của Lào và 10 tỉnh của Campuchia.

Năm 2020, nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều thách thức do dịch COVID-19 gây ra, tuy nhiên, 24/25 tỉnh biên giới vẫn đạt mức tăng trưởng dương (trừ tỉnh Quảng Nam -7%). 15 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (2,91%). 6 tháng đầu năm 2021, tất cả các địa phương biên giới tăng trưởng dương, 20 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (5,64%).

Hoạt động sản xuất công nghiệp tại các tỉnh biên giới và các khu vực biên giới tiếp tục phục hồi và phát triển. Năm 2020, có 17/25 tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước (3,4%).

6 tháng đầu năm 2021, 13/25 tỉnh khu vực biên giới có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước (9,3%). Những tỉnh còn lại đều có tốc độ tăng trưởng dương nhưng thấp hơn mức tăng bình quân của cả nước.

Đến nay, các tỉnh biên giới bước đầu đã hình thành một số hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp và thương mại tại khu vực biên giới, bao gồm các cụm công nghiệp (CCN) và khu kinh tế (KKT) cửa khẩu. Cả nước có 26 KKT cửa khẩu; có 319 CCN đã được thành lập tại các tỉnh biên giới.

Sản xuất điện năng tăng trưởng, đóng góp đáng kể vào tổng sản lượng điện cả nước, góp phần củng cố an ninh năng lượng, đảm bảo sản xuất và nâng cao đời sống cho Nhân dân. Sản xuất nông nghiệp tại khu vực biên giới đã đóng góp cùng với ngành nông nghiệp thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch...

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã làm rõ hơn về tình hình kinh tế khu vực biên giới tại các địa phương; đồng thời, nêu một số kiến nghị phát triển kinh tế biên giới như: quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông KKT cửa khẩu, tham mưu Chính phủ các chính sách đặc thù cho khu vực cửa khẩu; đẩy mạnh các hoạt động logistics; đầu tư chợ đầu mối khu vực biên giới…

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh 8 nhóm giải pháp phát triển bền vững kinh tế khu vực biên giới (Ảnh báo công thương)

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các địa phương trong thời gian tới cần có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho xuất khẩu; kịp thời nâng cấp và mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của nhân dân, doanh nghiệp. Nâng cao năng lực thị trường xuất khẩu và xúc tiến thương mại; đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực biên giới...

Kim Cúc

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1