Bí thư Tỉnh uỷ Trần Hồng Minh tiếp xã giao Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên
Chiều 11/9/2024, Đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng tiếp xã giao Bà Lidia Brito (Li đi a Bờ rít tô), Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên nhân dịp tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng.
Cùng dự buổi tiếp có các đồng chí: Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh.
Các đại biểu dự buổi tiếp xã giao
Tại buổi tiếp, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Hồng Minh bày tỏ vui mừng được tiếp đón Đoàn công tác của UNESCO, đặc biệt là Bà Lidia Brito đã nhận lời đến thăm và dự Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại tỉnh Cao Bằng.
Bí thư Tỉnh uỷ chia sẻ: Cao Bằng là địa phương thứ hai của Việt Nam đón nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu do Hội đồng UNESCO công nhận vào tháng 4/2018. CVĐC Non nước Cao Bằng nằm ở phía Bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km, có diện tích hơn 3.683 km2, là một miền đất hiếm có, nơi du khách có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất. Tạo hóa ban tặng cho CVĐC Non nước Cao Bằng nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, hấp dẫn và nổi tiếng như: Thác Bản Giốc; động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén… Cao Bằng có bề dày về lịch sử văn hóa, là vùng đất có tài nguyên văn hóa vật thể phong phú được thể hiện qua hệ thống di sản, di tích trong đó nhiều di tích được công nhận cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh và bảo vật quốc gia. Những giá trị về địa chất, đa dạng sinh học, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể của CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng đã tạo nên một CVĐC toàn cầu với những giá trị đặc sắc và riêng biệt so với các CVĐC toàn cầu khác.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Hồng Minh trao đổi với Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên
Trải qua giai đoạn xây dựng và phát triển CVĐC từ năm 2015 - 2024, ngành du lịch tỉnh có kết quả tăng trưởng khá nhanh từ việc triển khai mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO. Với các kết quả đã đạt được, tỉnh Cao Bằng chắc chắn tiếp tục phát triển CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng theo các tiêu chí của UNESCO; Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục về CVĐC cho cộng đồng và trong trường học; Phát triển mạng lưới đối tác CVĐC cam kết chia sẻ trách nhiệm xã hội và môi trường trong kinh doanh; bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong cộng đồng để đảm bảo tất cả người dân trong cộng đồng đều được hưởng lợi từ thành quả phát triển kinh tế xã hội.
Cao Bằng mong muốn UNESCO tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các CVĐC toàn cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên phát biểu tại buổi tiếp xã giao
Bày tỏ vui mừng và cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị của lãnh đạo tỉnh Cao Bằng dành cho bà và đoàn công tác. Bà Lidia Brito chia sẻ CVĐC Non nước Cao Bằng là một hình mẫu hợp tác hiệu quả với UNESCO và Việt Nam là quốc gia thành viên chủ động, tích cực, luôn đưa ra những sáng kiến, khuyến nghị có tính chiến lược đối với các vấn đề chung của UNESCO. Với nhiệm vụ của mình bà sẽ tiếp tục kết nối các CVĐC trong Mạng lưới. Khẳng định sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam.
Chúc mừng CVĐC Lạng Sơn (Việt Nam) vừa được Hội đồng chuyên gia quốc tế biểu quyết gia nhập Mạng lưới. Bà cũng thông tin, trước bối cảnh biến đổi khí hậu, UNESCO đang thúc đẩy chương trình hợp tác về nguồn nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong và nhận định Việt Nam là một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong chương trình này. UNESCO sẽ tăng cường sự hỗ trợ về việc xây dựng chiến lược về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu. Đặc biệt là những địa phương như tỉnh vùng núi Cao Bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro thiên tai như lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng đến con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, tiếp tục hỗ trợ tỉnh nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thực hiện bảo vệ các giá trị di sản bản địa CVĐC; thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản CVĐC gắn với phát triển du lịch CVĐC theo hướng bền vững, tích cực tham gia các chương trình, hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

Đồng chí Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu
Phát biểu tại buổi tiếp xã giao, đồng chí Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhất trí cao với những ý kiến của Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO Lidia Brito. Cảm ơn sự ủng hộ của Bà đối với CVĐC Lạng Sơn được gia nhập Mạng lưới. Nhấn mạnh: Trước bối cảnh thế giới nhiều biến động và các quốc gia đều đối mặt với những thách thức toàn cầu, vai trò của UNESCO trong bảo vệ môi trường, tiêu biểu như mô hình CVĐC toàn cầu, Khu dự trữ sinh quyển thế giới càng trở nên quan trọng, giúp con người ứng xử, chung sống hài hòa, có trách nhiệm với môi trường, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực từ thiên nhiên. Đề nghị Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO Lidia Brito và lãnh đạo UNESCO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hội nhập quốc tế nhất là các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UNESCO.
Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC toàn cầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng không chỉ là sự kiện của riêng tỉnh Cao Bằng mà còn là ngày hội của các địa phương đang sở hữu danh hiệu UNESCO, qua đó góp phần định vị Cao Bằng nói riêng, các địa phương của Việt Nam nói chung trên bản đồ di sản thế giới. Đây vừa là cơ hội để tăng cường kết nối hợp tác quốc tế vừa là dịp quảng bá đưa các địa phương Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến gần hơn với Việt Nam. Đồng thời, Hội nghị thể hiện những nỗ lực, quyết tâm của Lãnh đạo, người dân tỉnh Cao Bằng trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng; thể hiện trách nhiệm là một thành viên tích cực của Mạng lưới, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công. Kết quả của Hội nghị lần này sẽ là một dấu mốc mới của mạng lưới CVĐC trong thực hiện sứ mệnh để hài hoà giữa thiên nhiên, môi trường với con người.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Hồng Minh tặng quà lưu niệm cho Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên
Kim Thoa – Dương Liễu