Địa hình tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 2086

Địa hình tỉnh Cao Bằng

Cao Bằng nằm trong vùng cao nguyên rộng lớn ở khu vực đông bắc Việt Nam, độ cao khoảng 600-1.000 m so với mực nước biển, địa hình bị chia cắt phức tạp với các dãy núi đá vôi và núi đất xen kẽ các sông, suối, thung lũng hẹp. Nhìn chung, địa hình cao ở phía tây - tây bắc, thấp về phía đông - đông nam, thể hiện rõ ở các cao nguyên biên giới và thung lũng sông Bằng. Đặc điểm nổi bật của địa hình là núi đá vôi, loại đá dễ thấm nước, bị xâm thực lâu đời hình thành nhiều hang động, thạch nhũ, sông, suối ngầm.

Địa hình Cao Bằng được phân chia làm ba dạng chính:

1. Cao nguyên Cao Bằng

Nằm trong hệ thống cao nguyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc của miền Bắc Việt Nam kéo dài từ Hà Giang tới Cao Bằng đi qua phần lớn các huyện trong tỉnh, được chia thành ba cao nguyên nhỏ:

a) Cao nguyên Lang Cá

Là cao nguyên đá vôi đồ sộ ở phía tây huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm, địa hình bị chia cắt thành nhiều thung lũng sâu với vách đá dựng đứng, có nhiều vực thẳm. Cao nguyên Lang Cá có nhiều ngọn núi cao 1.200 - 1.800 m, là một cao nguyên hiểm trở, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt.

b) Cao nguyên Bình Lạng

Thuộc địa bàn các huyện Bảo Lạc, Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình; cấu trúc gồm đá phiến và đá vôi bị phong hóa hình thành những dãy đồi nhấp nhô, có một vài dãy núi đá vôi cắt ngang dựng lên trên với vách thẳng đứng màu xám trắng. Thung lũng Bảo Lạc nằm giữa cao nguyên có độ cao 209 m so với mực nước biển, là một vùng thấp, kín gió. Phía đông cao nguyên Bình Lạng nhô cao hai dãy núi đá vôi: dãy Bảo Lạc - Tắp Ná và dãy Lũng Súng - Mỏ Sắt.

- Dãy Bảo Lạc - Tắp Ná chạy từ phía đông Bảo Lạc kéo dài qua Thông Nông (huyện Hà Quảng), phía tây Hòa An đến đông bắc Nguyên Bình. Đỉnh cao nhất có độ cao 1.803 m thuộc xã Khánh Xuân (huyện Bảo Lạc), bị chia cắt thành nhiều hẻm vực sâu, thung lũng rộng, điển hình là thung lũng Đồng Mu (độ cao 893 m so với mực nước biển) cách Bảo Lạc 15 km về phía đông. Đoạn cuối cùng của dãy Bảo Lạc - Tắp Ná độ cao giảm chỉ còn khoảng dưới 1.000 m và kết thúc tại vùng núi đá vôi lẫn núi đất thuộc các xã Hồng Việt, Hoàng Tung (huyện Hòa An). Từ thung lũng sông Bằng ở Mỏ Sắt lên Thông Nông, Tắp Ná phải vượt đèo ở dốc Mã Quỷnh khá cao.

- Dãy Lũng Súng - Mỏ Sắt nằm song song với dãy Bảo Lạc - Tắp Ná nhưng ngắn hơn, đi từ Sóc Giang đến vùng Mỏ Sắt (huyện Hòa An) độ cao đã giảm nhưng vẫn còn các vách đá thẳng đứng, hiểm trở trên bờ sông Sóc Giang.

c) Cao nguyên miền đông Cao Bằng

Bao trùm lên các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa, Thạch An. Độ cao thấp hơn so với miền tây, bề mặt cao nguyên có nhiều ngọn núi đá hiểm trở, xen kẽ các thung lũng cacxtơ lớn nhỏ, có độ cao 400m - 600m so với mực nước biển. Cao nguyên miền đông có cấu tạo gần như hoàn toàn bằng đá vôi (vùng Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa), nhưng cũng có vùng khá rộng lại cấu tạo chủ yếu bằng đá phiến (huyện Trùng Khánh) hoặc có vùng xen kẽ giữa đá vôi và đá phiến (huyện Quảng Hòa). Cao nguyên miền đông bị chia cắt mạnh hình thành các thung lũng rộng (huyện Quảng Hòa và huyện Trùng Khánh), những cánh đồng thuận lợi cho trồng lúa nước và các loại cây hoa màu khác. Ở những nơi đá vôi chiếm ưu thế, nguồn nước chảy trên mặt rất hiếm, chủ yếu là các mỏ nước ở khe đá.

Ở rìa phía tây cao nguyên miền đông có dãy núi Lục Khu - Thạch An. Dãy núi này bắt đầu từ huyện Hà Quảng đi qua Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh), các huyện Hòa An, Quảng Hòa, Thạch An và kết thúc ở đông bắc huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn). Đỉnh cao nhất nằm sát biên giới Trung Quốc cao 1.157 m, đến vùng đông nam huyện Hòa An, ngọn cao nhất còn 828 m, đến Thạch An chỉ còn núi cao dưới 700 m so với mực nước biển. Dãy núi bị chia cắt thành nhiều thung lũng lớn nhỏ có độ cao khác nhau. Vùng Lục Khu (huyện Hà Quảng) với những thung lũng cacxtơ, cao 500 - 700 m so với mực nước biển, đây là vùng núi đá vôi bao gồm các xã vùng cao của huyện Hà Quảng và Trùng Khánh - nơi rất hiếm nguồn nước chảy trên mặt đất.

Đi từ thành phố Cao Bằng vào miền đông phải vượt dãy núi Lục Khu - Thạch An ở đèo Mã Phục với độ cao 620 m so với mực nước biển, từ đèo Mã Phục trở xuống dãy núi giảm dần độ cao và cả hình dáng đồ sộ. Dãy núi Lục Khu - Thạch An là phân giới miền đông Cao Bằng với miền tây Cao Bằng.

Ngoài ra, thuộc cao nguyên miền đông còn có hai dãy núi đá vôi, chạy theo hướng tây - đông, thấp và ngắn hơn: dãy thứ nhất từ Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh), dãy thứ hai gọi là vòng cung phụ Hạ Lang, hướng núi uốn cong về phía nam, ngọn núi cao nhất ở vùng này cao 758 m so với mực nước biển.

2. Địa hình cacxtơ

Được phát triển tại các khu vực Tân kiến tạo nâng lên (từ trung bình đến yếu và rất yếu) với nền địa chất ưu thế là đá vôi. Địa hình cacxtơ chiếm diện tích ở hầu hết các huyện miền đông của tỉnh (Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa), huyện Hà Quảng, một số xã phía bắc huyện Thạch An, đông nam huyện Bảo Lạc và đông bắc huyện Nguyên Bình. Địa hình miền này rất phức tạp, gồm hệ thống các dãy núi đá vôi, phân cách mãnh liệt với các đỉnh nhọn dạng tai mèo, gồ ghề, lởm chởm, cao thấp khác nhau, các hang hốc tự nhiên nhiều. Có phương kéo dài chung theo hướng tây bắc - đông nam, xen kẽ các dãy núi là các thung lũng. Đất đá tham gia thành tạo kiểu địa hình cacxtơ là đá vôi của niên đại Palêôzôi giữa và muộn (kỷ Dêvon đến kỷ Pecmi). Do ảnh hưởng của các quá trình ngoại sinh đã tạo nên hàng loạt địa hình cacxtơ như các khối núi cacxtơ trụi thấp (huyện Hà Quảng), cánh đồng cacxtơ, hang động cacxtơ...

Ngoài ra, địa hình cacxtơ bao gồm một bộ phận của các cánh cung lớn của miền Đông Bắc Việt Nam là phần bắc của cánh cung sông Gâm và cánh cung Ngân Sơn thuộc địa phận Cao Bằng.

Cánh cung sông Gâm bắt đầu từ cao nguyên Lang Cá đi qua huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) nối liền với Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Đỉnh cao nhất của cánh cung sông Gâm là Phja Dạ cao 1.980 m, cấu tạo bằng đá granít nằm giữa địa giới huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) và huyện Bảo Lạc. Núi Phja Dạ quanh năm có mây mù bao phủ.

Cánh cung Ngân Sơn bắt đầu từ huyện Nguyên Bình đi qua tỉnh Bắc Kạn, kết thúc ở phía bắc thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Phần lớn núi ở phía nam huyện Nguyên Bình đều cấu tạo bằng đá phiến. Tất cả sông, suối ở sườn đông cánh cung Ngân Sơn đều chảy vào sông Bằng và sông Kỳ Cùng (tỉnh Lạng Sơn); những dòng nước ở sườn tây đều đổ vào sông Năng và sông Cầu. Cánh cung bắt đầu bằng ngọn núi Phja Oắc cao 1.931 m là một khối granít đồ sộ, đỉnh nhọn, sườn dốc, cây cối rậm rạp. Trên núi bốn mùa ẩm ướt, những cây cổ thụ phủ rêu xanh từ gốc đến cành. Lòng chảo Tĩnh Túc nằm dưới chân núi là nơi lắng đọng những khoáng sản quý hiếm từ khối núi Phja Oắc trôi xuống.

3. Địa hình núi thấp, thung lũng (máng trũng Cao Bằng)

Máng trũng Cao Bằng là phần bắc của lòng máng Cao Bằng - Lạng Sơn, hình thành trên đường đứt gãy của vùng địa hình Cao Bằng - Tiên Yên, xuất hiện vào thời kỳ vận động tạo sơn Anpi. Đường đứt gãy làm mặt đất gấp nếp thành những đồi núi xung quanh, đồng thời có những chỗ sụt xuống thành hồ đầm lục địa, sau này được bồi lấp bằng trầm tích hồ và phù sa mới.

Máng trũng Cao Bằng là vùng lưu vực sông Bằng, kéo dài từ Sóc Giang (huyện Hà Quảng) tới Phục Hòa (huyện Quảng Hòa), độ cao giảm dần từ tây bắc xuống đông nam: vùng Sóc Giang cao 249 m, đến cánh đồng Hòa An còn khoảng 200 m, gần thành phố Cao Bằng có độ cao là 193 m, đến Tà Lùng (huyện Quảng Hòa) thì độ cao chỉ còn 148 m so với mực nước biển. Các lớp phù sa cổ và phù sa mới đã bồi đắp nên cánh đồng Cao Bằng từ phía nam huyện Hà Quảng đến thành phố Cao Bằng, có diện tích rộng trên 6.000 ha, vùng đất rộng nhất và màu mỡ nhất là trung tâm huyện Hòa An.

Giữa hai dãy núi đá vôi Bảo Lạc - Tắp Ná, dãy Lục Khu - Thạch An và hai bên bờ sông Bằng có những dãy núi đá phiến và phún xuất. Ven cánh đồng Hòa An có ngọn núi Khau Khấu cao 809 m và ngọn núi Kỳ Sầm cao 678 m so với mực nước biển; ngoài ra, xen giữa các cánh đồng, thung lũng nhỏ là những đồi núi thấp, không liên tục theo kiểu bát úp.

Như vậy, địa hình Cao Bằng đa dạng, mỗi miền có đặc điểm và thuận lợi riêng đối với phát triển kinh tế.

Miền núi cánh cung và các cao nguyên biên giới có thể phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và trồng cây công nghiệp, cây ăn quả ôn đới, cây đặc sản, cây dược liệu. Miền địa hình lòng máng Cao Bằng thuận lợi trồng lúa nước trên cánh đồng phù sa màu mỡ. Miền đồi núi thấp thuận lợi để phát triển kinh tế vườn rừng.

Đặc biệt sự đa dạng của địa hình cacxtơ đã góp phần hình thành nên Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và thơ mộng như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thăng Hen (hay còn gọi là hồ Thang Hen), hồ Bản Viết, Mắt thần núi, đồi cỏ Vinh Quý,... Trong đó thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là danh thắng cấp quốc gia (năm 1998). Đây chính là những thuận lợi cho phát triển du lịch của tỉnh.

Theo sách địa lí - lịch sử tỉnh Cao Bằng 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1