Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương và ngành giai đoạn 2021-2025
Lượt xem: 1183

Ngày 21/10/2021, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án "Nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành giai đoạn 2021-2025" (gọi tắt là Đề án số 02) tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành giai đoạn 2021-2025.

Tham dự có trên 2.000 đại biểu tại 68 điểm cầu các cấp trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số 02 tỉnh; Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đồng chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê nhấn mạnh: Trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị, Ban ngành của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác biên soạn lịch sử đảng bộ, truyền thống ngành, góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, công tác biên soạn lịch sử đảng bộ, truyền thống ngành vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đề nghị, sau buổi tập huấn và thời gian tới, 100% các ban xây dựng Đảng tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, ban tuyên giáo các địa phương, thường trực đảng ủy các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương, truyền thống ngành, không để mất tư liệu đã có, không khó khăn thêm về nhân chứng lịch sử. Căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn theo từng mục tiêu các mức độ cụ thể: 100% đơn vị, địa phương toàn tỉnh thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn, sưu tầm, trong đó, thu thập tư liệu phải được thực hiện kịp thời không để hư hao, mất mát; xây dựng đề cương chi tiết, phân loại cụ thể tư liệu, sự kiện, nhân chứng lịch sử thông qua các hội thảo, thẩm định, nghiên cứu, sưu tầm; hoàn thiện, nâng cao và xuất bản để lịch sử truyền thống địa phương, ngành trở thành nguồn lực nội sinh, góp phần phát triển kinh tế -  xã hội, quốc phòng - an ninh bền vững.

Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các cấp có quyết tâm, trách nhiệm, quyết liệt phát huy trí tuệ tập thể với phương châm “4 tại chỗ”(con người tại chỗ - nghiên cứu tại chỗ - kinh phí tại chỗ - chỉ đạo tại chỗ) để làm tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, truyền thống ngành. Tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ và truyền thống ngành.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu được tập huấn 7 chuyên đề gồm: (1) Khái quát quy trình nghiên cứu, biên soạn một công trình lịch sử, truyền thống Đảng bộ địa phương và ban, ngành, đoàn thể; (2) Xây dựng thuyết minh, kế hoạch nghiên cứu một công trình lịch sử Đảng bộ địa phương và ban, ngành, đoàn thể; (3) Một số vấn đề về xây dựng đề cương một công trình lịch sử Đảng bộ địa phương ; lịch sử ban, ngành, đoàn thể; (4) Công tác sưu tầm, xử lý tư liệu phục vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương và ban, ngành, đoàn thể; (5) Phương pháp biên soạn một công trình lịch sử Đảng bộ địa phương và ban, ngành, đoàn thể, biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ địa phương, tiểu sử và hồi ký cách mạng; (6) Quy trình thẩm định, biên tập, in ấn, xuất bản, phát hành một công trình lịch sử Đảng bộ địa phương và ban, ngành, đoàn thể; (7) Một số vấn đề dự toán và sử dụng kinh phí phục vụ việc nghiên cứu, viên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương và truyền thống ngành theo Đề án số 02 của Tỉnh ủy.

Đồng chí Bế Thanh Tịnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bế Thanh Tịnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án số 02; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương và truyền thống ngành. Ban Tuyên giáo các cấp phát huy vai trò tham mưu triển khai thực hiện Đề án phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương và truyền thống ngành đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Dương Liễu

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1