Cao Bằng quyết tâm đưa công nghiệp thành ngành kinh tế động lực
Lượt xem: 4633

Cao Bằng là tỉnh có nhiều tiềm năng và nội lực ở biên giới phía bắc của Tổ quốc, nhưng do những hoàn cảnh đặc thù nên hiện vẫn là một tỉnh nghèo. Với chủ trương tạo ra bước phát triển đột phá mới, nhằm đưa Cao Bằng vào quỹ đạo hội nhập và phát triển chung của cả nước, Nghị quyết đại hội XVI, tỉnh Đảng bộ Cao Bằng đã đề ra quyết tâm đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế động lực.

Cao Bằng là tỉnh có nhiều tiềm năng và nội lực ở biên giới phía bắc của Tổ quốc, nhưng do những hoàn cảnh đặc thù nên hiện vẫn là một tỉnh nghèo. Với chủ trương tạo ra bước phát triển đột phá mới, nhằm đưa Cao Bằng vào quỹ đạo hội nhập và phát triển chung của cả nước, Nghị quyết đại hội XVI, tỉnh Đảng bộ Cao Bằng đã đề ra quyết tâm đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế động lực.

Cao Bằng có diện tích tự nhiên: 6 690,72 km2 là một cao nguyên đá xen lẫn núi đồi, có độ cao trung bình trên 200m, vùng sát biên giới với độ cao trên 600m đến 1.300 mét so với mực nước biển. Cao Bằng núi non trùng điệp, rừng núi chiếm trên 90% diện tích toàn tỉnh. Cao Bằng có 13 huyện, thị xã với 184 xã, phường, thị trấn. Dân số Cao Bằng có trên 52 vạn người với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, dân trí còn thấp, kinh tế chậm phát triển là những nguyên nhân chính làm cho Cao Bằng thuộc diện một trong những tỉnh miền núi biên cương của Tổ quốc đang gặp nhiều khó khăn.

Triển khai Nghị quyết X của Đảng và Nghị quyết XVI Đảng bộ tỉnh, với quan điểm chỉ đạo là phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển; đồng thời, chủ động khai thác thời cơ, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, Cao Bằng đã tập trung vào những ngành, lĩnh vực có lợi thế, có thị trường, bảo đảm tính hiệu quả trong công tác đầu tư, hình thành các vùng, ngành động lực phát trỉển kinh tế của tỉnh; tăng trưởng nhanh bền vững, đi liền với xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, gắn với bảo vệ môi trường; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao dân trí. Phát triển kinh tế đi đôi với giữ vững chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và củng cố quốc phòng, giữ vững độc lập và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Cao Bằng được đề ra là ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác - chế biến khoáng sản, xây dựng thủy điện nhỏ và vừa, phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch, phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp thành ngành kinh tế động lực, đến giai đoạn sau năm 2010, tỷ trọng công nghiệp chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế, xây dựng nâng cấp thị xã Cao Bằng, thị trấn Tà Lùng thành các trung tâm thương mại - vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Mục tiêu chủ yếu của Cao Bằng là phấn đấu đến năm 2010, trở thành một tỉnh khá trong khu vực, với các mục tiêu kinh tế cụ thể sau: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 15%/ năm; thu nhập bình quân đầu người (GDP) trên 600 USD; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng: 28,4%; dịch vụ: 45%; nông lâm nghiệp: 25,9%; tăng thu ngân sách trên địa bàn: 13%/ năm; giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu: 60 triệu USD (trong đó xuất khẩu 35 - 40 triệu USD, nhập khẩu 20 - 25 triệu USD; nâng độ che phủ của rừng đạt 52%;...

Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế đề ra, Cao Bằng tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng mở rộng và nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp và thương mại - dịch vụ; phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất gắn với bảo vệ khai thác có hiệu quả tài nguyên, môi trường, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế, xã hội. Trước hết, để tạo ra bước đột phá mới về kinh tế, Cao Bằng cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng và nhịp độ phát triển công nghiệp. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực tỉnh có nhiều thế mạnh.

Cao Bằng có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, với 22 loại khoáng sản và 142 điểm, mỏ quặng đã được phát hiện. Các khoáng sản có trữ lượng khá lớn và tập trung, có điều kiện thuận lợi cho khai thác sản xuất công nghiệp. Quặng sắt có trữ lượng khoảng 50-60 triệu tấn, quặng man-gan trên 6-7 triệu tấn, quặng nhôm trên 180 triệu tấn, bô-xít khoảng 200 triệu tấn. Ngoài ra, còn có các loại khoáng sản quí như: vàng, thiếc, vôn- fram, chì, kẽm, u ran, ang-ti-mon... có tiềm năng khá, giá trị kinh tế cao đã và đang được khai thác.

Tuy nhiên, Cao Bằng về kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn, nhất là điện cho sản xuất còn yếu, nguồn nước để sản xuất công nghiệp thiếu hụt do tình hình kinh tế tự cung, tự cấp lâu đời. Điều đó chưa thật hấp dẫn các nhà đầu tư khi đến với Cao Bằng. Trước tình hình mới, để chủ động, tích cực hội nhập và phát triển, Cao Bằng trên cơ sở vận dụng linh hoạt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, rà soát bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo hành lang môi trường pháp lý, thông thoáng thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, ưu tiêu thu hút các đầu tư vào khai thác, chế biến các loại khoáng sản và xây dựng nhà máy thủy điện.

Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Cao Bằng đã hoàn thành quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Xây dựng quy hoạch điều tra, thăm dò đánh giá tài nguyên khoáng sản bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định lâu dài cho công nghiệp chế biến. Quy hoạch và xây dựng khu công nghiệp tập trung theo từng giai đoạn dọc quốc lộ 4 A, xã Chu Trịnh, Hòa An, Đề Thám, Hưng Đạo, Cu Trình, Tà Lùng… Tăng cường quản lý nhà nước về khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Xây dựng quy hoạch về quản lý, cấp mỏ và thu hồi mỏ, quản lý khai thác và chế biến phù hợp nhằm sử dụng tài nguyên hợp lý, tránh lãng phí tài nguyên. Việc cấp mỏ gắn liền với chế biến, đồng thời có sự điều hành và điều tiết chung của nhà nước về nguồn quặng khai thác được, để bảo đảm nguyên liệu ổn định cho các cơ sở chế biến.

Xây dựng chính sách xuất khẩu quặng một cách hợp lý để tập trung cho công nghiệp chế biến. Khuyến khích ưu tiên các dự án chế biến quặng sắt theo công nghệ mới, không sử dụng hoặc ít sử dụng than cốc. Cao Bằng đã có 10 dự án được triển khi đưa vào sử dụng. Đáng chú ý là các nhà máy xây dựng từ các năm 2006-2007 như : Nhà máy luyện gang xã Ngũ Lão với công suất 35 000 tấn/ năm, nhà máy sản xuất Fê-rô man-gan xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh có công suất 15 000 tấn/năm, xây dựng năm 2006, nhà máy luyện gang Nguyên Bình với công suất 35 000 tấn/năm.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nguồn vốn và tiến hành sản xuất. Công ty Cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Cao Bằng là một doanh nghiệp đã mạnh dạn đi đầu trong khai thác và chế biến khoáng sản. Công ty đã đầu tư trên 130 tỉ đồng để xây dựng vùng trọng điểm công nghiệp. Trước mắt là đầu tư 40 tỉ đồng xây dựng thành công Nhà máy Chế biến khoáng sản luyện Fê-rô man-gan tại huyện Trùng Khánh. Nhà máy có công suất thiết kế 15 000 tấn sản phẩm/ năm và đã sản xuất thử thành công vào ngày 24-8-2007, đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm và biểu dương.

Đối với công nghiệp thủy điện, Cao Bằng là một tỉnh có tiềm năng lớn về thủy điện. Trên lưu vực sông Bằng, sông Hiến, sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng và sông Gâm có khả năng xây dựng các nhà máy thủy điện với tổng công suất trên 400 MW. Tuy nhiên, Cao Bằng chưa khai thác hết tiềm năng thủy điện của mình. Hiện nay mới khai thác và đưa vào sử dụng một phần nhỏ. Đến năm 2005, tổng công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện đã xây dựng chỉ đạt trên 13KW, tương ứng sản lượng điện trên 14 triệuKWh, giá trị sản xuất của ngành điện còn thấp, mới chiếm tỷ trọng 2,09% trong tổng giá trị toàn ngành. Vì thế, Cao Bằng hết sức quan tâm phát triển thủy điện trên địa bàn và khuyến khích các doanh nghiệp đầu xây dựng.

Cao Bằng đã quy hoạch phát triển thủy điện bậc thang trên sông Bằng, sông Hiếu, sông Neo, sông Gâm, sông Nho Quế, sông Quây Sơn… Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện dưới các hình thức như liên kết, liên doanh,... Đầu tư các nhà máy thủy điện với tổng công suất trên 240 MW, tổng vốn đầu tư trên 4 500 tỉ đồng. Nguồn vốn chủ yếu huy động từ các thành phần kinh tế khác nhau.

Trước mắt, Cao Bằng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển thủy điện đã có chủ trương đầu tư. Tiến hành kiểm tra, rà soát, điều chỉnh thu hồi giấy phép đầu tư đối với các dự án quá quy định mà chưa tiến hành triển khai xây dựng hoặc làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung của tỉnh để chuyển cho các nhà đầu tư khác thực hiện. Cao Bằng đã có 14 dự án đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện. Trong đó, có các nhà máy tiến hành xây dựng năm 2006, 2007 như: nhà máy thủy điện Hoàng Hoa Thám ở Nguyên Bình, công suất 6,4 MW; thủy điện Pác Khuổi ở Lê Trung, Hòa An, công suất 10,5 MW; thủy điện Bạch Đằng, Hòa An, công suất 7 MW; thủy điện Tà Si II ở Nguyên Bình, công suất 2 MW; thủy điện Khuổi Ru, Bảo Lạc, công suất 6 MW; thủy điện Hòa Thuận, Phục Hòa công suất 21 MW… Đặc biệt, nhà máy thủy điện có công suất 190 MW lớn nhất tỉnh Cao Bằng là Sông Gâm, Bảo Lạc dự kiến sẽ xây dựng vào năm 2009.

Để tăng tỷ trọng công nghiệp, Cao Bằng đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông lâm sản, các ngành công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động. Chú trọng phát triển sản xuất, gia công lắp ráp máy móc nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác khuyến công, phát triển các ngành nghề thủ công ở nông thôn.

Nhằm thực hiện thành công mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra, Cao Bằng hết sức chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức, ưu tiên đào tạo công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút cán bộ có năng lực và thợ lành nghề về công tác tại tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới.

Phía tỉnh, hoàn thiện công tác quản lý, điều hành của nhà nước, tạo sự phối hợp thống nhất, tập trung giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các công việc về thủ tục đầu tư nhanh chóng, kịp thời đáp ứng tốt nhất của các nhà đầu tư, tạo bước chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính với doanh nghiệp. Xây dựng phong cách làm việc khoa học chính xác, kịp thời, đúng pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào phát triển công nghiệp.

Cao Bằng đã xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm công nghiệp ổn định lâu dài. Khai thác triệt để thị trường trong nước; đồng thời, hướng mạnh ra thị trường nước ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc. Nâng cao năng lực cạnh tranh và tiêu thụ hàng hóa. Xây dựng chiến lược thị trường ổn định lâu dài. Đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại, thông tin thị trường bằng nhiều phương tiện, hình thức thích hợp.

Tích cực, chủ động tìm hiểu và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường lao động và tiêu chuẩn công nghệ của sản phẩm, đầu tư thiết bị, tổ chức kiểm tra, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng theo các quy định. Khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại không ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong khu vực… Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đầu tư dây chuyền thiết bị, công nghệ tiên tiến hiện đại, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.

Mặc dầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao độ của đội ngũ cán bộ lãnh, đảng viên, nhân dân trong toàn tỉnh, Cao Bằng sẽ thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết XVI của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đưa Cao Bằng trở thành một tỉnh phát triển mạnh và vững chắc ở khu vực miền núi phía bắc Tổ quốc./.
Nguồn: www.caobang.gov.vn
Tin khác
1 2 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1